Đêm Kim Liên triệu trái tim thổn thức, nhớ Bác khôn nguôi!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrước ngày sinh nhật Bác, Kim Liên trở thành quê chung của biết bao thế hệ |
Ngày sinh nhật Bác – Ngày của cả dân tộc
Tìm về Kim Liên, tìm về làng Trù quê mẹ, làng Sen quê cha, ai cũng mang trong mình những cảm xúc đặc biệt, đó là sự tự hào về mảnh đất địa, linh, nhân, kiệt, mảnh đất máu thịt ấy đã sinh ra cho dân tộc Việt Nam một lãnh tụ anh minh, thiên tài, một tấm gương sáng ngời về ý chí, trí tuệ, phong cách sống gần gũi, thân thương, bao la tình yêu thương không biên giới, để rồi không chỉ mỗi người dân Việt Nam, mà bạn bè nhân dân khắp năm châu, bốn bể rất kính quý Bác, tâm phục về con người, trí tuệ uyên bác, một hình tượng mẫu mực trong mọi thời đại.
Về với Kim Liên quê Bác chúng ta sẽ được đắm chìm vào ký ức tuổi thơ, nơi mà Bác sinh ra, nơi đây lưu trữ nhiều hiện vật giá trị vượt thời gian, đó là những kỷ vật gắn với thời thơ ấu của Người, cũng như gia đình, người thân, bạn thân, những người hàng xóm. Còn đó chiếc võng tre, chõng tre, còn đó mái nhà tranh đơn sơ, giản dị, còn đó những hàng râm bụt, ao cá, giếng nước... nhìn vào đâu cũng cảm thấy sự linh thiêng, đặc biệt.
“Trước sinh nhật Bác, gia đình, hàng xóm tổ chức một ngày hành hương về Kim Liên, thường niên gia đình chúng tôi đều về đây, dâng lên Bác Hồ nén hương, bó hoa, ghi ơn, tạc dạ công ơn Bác. Sinh nhật Bác như ngày của gia đình, ngày của dân tộc vậy, đâu mỗi gia đình tôi, mà thấy du khách từ khắp mọi miền đều trở về đây với Bác” - Cựu chiến binh Hoàng Văn Sáu đến từ Quảng Trị tâm sự.
Như một điển hình về làng Việt cổ, nơi đây – Khu di tích Kim Liên là một trong những di tích quan trọng tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình của Người.
Toàn bộ khu di tích bao gồm nhà tranh nhỏ của cha mẹ Bác, hai cụ Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan. Là ngôi nhà của ông bà ngoại của Người, nhà thờ Chi họ Hoàng Xuân, thuộc cụm di tích Hoàng Trù. Là nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Còn có giếng Cốc, lò rèn Cố Điền, nhà cụ cử Vương Thúc Quý - thầy học khai tâm của Bác Hồ, nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhâm - ông nội của chủ tịch Hồ Chí Minh. Là di tích cây đa, sân vận động Làng Sen, khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thuộc cụm di tích Làng Sen. Phần mộ cụ Hoàng Thị Loan ở Động Tranh trên dãy Đại Huệ và cụm di tích núi Chung Sơn.
Các em học sinh hào hứng tìm hiểu triển lãm về Bác Hồ tại Khu di tích |
Đến với Kim Liên, về với quê chung, chúng ta được cảm nhận sự thuần khiết, tinh túy, hào sảng của Sen, là hương vị đặc trưng, sắc sen đẹp đến nao lòng. Đi qua những hồ sen, chúng ta sẽ thấy sự thanh tịnh, hào sảng, thấy lòng mình vô cùng nhẹ nhõm.
Về đây, chúng ta được lắng nghe những điệu ví, câu hò mộc mạc, đậm tình, những làn điệu dân ca xứ Nghệ cứ thế nuối tiếp từ đời này sang đời khác, được sản sinh trong quá trình lao động chân lấm tay bùn, trải qua bao thế hệ vẫn trường tồn và trở thành một di sản quý giá, vượt không gian thời gian. Những lời ca, tiếng hát mộc mạc, giản dị, nhưng chất chứa niềm vui, sự hài hước và khích lệ trong lao động, cuộc sống hàng ngày.
Khu di tích Kim Liên, trở thành quê chung từ bao đời nay, trở thành chốn đi về quen thuộc của biết bao thế hệ trên khắp mọi miền tổ quốc và cả bạn bè thế giới. Về Kim Liên trong những ngày này, chúng ta càng thấy xúc động hơn, từ Làng Sen đến Làng Trù, núi Chung Sơn đến dãy Đại Huệ, biết bao đoàn người cứ thế hành hương về đây, kính dâng lên Bác, gia đình Bác những nén hương, bó hoa tươi thắm, tri ân, tạc dạ công lao trời biển của Người đã để lại cho hậu thế hôm nay.
Trước và trong và cả sau những ngày sinh nhật Bác, khu di tích Kim Liên đón hàng vạn lượt người, dòng người cứ thế nuối tiếp về đây mừng sinh nhật Bác, tưởng nhớ Bác, tri ân, tạc dạ công ơn trời biển của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, vị cha già đáng kính, gần gũi với tình yêu thương bao la, cả một đời đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam.
Đêm Kim Liên nhớ Bác khôn nguôi
Đêm 17/5, sân vận động xã Kim Liên chật kín người, Lễ hội Làng Sen năm 2022 chính thức được khai mạc ngay trên chính nơi sinh ra Bác. Cách đây hơn 40 năm về trước, Liên hoan toàn quốc “Tiếng hát Làng Sen” lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 5/1982. Sau đó, Liên hoan được nâng cấp thành Lễ hội làng Sen tổ chức hàng năm theo quy mô cấp tỉnh và 5 năm một lần ở cấp quốc gia.
Lễ hội Làng Sen là không chỉ là hoạt động nhằm thể hiện lòng biết ơn, thành kính của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tôn vinh các giá trị tư tưởng, đạo đức của Người. Sau nhiều năm hình thành và phát triển, Lễ hội Làng Sen đã trở thành ngày hội lớn của người dân xứ Nghệ và cả nước. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện của đất nước.
Khai mạc Lễ hội làng Sen 2022 |
Xã Kim Liên đã đón hàng vạn người, đến với khai mạc Lễ hội làng Sen, đủ để hiểu rằng Lễ hội làng Sen trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, một không gian sinh hoạt văn hóa lớn, mang tầm giá trị lịch sử, văn hóa, chính trị lớn.
Ngày hội Làng Sen, ngày lễ lớn hướng về cội nguồn, hướng về Bác Hồ kính yêu, nhưng cũng là ngày để thắp lên những hoài bão, những ước mơ về một dân tộc hùng cường hơn như những lời Bác từng căn dặn. Là lúc chúng ta được một lần nữa sống trong những năm tháng kiêu hùng cua cả dán tộc khi có Bác chỉ đường, dẫn lối. Con đường cách mạng, con đường giải phóng dân tộc, dưới sự chèo lái, soi rọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến bờ của chiến thắng, sự tự do, độc lập dân tộc, tự lực tự cường, sự tự tôn của một đất nước mà trong tâm khảm mỗi người dân là “...Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” mà Bác từng kêu gọi cả dân tộc.
Đêm Kim Liên triệu trái tim nhớ Bác khôn nguôi |
“Đêm nay thật đặc biệt, không khí buổi Lễ thật đặc biệt, ai cũng lâng lâng xúc động khi chờ đón và rồi nghe những tiếng trống giòn dã khai lễ, khai hội làng Sen. Bao năm vẫn vẹn nguyên tình cảm về Bác, về những người thân của Bác... đó là sự tự hào, niềm kiêu hãnh có lẽ không riêng gì người dân Nghệ An, người dân Kim Liên, mà đó là sự tự hào, kiêu hãnh của của dân tộc. Đêm lễ thật sự xúc động, Bác Hồ luôn là niềm tin tất thắng...” – bà Cao Thị Xuân, TP Vinh, có mặt trong đêm Lễ khai mạc Lễ hội làng Sen rưng rưng bộc bạch.
Chương trình nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng” đã khiến hàng vạn trái tim thổn thức, xao xuyến, đã có những giọt nước mắt lăn dài trên má, bất chợt ùa về bao thổn thức, nhớ nhung, mong đợi. Hàng trăm nghệ sỹ đã có một đêm diễn lắng đọng, một chương trình đi vào lòng nhân dân.
Từ quá khứ tới hiện tại, từ ngày thơ bé đến lúc Người trút hơi thở cuối cùng, đất nước từng ngày đổi mới, cách mạng thắng lợi chấn động địa cầu, dân tộc được giải phóng, đến những ngày giang sơn gấm vóc thu về một mối, cả dân tộc ấy lại nỗ lực tăng cường sản xuất, dựng xây non sông ngày càng phồn thịnh hơn.
Đêm Kim Liên triệu trái tim thổn thức, nhớ Bác khôn nguôi!
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại