Thứ sáu 22/11/2024 07:52
Dự thảo Đề cương Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi):

Đề xuất xem xét quyền lợi của người hiến mô, tạng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Một nội dung rất quan trọng cần được xem xét bổ sung vào Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi) là quyền lợi của người hiến: vấn đề chi trả, quyền chăm sóc sức khoẻ ngay sau khi họ hiến sống. Đối với người hiến sau khi chết và chết não phải có được quyền lợi cho thân nhân của họ.
Đề xuất  xem xét quyền lợi của người hiến mô, tạng
Một ca ghép gan xuyên Việt năm 2020 (ảnh TTĐPGTQG)

Tại Hội thảo định hướng xây dựng Dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi), bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết: Luật hiện hành đang có một số vấn đề bất cập về độ tuổi hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người; quyền lợi người hiến; quy định về chết não; chi phí lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người...

Để khắc phục những bất cập này, định hướng xây dựng Luật sửa đổi sẽ quy định về quyền lợi của người hiến mô, bộ phận cơ thể - đây là nội dung rất quan trọng liên quan đến quyền lợi người hiến. Trong đó có quy định liên quan đến quyền được chăm sóc sức khoẻ ngay sau khi họ hiến sống và cấp thẻ BHYT miễn phí.

Đối với người hiến sau khi chết và chết não thì họ phải có được những quyền lợi cho thân nhân của họ, những người trực tiếp chăm sóc (con đẻ, bố đẻ) về vấn đề BHYT, chăm sóc sức khoẻ, tôn vinh… Những quyền lợi này rất quan trọng mà những quy định hiện hành chưa đáp ứng được.

Ngoài ra, vấn đề bất cập nữa là liên quan đến độ tuổi hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người. Hiện nay luật quy định không cho phép người đưới 18 tuổi hiến nhưng trong thực tế nhu cầu thực sự có. Thời gian vừa qua có những trường hợp như bé Hải An dưới 18 tuổi vẫn hiến… và một số trường hợp khác nữa. Chính vì thế cần có điều chỉnh liên quan đến độ tuổi.

"Trong một số trường hợp người hiến không cùng huyết thống mà để độ tuổi thấp (từ 18 tuổi) trở lên cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người hiến sau. Các vấn đề khác liên quan chăm sóc y tế, cơ hội có đủ sức khoẻ tham gia các hoạt động xã hội cũng khó khăn. Cho nên vấn đề quy định độ tuổi người hiến cần phải sửa để đáp ứng hai yêu cầu: một mặt tăng được nguồn hiến, một mặt bảo vệ sức khoẻ cho người được hiến đồng thời phòng ngừa được gian lận trong quá trình hiến mô tạng", ThS. Trần Thị Trang phân tích.

Đồng quan điểm này, PGS-TS. Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho rằng: Theo tôi không cần quy định độ tuổi hiến mô, tạng người mà bất cứ tuổi nào đều có thể hiến tạng.

Một trong những bất cập hiện nay của Luật là Hội đồng xác định chết não có chuyên gia giám định pháp y. Tuy nhiên, TS. Đồng Văn Hệ cho rằng không cần thiết bởi khi chẩn đoán chết não cần chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng chuyên chụp chiếu thì đọc mới chuẩn được vì chẩn đoán chết não cho 1 người coi như là án tử, nếu chưa chết não thì còn có thể cứu, nếu chết não rồi thì sẽ lấy tạng bình thường. "Chẩn đoán phải thực sự khoa học và phải có người đúng chuyên ngành, chuyên khoa tham dự trong Hội đồng xác định chết não thì mới chặt chẽ nhất, chính xác nhất, đỡ bị nhầm lẫn không đáng có".

TS. Đồng Văn Hệ chia sẻ, theo quy định không có nhưng tại BV Việt Đức khi thực hiện các ca ghép tạng đã nhận thấy sự vô lý ấy và chủ động đưa vào từ năm 2010, không chờ đến bây giờ. Đề nghị trong Dự thảo bổ sung thêm bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, bác sỹ thăm dò chức năng vào Hội đồng xác định chết não.

TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho rằng, cần đánh giá lại vai trò của chuyên gia giám định pháp y trong Hội đồng xác định chết nào. Về bản chất các tiêu chuẩn cận lâm sàng của chết nào khác với tiêu chuẩn cận lâm sàng của người đã chết hẳn (tim ngừng đập). Không xác định được chjuyeen gia pháp y sẽ tham gia đánh giá tiêu chuẩn nào trong các tiêu chuẩn lâm sàng, cận lâm sàng để xác định chết não.

Ngoài ra, một trong những bất cập nữa là chi phí để chẩn đoán chết não hiện không được đề cập, PGS. Đồng Văn Hệ đề nghị nên đưa vào bảo hiểm chi trả để các BV thực hiện mới đỡ tốn kém như chi phí cho chẩn đoán chết não. Nếu bảo hiểm không chi trả thì BV không lấy được nguồn chi trả thì sẽ không dám làm, không mở rộng được.

"Việc chẩn đoán chết não không phải chẩn đoán 1 lần, trong 1 thời điểm mà làm trong 2-3 ngày, chi phí này phải do BHYT chi trả giống như chữa các bệnh khác. Chẩn đoán cái đó chữa cho chục người, thậm chí mấy chục người khác vì nếu như chết não hiến được thì 1 người có thể cứu được 5 người khác và giúp ích cho 50 người nữa vì hiến giác mạc, mô, gân, cơ, xương, ruột, da.... rất nhiều", Phó Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức phân tích.

Theo thống kê từ năm 1992 đến tháng 11-2021 Việt Nam ghép được 6.111 ca ghép gan, thận, tim, phổi, chi trên, ruột. Số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não trên cả nước tính đến ngày 19-1-2022 là 46.211 trường hợp.
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động