Thứ sáu 08/11/2024 03:33

Đề xuất giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy còn nhiều tồn tại hạn chế. Vì vậy tôi đề nghị Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề này vào năm 2019” – đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) phát biểu tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.

Theo đại biểu Triệu Thị Thu Phương, theo thống kê 2 năm gần đây nhất cho thấy sự gia tăng các vụ cháy. Nếu như năm 2016 cả nước xảy ra trên 3.000 vụ thì sang năm 2017, cả nước đã xảy ra 4.100 vụ cháy. Mặc dù công tác phòng cháy trong thời gian qua đã có sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy còn nhiều tồn tại hạn chế như công tác quản lý nhà nước về phòng, chống cháy nổ có hiện tượng buông lỏng, thiếu chặt chẽ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nghiêm túc. Các điều kiện về phòng, chống an toàn cháy nổ chưa đáp ứng được yêu cầu. Ý thức phòng, chống cháy nổ của người dân chưa tốt, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm còn mang tính hình thức.

“Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề này vào năm 2019 nhằm rà soát lại tất cả các quy định pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới”, đại biểu Triệu Thị Thu Phương nói.

de xuat giam sat thuc hien chinh sach phap luat ve phong chay chua chay
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề xuất giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc lựa chọn nội dung giám sát phải dựa trên tiêu chí là vấn đề bức xúc nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm. Nội dung giám sát cũng phải gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực và phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.

Căn cứ vào kết quả hoạt động giám sát những năm vừa qua và tình hình thực tế năm 2019, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011-2018. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2018.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với chương trình giám sát năm 2019 như Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho rằng về tổng thể dự kiến chương trình giám sát năm 2019 của Quốc hội là phù hợp, bám sát quy định của Luật Hoạt động giám sát, gắn với những vấn đề bức xúc nổi lên được đại biểu và cử tri quan tâm. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội còn đề xuất thêm một số các nội dung giám sát như về vấn đề bạo hành trẻ em, vấn đề chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi...

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu, Quốc hội sẽ lựa chọn 2 chuyên đề để Quốc hội giám sát tối cao. Hai chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát và báo cáo Quốc hội.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động