Thứ hai 20/01/2025 14:51

Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng đường tiểu ở người cao tuổi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiễm trùng đường tiểu có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu là người cao tuổi. Xem ngay bài viết này để biết những dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng đường tiểu:

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiểu ở người cao tuổi

Đường tiểu bao gồm niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận, trong đó có 2 niệu quản và 2 quả thận (bên trái và bên phải). Mọi nguyên nhân làm cản trở đường tiểu hoặc tổn thương đường tiểu đều có thể gây nên nhiễm trùng đường tiểu.

Nói đến nhiễm trùng tức nói đến vai trò của vi sinh vật (vi khuẩn, vi nấm, virus). Có hơn 80% nhiễm trùng đường tiểu là do vi khuẩn, điển hình nhất là vi khuẩn họ đường ruột (E.coli, Proteus, Citrobacter, Enterobacter, Klebsiella).

Bên cạnh đó có một số loại cầu khuẩn cũng có khả năng gây nhiễm trùng đường tiểu như tụ cầu vàng (S. aureus), tụ cầu da (S. epiderpimidis), tụ cầu hoại sinh (S. saprophyticus) và lậu cầu (N. gonorrhoeae) hoặc vi khuẩn lao gây lao thận, lao bàng quang. Ngoài ra, vi khuẩn Mycoplasma và Chlamydia gây bệnh chủ yếu ở niệu đạo có biểu hiện các triệu chứng tương tự như vi khuẩn lậu (nhưng không phải lậu).

Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng đường tiểu ở người cao tuổi

Nhiễm trùng đường tiểu ở người cao tuổi bao giờ cũng có sốt, ngay cả nhiễm trùng mạn tính (thường sốt nhẹ). Tuy vậy, với NCT sức yếu, nằm lâu, ít vận động, liệt do tai biến có thể không sốt.

Kèm theo sốt là đau bụng. Triệu chứng đau bụng ở vị trí nào của vùng bụng tùy thuộc vào tổn thương nhiễm trùng ở vị trí nào của đường tiểu.

Khi thấy sốt và đau bụng ngang vùng thắt lưng, có thể do nhiễm trùng ở thận hay ở niệu quản nhưng khi bị nhiễm trùng bàng quang hay niệu đạo, sẽ có đau bụng dưới (hạ vị) là chính. Hay gặp nhất của đau bụng dưới là nhiễm trùng đường tiểu ở vị trí thấp như viêm bàng quang hoặc viêm niệu đạo. Nhiễm trùng đường tiểu dưới (bàng quang, niệu đạo) thường đau âm ỉ và kéo dài nhiều ngày.

Bên cạnh đó dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng đường tiểu ở người cao tuổi là đi tiểu nhiều lần, tiểu khó (buồn đi tiểu nhưng không tiểu được) và có thể tiểu đau, buốt, rát, són, nước tiểu có thể đục (có mủ), có thể màu hồng (có máu do sỏi hoặc lao thận hoặc bàng quang). Ngoài sốt, đau bụng, các triệu chứng kèm theo của viêm tiết niệu là đái rắt, đái buốt, đái khó… đó là những dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng đường tiểu ở người cao tuổi, đặc biệt là viêm bàng quang, viêm niệu đạo.

Biến chứng do nhiễm trùng đường tiểu ở người cao tuổi

Nhiễm trùng đường tiểu ở người cao tuổi nếu không phát hiện và điều trị sớm, đúng (dùng đúng phác đồ điều trị) có thể đưa đến một số biến chứng rất nguy hiểm như viêm thận, bể thận cấp tính hậu quả là suy thận, áp-xe quanh thận hoặc gây viêm bàng quang mạn tính gây khó khăn cho việc điều trị.

Nhiễm trùng đường tiểu ở người cao tuổi cũng có thể đưa đến nhiễm trùng huyết - một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Gia Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động