Thứ hai 06/05/2024 19:12

Đề thi THPT quốc gia sẽ được cải tiến thế nào trong những năm tới?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Với mỗi kỳ thi, đề thi và chất lượng đề thi luôn là vấn đề được quan tâm nhất. Đặc biệt là năm nay, lần đầu tiên hầu hết các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia được thiết kế dưới hình thức trắc nghiệm khách quan, chuẩn hóa theo yêu cầu của đề thi quốc tế.

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT cho biết: Năm nay cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT xây dựng đề thi cho kỳ thi THPT quốc gia theo quy trình xây dựng đề thi chuẩn hóa mà các nước tiên tiến đã áp dụng từ lâu. Quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, xây dựng đề thi chính thức được thực hiện công phu, bài bản với sự hỗ trợ của phần mềm máy tính. Việc đánh giá độ khó, độ cân bằng của đề thi sẽ được xử lý theo phương pháp thống kê khoa học sau khi có kết quả chấm thi mới có độ tin cậy, thuyết phục chứ không thể bằng các nhận xét cảm tính.

Tất cả các đề thi đều bám sát nội dung chương trình lớp 12, dạng thức tương tự như các đề thi tham khảo, đề thi thử nghiệm và đề thi minh họa đã được công bố trước đó nên không gây bỡ ngỡ cho thí sinh. Nội dung đề thi chính xác, bảo đảm ít nhất 60% câu hỏi ở mức độ cơ bản và 40% còn lại có độ phân hóa ở các mức độ khác nhau để phục vụ xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ khá đa dạng của nước ta hiện nay. Các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp theo các nhóm với độ khó tăng dần, hỗ trợ cho thí sinh khi làm bài thi.

1
Sau khi kết thúc thi THPT quốc gia năm 2017, đề thi là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất .
ảnh: P.T

Đề thi môn Ngữ văn tiếp tục được xây dựng theo dạng thức đổi mới đã ổn định trong vài năm gần đây. Các bài thi tổ hợp gồm các môn thi thành phần lần đầu tiên được xây dựng nên ít nhiều còn bỡ ngỡ với thí sinh. Tuy nhiên, mỗi môn thi thành phần với thời gian làm bài 50 phút, sau đó các em có 20 phút chuẩn bị để thi môn thi mới cũng là hình thức để các em phục hồi sức khỏe, chuẩn bị tâm thế tốt để thi môn thi tiếp theo. So với việc các em phải thi viết liên tục trong 180 phút như những năm trước đây thì thí sinh cũng rất mệt mỏi. Qua thực tế cho thấy, tuyệt đại đa số các thí sinh thích nghi với phương thức thi này và các buổi thi đã diễn ra an toàn với cả thí sinh và cán bộ coi thi.

Việc hầu hết các bài thi theo hình thức trắc nghiệm cũng hạn chế tối đa gian lận thi cử. PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM nêu ý kiến rằng: “Số lượng thí sinh vi phạm đã giảm nhiều so với các năm trước, theo tôi một trong những lý do căn bản là tổ chức thi trắc nghiệm, điều đó chứng tỏ nếu tổ chức nghiêm túc vẫn có thể đạt chất lượng và phát hiện ra những gian lận trong thi cử. Tôi nghĩ điều cần làm để hạn chế điều này là sự phối hợp không chỉ giảng viên mà phải làm sao để bản thân học sinh hiểu được kỳ thi quan trọng nhưng không phải bằng mọi cách để vượt qua nó”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ cả giáo viên, giám thị và thí sinh cho rằng bài thi tổ hợp làm trong thời gian 150 phút với 3 môn sắp xếp liền kề nhau như vậy là quá tải, khiến thí sinh mệt mỏi. Đáng lẽ phải tích hợp 3 môn vào một bài thi nhưng vì cách dạy trong nhiều năm nên bài thi sắp xếp theo hướng tổ hợp. Hết câu hỏi môn này mới chuyển sang câu hỏi môn khác. Việc thi 3 môn trong một thời gian dài là 150 phút thì tất nhiên gây áp lực cho thí sinh. Và chỉ có những em khá giỏi mới có khả năng phân bố được thời gian làm bài ứng với mục tiêu của mình.

Ông Sái Công Hồng, Trưởng Ban đề thi THPT quốc gia Bộ GD&ĐT cho rằng: Đây là năm đầu tiên bắt đầu đổi mới công tác xây dựng đề thi theo chuẩn quốc tế. Tất cả các đề thi này được thử nghiệm với chính các học sinh lớp 12, trong quá trình thử nghiệm đo được khó dễ chứ không phải đáng giá qua cảm nhận của người đọc. Riêng về bài thi tổ hợp, thì có thể những năm tới Bộ sẽ có những điều chỉnh kỹ thuật về thời gian, số lượng câu hỏi cho phù hợp hơn.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, những thành công, ưu điểm của kỳ thi năm nay là rất căn bản, thí sinh đã được dành những gì tốt nhất để tham dự kỳ thi quan trọng này. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần lưu ý (chủ yếu là về mặt kỹ thuật) có thể được cải tiến để tốt hơn. Trong đó, cần tiếp tục tăng cường các giải pháp để hạn chế hơn nữa tình trạng vi phạm quy chế thi, gian lận thi cử bằng việc sử dụng công nghệ cao.

Sự phối hợp của các ĐH với các Sở GD&ĐT có thể được triển khai nhuần nhuyễn, đều tay hơn nữa. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống CNTT để không ngừng nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong tổ chức thi và tuyển sinh. Đặc biệt, công tác đề thi vẫn tiếp tục được quan tâm cho các kỳ thi tiếp theo.

Phan Thủy / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động