Để thị trường chứng khoán phát triển hơn thì cần phải được nâng hạng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThị trường chứng khoán muốn đạt chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư. Ảnh: NT. |
Số lượng của nhà đầu tư tổ chức khiêm tốn
Phát biểu tại chương trình “Đối thoại tháng 7”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá cao Ban tổ chức đã chọn chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”, bày tỏ hết sức vui mừng vì nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp cho sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) đến nay khá vững chắc và khẳng định thị TTCK thời gian tới sẽ có bước phát triển bền vững.
Với chủ đề mới này, sự phát triển của thị trường được tập trung và quan tâm đến nâng hạng, gọi vốn, việc phát triển nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn nữa - những yếu tố vừa làm cho TTCK được nâng cao, chất lượng bền vững hơn, vừa là yếu tố giúp thị trường có chất lượng cao hơn.
“TTCK của chúng ta phải được nâng lên một bước sau hơn 20 năm ra đời và phát triển, để khẳng định với nhà đầu tư và tổ chức quốc tế rằng, để thị trường chứng khoán phát triển hơn thì cần phải được nâng hạng. Đây là hoạt động hết sức tích cực và tác động lan tỏa đển phát triển TTCK Việt Nam” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng, chúng ta thống nhất với nhau TTCK muốn đạt chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư. Cập nhật hiện nay TTCK quy mô vốn hóa lớn, số lượng tài khoản các nhà đầu tư mở gần 8 triệu tài khoản.
Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu và tài khoản thì số lượng của nhà đầu tư tổ chức khiêm tốn, con số của FiinGroup đưa ra nhà đầu tư nước ngoài nắm 14% cổ phiếu. Đây là điểm chưa mạnh và chưa bền vững của thị trường.
“Vậy, phải làm thế nào để thay đổi điều này và thúc đẩy phát triển số lượng các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường?" - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đặt vấn đề. Nhiệm vụ này, cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhận ra từ lâu và báo cáo Thủ tướng đưa vào chiến lược phát triển TTCK. Tuy nhiên, để phát triển và tăng số lượng các nhà đầu tư tổ chức, có rất nhiều thứ phải làm.
"Những người có tiền có vốn ở Việt Nam cần thay đổi nhận thức để thực hiện đầu tư thông qua nhà đầu tư chuyên nghiệp. Không cần phải có 8 triệu tài khoản, chỉ cần 6 triệu, 5 triệu nhưng một nửa trong số đó là nhà đầu tư có tổ chức thì cũng rất tốt rồi" - Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, để có thể đạt được điều này cơ quan quản lý nhà nước cần thực thi nhiều giải pháp tạo điều kiện để mở ra hoạt động của các quỹ đầu tư, các dạng quỹ đầu tư như quỹ hưu trí tự nguyện đang được thử nghiệm.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đặt trọng tâm các chính sách cởi bỏ những điều kiện ràng buộc quá chặt chẽ hoặc thay bằng điều kiện khác với hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trên TTCK Việt Nam được thuận lợi hơn.
Tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia
Tại chương trình, một số ý kiến cũng cho rằng, việc chậm trễ được nâng hạng khiến TTCK Việt Nam bị ảnh hưởng khi khối ngoại liên tục bán ròng, rút vốn trong thời gian qua. Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho biết, khoảng 4 năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 4 tỷ USD, riêng năm 2024 là 2 tỷ USD.
Bên cạnh yếu tố Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đồng USD khiến nhà đầu tư ngoại rút vốn từ thị trường Việt Nam để đổ sang Mỹ thì còn có cả yếu tố TTCK Việt Nam chưa nâng hạng. Điều này khiến TTCK kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Khẳng định việc nâng hạng TTCK là điều tất yếu, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vũ Thị Chân Phương cho biết, hiện cơ quan này đang cùng với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp để TTCK Việt Nam có thể nâng hạng vào năm 2025.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang khẩn trương rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý để từng bước gỡ các nút thắt trong việc xem xét nâng hạng theo các tiêu chí của các tổ chức quốc tế, hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ mức “cận biên” lên “mới nổi”.
Song song với công tác hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách thu hút đầu tư vốn gián tiếp nước ngoài (FII), các giải pháp liên quan tới thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên TTCK cũng luôn được cơ quan quản lý chú trọng, cải tiến.
Cùng với những nỗ lực trên, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc cải thiện thủ tục mở tài khoản đầu tư gián tiếp nước ngoài, tạo điều kiện cho NĐTNN muốn rót tiền vào Việt Nam…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại