Đề tài nào chiếm sóng?!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhim đề tài gia đình áp đảo 7 đề cử VTV Awards 2021
Đến hẹn lại lên, giải thưởng VTV Awards 2021 trở lại với chủ đề “Hành trình nhiệm màu” với 11 hạng mục giải thưởng. Trong đó, top 10 hạng mục Phim truyền hình ấn tượng được công bố, bao gồm: Cát đỏ, Hồ sơ cá sấu, Trói buộc yêu thương, Thương con cá rô đồng, Yêu trong đau thương, Hướng dương ngược nắng, Hương vị tình thân, Hãy nói lời yêu, Yêu hơn cả bầu trời, Mùa hoa tìm lại.
Khán giả bất ngờ khi danh sách phim đề tài gia đình chiếm số lượng áp đảo khi có tới 7 đề cử . Đặc biệt là bộ đôi phim Việt “Hướng dương ngược nắng” và “Hương vị tình thân” từng khuynh đảo màn ảnh nhỏ chính thức bước vào cuộc đua thứ hạng mới.
Lấy đề tài gia đình quen thuộc về gia đình, “Hướng dương ngược nắng” (đạo diễn Vũ Trường Khoa) là câu chuyện về gia tộc nhà họ Cao Dược – một tập đoàn lớn bậc nhất về ngành dược. Thoạt đầu cuộc sống hôn nhân của hai người đứng đầu gia tộc là ông Đạt (NSND Mạnh Cường) và bà Bạch Cúc (NSND Thu Hà) vô cùng hạnh phúc, viên mãn. Đằng sau một người vợ hiền, đảm đang bà Bạch Cúc còn là một người phụ nữ đầy tham vọng tìm mọi cách để thao túng chồng mình. Bộ phim đem đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả, kéo khán giả trở về với những vui, buồn của nhân vật.
Bộ phim "Hướng dương ngược nắng" nhận được sự chú ý từ khán giả |
Cùng đề tài gia đình, bộ phim “Hương vị tình thân” là hành trình đi tìm người thân của cô gái trẻ Phương Nam – một cô gái cá tính với bao ước mơ phía trước, đang yên ấm trong gia đình với bố mẹ và em gái thì bất ngờ phát hiện sự thật mình chỉ là con nuôi. Thời điểm đó, mọi biến cố xảy ra với Phương Nam khi người cha nuôi là ông Tuấn (NSND Công Lý) bất ngờ gặp tai nạn. Bà Bích – mẹ nuôi của Nam từng không ưa “đứa con nhặt”, đẩy cô gặp nhiều sóng gió với các khoản nợ nần. Ngoài chuyện đi tìm gia đình, Nam còn vướng phải trắc trở trong tình yêu. Bộ phim đề cập đến đề tài gia đình ở góc nhìn không còn xa lạ với chúng ta hiện nay nhưng lại chạm khắc đến người xem suy nghĩ về tình thân, về gia đình.
Chọn một thể loại phim tâm lý gia đình giữa bậc cha mẹ với con cái, bộ phim “Hãy nói lời yêu” là hành trình trưởng thành của Hoàng My với những vấn đề tâm lý lứa tuổi, câu chuyện tình bạn, tình yêu
Giống như nhiều bạn trẻ, Hoàng My luôn cố gắng thể hiện sự trưởng thành, không muốn bố mẹ sắp xếp cuộc sống, tìm cách phản kháng để thể hiện cái tôi của chính mình. My đã tin và có chút ảo tưởng về quan điểm sống của mình. Cô vấp ngã và trả giá cho những sai lầm.
NSND Trọng Trinh và nghệ sĩ Nguyệt Hằng lọt đề cử top 10 diễn viên nam, nữ ấn tượng trong phim "Hãy nói lời yêu" |
Bên cạnh về câu chuyện trưởng thành của người trẻ, phim “Hãy nói lời yêu” còn đề cập đến hoàn cảnh gia đình với tình huống éo le giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái. Cuối cùng, sau những biến cố, những sai lầm đã được hàn gắn lại, bộ phim truyền tải thông điệp nhân văn về lòng bao dung, độ lượng và trái tim nhân ái đầy yêu thương.
Khác với “Hãy nói lời yêu”, bộ phim “Thương con cá rô đồng” xoay quanh gia đình gồm 5 chị em mồ côi cha mẹ là: Thương, Nhớ, Thiệt, Lắm, Lành. Sau khi mất mẹ, những đứa trẻ tội nghiệp phải đối mặt với sự đối xử cay nghiệt của dì Tư (NSƯT Hạnh Thúy) và cuộc sống của 5 chị em xảy ra nhiều biến cố. Phim mang tới cung bậc cảm xúc của khán giả, sự phẫn nộ với dì Tư và thương cảm số phận của chị cả Thương (diễn viên Lê Phương).
Chính việc đổ bộ dòng phim đề tài gia đình, kể từ sau cơn bão từ bộ phim truyền hình quốc dân “Về nhà đi con”, khán giả Việt đã có thói quen bật kênh phim nội. Nhiều khán giả trẻ họ tranh thủ giờ nghỉ ngơi theo dõi những tập phim đã chiếu trên ứng dụng. Đối với những gia đình, việc thưởng thức phim Việt đã tạo thành một thói quen hiện hữu. Thông qua các tập phim, ngoài việc thưởng thức kịch bản phim, diễn xuất nhân vật không thiếu những chủ đề cho cả gia đình bình luận.
“Kéo” khán giả yêu phim Việt
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lựa chọn xem phim truyền hình để giải trí đã trở thành thói quen của người Việt. Với xu thế truyền hình được ưa chuộng, chắc chắn các đề tài phim gia đình vẫn luôn ăn khách, và đề tài gia đình sẽ là mảnh đất màu mỡ để các nhà làm phim khai thác.
Chúng ta vẫn còn nhớ tới phim “Về nhà đi con” trở thành siêu phẩm, bộ phim truyền hình quốc dân thắng lớn ở các giải thưởng phim truyền hình năm 2019 thì “Gạo nếp gạo tẻ” thắng lớn tại Mai Vàng 2018. Bắt kịp xu thế, các nhà đài gia tăng việc sản xuất phim truyền hình với chất lượng tốt cả kịch bản và dàn diễn viên.
Đề tài gia đình không phải là đề tài mới trong điện ảnh Việt Nam, tuy nhiên luôn là chủ đề hấp dẫn, giàu sức sống, dễ lôi cuốn khán giả. Một mảng đề tài chưa bao giờ hết “nóng” nhưng nếu muốn tạo sức hút với khán giả cần điều kiện đủ khác.
Nhìn ở một khía cạnh khác, đề tài gia đình còn nổi bật chính là hiện nay có một thế hệ đạo diễn tinh tế, biên kịch trẻ đang dần chắc tay. Các đạo diễn như đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, đạo diễn Vũ Trường Khoa luôn nỗ lực trong sáng tạo nghệ thuật, khai thác đề tài một cách linh hoạt, hấp dẫn, phản ánh hiện thực với màu sắc mới mẻ… Bên cạnh đó là dàn diễn viên diễn xuất tự nhiên, chân thực; bối cảnh, công nghệ được đầu tư kỳ công.
Đánh già về chất lượng phim Việt, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cho hay: “Phim đề tài gia đình có lợi thế là đối tượng khán giả đa dạng, song đây cũng là thách thức, đòi hỏi các nhà làm phim phải chú ý khai thác đề tài giản dị, rất đời, gần gũi từng nhân vật với độ tuổi, hoàn cảnh của họ và quan trọng là tạo sự ấm áp trong từng phân cảnh”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại