Dấu ấn khác biệt của “tuyến tàu di sản”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTái hiện tiểu cảnh ga Hà Nội tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Ảnh: Mộc Miên |
Trong khuôn khổ Lễ hội, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, khoảng chừng hơn 1 giờ đồng hồ lại vang lên tiếng tàu hú vang, điểm dừng chân cuối cùng của tuyến tàu di sản kết nối 3 nhà ga: ga Hà Nội, ga Long Biên, ga Gia Lâm. Thứ thanh âm quen thuộc tại các nhà ga hiện nay, nơi lưu giữ bao ký ức vẹn nguyên của lớp thế hệ cũ nay được “đánh thức” qua hành trình xuyên thế kỷ.
Với mức vé 20.000 đồng/tuyến, chuyến tàu khởi hành từ ga Hà Nội, ga Long Biên, ga Gia Lâm, qua cầu Long Biên lịch sử và dòng sông Hồng chảy giữa TP, kết thúc Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để hòa mình vào lễ hội đậm chất nghệ thuật sáng tạo. Trên hành trình di chuyển, hành khách được ngắm nhìn một Hà Nội thu nhỏ qua ô cửa toa tàu, được thưởng thức trọn vẹn không gian nghệ thuật sắp đặt trên tàu qua triển lãm chủ đề “Chuyển động Ngoại biên #2”.
Đúng với chủ đề “Dòng chảy”, tuyến tàu kết nối hành khách với sự chuyển động không ngừng cùng nhịp sống hối hả của đô thị. Những tác phẩm tranh được gắn cố định nhưng lại không ngừng chuyển động cùng toa tàu trên đường ray rời xa trung tâm TP. Một hành trình đậm chất hình tượng, nghệ thuật cùng thực tại luôn song hành, chuyển mình cùng thời cuộc.
Khoảng chừng 25 phút từ lúc mua vé, hành khách được trải nghiệm một hành trình đủ cung bậc cảm xúc khác nhau từ hình ảnh đợi chờ tại các nhà ga, nỗi niềm về ký ức xưa cũ đến niềm vui gặp gỡ những người bạn mới cùng hành trình trên toa tàu. Qua khung cửa sổ toa tàu, công trình kiến trúc cầu Long Biên có giá trị trăm năm tuổi từng được ví như “Tháp Eiffel nằm ngang”, hiện hữu như một “chứng nhân lịch sử”, trải qua bao thăng trầm của thời gian cùng những biến cố lịch sử, cây cầu Long Biên vẫn hiên ngang, trở thành biểu tượng của Hà Nội.
Khác biệt với không khí đậm chất nghệ thuật, phiêu du cùng âm nhạc của “Tuyến tàu di sản”, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - điểm kết thúc hành trình là một cảm giác vừa quen, vừa lạ. Công trình kiến trúc được xây dựng 1905 với diện tích rộng lớn khoảng hơn 20ha, nhiều phân xưởng, nhà máy đã tạm dừng hoạt động nhiều năm nay, được “đánh thức” với các không gian sắp đặt đầy tính nghệ thuật, tương tác. Không gian Pavillon “Bến đợi” tại khu vực cầu lăn chìm, triển lãm “Không gian kiến trúc và Nghệ thuật phân xưởng nóng”, triển lãm Tàu máy hơi nước, các gian hàng hội chợ đã mang đến sự sôi động của một di sản công nghiệp.
Theo dòng chảy của sự phát triển, hình ảnh di sản công nghiệp dần bị nhạt nhòa trong tâm trí người dân thành phố. Trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với điểm nhấn tuyến tàu trải nghiệm “Hành trình di sản” kết nối hai bên bờ sông Hồng mang đến góc nhìn mới, đánh thức hoạt động sáng tạo trên nền di sản công nghiệp, biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại