Thứ năm 25/04/2024 20:02

Để trẻ em được tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 24/8, tại Hà Nội, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức khoá tập huấn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí nhằm cung cấp thông tin về hiện trạng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các xu hướng công nghệ nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Để trẻ em được tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng
Toàn cảnh khoá tập huấn (Ảnh: Duy Linh)

Phát biểu khai mạc khoá tập huấn, ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong công tác truyền thông, tuyên truyền về các vấn đề trẻ em trên môi trường mạng. Theo thống kê của Cục Báo chí, từ ngày 1/1/2022 đến nay, các cơ quan báo chí đã có 145.130 tin bài liên quan đến vấn đề trẻ em.

Để nhiệm vụ này được thực hiện hiệu quả, không vi phạm các quyền của trẻ em, báo chí cần được trang bị nhiều hơn nữa về kiến thức và chia sẻ những kiến thức cụ thể trong truyền thông để bảo vệ hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng.

“Tại khoá tập huấn này, chúng tôi hy vọng các nhà báo sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng, thực hiện sứ mệnh tuyên truyền của mình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”, ông Lợi cho biết thêm.

87% trẻ em sử dụng mạng internet hàng ngày

Thông tin về hiện trạng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, theo số liệu phân tích từ Tổng đài Hỗ trợ trẻ em 111, trong năm 2021, số cuộc gọi tư vấn về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là 422 cuộc gọi. Trong đó, các em quan tâm đến tư vấn về vấn đề xâm hại tình dục (XHTD) trên môi trường mạng chiếm tỉ lệ 29,8%. Nội dung thứ 2 được các em quan tâm là liên quan đến cách sử dụng internet an toàn chiếm 36,5%. Nội dung thứ 3 được các em đề nghị Tổng đài tư vấn liên quan đến vấn đề trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm chiếm 13,7%.

Để trẻ em được tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin về hiện trạng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và một số quy định về bảo vệ trẻ em (Ảnh: Duy Linh)

Còn trong 7 tháng đầu năm 2022, có 268 cuộc gọi tư vấn đến Tổng đài 111, với 3 nhóm vấn đề lớn: liên quan đến XHTDTE trên môi trường mạng chiếm tỉ lệ 31%; cách sử dụng internet an toàn chiếm 31,3%; tư vấn khi trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm chiếm tỉ lệ gần 17%. Liên quan đến các ca can thiệp, năm 2021, Tổng đài 111 có can thiệp 36 ca và 7 tháng đầu năm 2022 có 19 ca can thiệp.

Thông qua báo cáo nghiên cứu của UNICEF, tỉ lệ trẻ em sử dụng internet ở Việt Nam khá cao. Trong 3 tháng trước khảo sát có 89% trẻ em truy cập và sử dụng internet. Trong số này, tỉ lệ trẻ em sử dụng internet hàng ngày chiếm 87%. Số người chăm sóc chưa bao giờ sử dụng internet chiếm 11%, trong khi 77% số người chăm sóc sử dụng internet hàng ngày. Tuy nhiên chỉ 36% (hầu hết là trẻ trong độ tuổi 16-17) trẻ tham gia khảo sát hộ gia đình đã được dạy để đảm bảo an toàn trên mạng.

Khi trẻ em được hỏi ý kiến thông qua khảo sát ngăn chặn hành vi gây tổn hại của UNICEF, hầu hết trẻ em bị ảnh hưởng không tiết lộ thủ phạm là ai. Những em tham gia nghiên cứu khảo sát toàn cầu này hầu như là nạn nhân của vấn đề xâm hại tình dục trên môi trường mạng tuy nhiên không báo cáo với cơ quan công an cũng như đường dây trợ giúp.

Trong số ít trẻ em tiết lộ, hầu hết nói rằng thủ phạm là người lạ và một số đề cập thủ phạm là bạn trưởng thành hoặc bạn cũng trang lứa với các em. Việc trẻ không muốn nói ra thủ phạm là ai nhiều khả năng là do sợ tiết lộ hoặc sợ hậu quả.

Việc tham gia internet và mạng xã hội đem lại đem lại cho trẻ em nhiều giá trị tích cực, giúp trẻ em có thể tìm hiểu thế giới một cách dễ dàng, gặp gỡ, giao lưu được với nhiều người, chia sẻ tình cảm, thông tin... Tuy nhiên, MXH cũng gây ra những tác động tiêu cực cho trẻ em, như: tiếp cận thông tin giả, truy cập vào những nội dung xấu độc, nghiện sử dụng MXH. Nguy hiểm hơn, khi các em chưa ý thức được hết những nguy cơ rình rập khi sử dụng MXH.

Hiện nay, tại Việt Nam đã có nhiều quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, như: Luật An toàn thông tin mạng (2015), Luật trẻ em (2016) quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (Điều 54), Luật Tiếp cận thông tin (2016), Luật An ninh mạng (2018) (Điều 29 – quy định về BVTE trên không gian mạng)…

Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhân Tháng hành động vì trẻ em cho đội ngũ cán bộ, cha, mẹ và trẻ em nòng cốt; Tham gia mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Đồng thời, phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và Cẩm nang số về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT có văn bản xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt, đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm. Các vụ điển hình về trẻ em như: TIMMY TV, Thơ Nguyễn, Thuận Sanh Office, Team 2K9...

Trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, trong đó có nội dung xử phạt hành chính về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Ngoài ra, một số tổ chức quốc tế, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng của Việt Nam (Viettel, VNPT, FPT), doanh nghiệp quốc tế (Microsoft, Facebook, Tik Tok...) đã quan tâm, có những giải pháp kỹ thuật để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và đã tham gia vào Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Công cụ hỗ trợ, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin, BộTT&TT cho hay, theo khảo sát về trải nghiệm của trẻ em Việt Nam về bóc lột và XHTD qua mạng, có 1% trẻ em được khảo sát bị dụ dỗ gửi ảnh/video về bộ phận nhạy cảm trên môi trường mạng; 0,2% trẻ em bị đề nghị cho tiền/quà để đổi lấy video/ hình ảnh nhạy cảm; 0,3% trẻ em bị đề nghị cho tiền/quà để thực hiện hành vi TD; 1% trẻ em bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm mà không có sự đồng ý; 2% trẻ em bị yêu cầu về trò chuyện TD. Do vậy, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp thiết.

Để trẻ em được tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng
Bà Đinh Thị Như Hoa - Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam chia sẻ về các công cụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (Ảnh: Duy Linh)

Về quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Hoa cho rằng, khi tham gia môi trường mạng, cha mẹ cần thận trọng trước khi chia sẻ các thông tin liên quan đến cá nhân của mình và người khác trên MXH; Trẻ em cần chia sẻ với bố mẹ, giáo viên, bạn bè, nhân viên bảo vệ trẻ em, những người tin tưởng khi có bất kỳ vấn đề nào cần đến sự hỗ trợ; Cha mẹ cần đồng hành, bảo vệ, lắng nghe, che chở cho trẻ em khi trẻ gặp bất kỳ sự khó khăn nào, hướng dẫn trẻ em cách xả lý tình huống gặp phải phù hợp với lứa tuổi; Cha mẹ cũng cần chú ý, theo dõi, giám sát hoạt động của trẻ khi tham gia không gian mạng.

Về xu hướng công nghệ hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Hoa cho biết, có 3 loại công nghệ bảo vệ trẻ em, bao gồm: công cụ có sẵn trên các hệ điều hành window, IOS, Android hoặc trên các trình duyệt; công cụ hỗ trợ: ứng dụng bảo vệ hỗ trợ và thiết bị mạng bảo vệ giám sát (wifi, gói cước viễn thông); các ứng dụng hỗ trợ: phản ánh, kiểm tra…

Theo đó, các công cụ hỗ trợ sẵn có trên các hệ điều hành như IOS, Android… có thể giới hạn thời gian sử dụng, giới hạn nội dung sử dụng, giúp bảo vệ trẻ khỏi các nội dung xấu độc. Ngoài ra, một số MXH như Youtube, Facebook, Tiktok đều có những công cụ hạn chế sử dụng theo độ tuổi, lọc nội dung xấu, quản lý thời gian sử dụng…

Cha mẹ cũng có thể sử dụng các thiết bị, ứng dụng BVTE trên môi trường mạng trên thiết bị đầu cuối, như: phần mềm CyberPurify Kids giúp phát hiện và chặn lọc 15 loại nội dung độc hại trên internet theo thời gian thực; Google Family Link giúp kiểm soát các thanh toán, tải về và nội dung nào được hiển thị; Kapersky Safe Kids giúp chặn quyền truy cập vào nội dung không phù hợp hoặc có hại, giới hạn thời gian sử dụng.

Ngoài ra, cha mẹ, trẻ em có thể sử dụng các ứng dụng hỗ trợ phản ánh, kiểm tra bằng cách liên hệ với Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em (Hotline: 111); Cơ quan Công an các cấp hoặc gọi Hotline 113; Hoặc liên hệ với Mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại địa chỉ website: vn-cop.vn (Hotline: 0963563571).

Hà Nội triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 Hà Nội triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022
Chế tài xử lý những vụ việc đánh đập, bạo hành trẻ em vẫn còn chưa đủ sức răn đe?! Chế tài xử lý những vụ việc đánh đập, bạo hành trẻ em vẫn còn chưa đủ sức răn đe?!
Các biện pháp bảo vệ trẻ em được Instagram đẩy mạnh Các biện pháp bảo vệ trẻ em được Instagram đẩy mạnh
Tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em Tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động