Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch làng gốm Bát Tràng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo báo cáo, nghề gốm Bát Tràng có truyền thống gần 1.000 năm. Trải qua quá trình phát triển, đến nay làng nghề này có hơn 60 đơn vị kinh tế. Năm 2012, Bát Tràng có 18 nghệ nhân được phong tặng "Nghệ nhân Hà Nội", 3 nghệ nhân ưu tú, 5 nghệ nhân dân gian cùng nhiều thợ giỏi. Việc thành lập Câu lạc bộ Nghệ nhân-thợ giỏi làng gốm Bát Tràng nhằm phát triển và bảo tồn nghề gốm. Đây là nơi tập hợp, động viên các nghệ nhân, thợ giỏi cùng giúp đỡ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm; nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời gìn giữ tinh hoa văn hóa nghề… để tạo ra những tác phẩm tốt nhất phục vụ xã hội.
Một góc làng gốm Bát Tràng. Ảnh: Q. Anh
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá cao những nỗ lực giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của của người dân làng Bát Tràng. Đồng thời, yêu cầu các nghệ nhân, thợ giỏi bằng tài năng, tâm huyết của mình tiếp tục sáng tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phong phú, đặc sắc để nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh việc duy trì các sản phẩm truyền thống đặc trưng, cần có những sản phẩm mang hình ảnh gắn liền với địa điểm du lịch; mở rộng thêm các loại hình dịch vụ để phục vụ khách tham quan, du lịch…; mở rộng giao lưu giữa các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác; tăng cường liên doanh, liên kết, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.
UBND huyện Gia Lâm cần chủ trì phối hợp với các sở, ngành TP đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phát triển làng nghề gốm Bát Tràng, nhất là quy hoạch hệ thống giao thông, nâng cấp và cải tạo hệ thống đường giao thông; quy hoạch bãi đổ chất thải rắn của làng gốm; phát triển cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan, ấn tượng cho du khách khi đến tham quan, du lịch-Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu.
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại