Đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí (đeo kính) và Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường cùng các đại biểu tham quan gian hàng. Ảnh: Thiện Tâm |
Ngày 10/8, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp cùng UBND quận Long Biên khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2023.
Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2023 diễn ra từ ngày 10/8 đến ngày 14/8 tại khu vực cổng làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên). Tuần hàng có quy mô 50 gian hàng, với hàng nghìn sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn.
Tham gia tuần hàng có 43 doanh nghiệp, chủ thể, hợp tác xã đến từ Hà Nội và 18 tỉnh, TP như: Hà Tĩnh, Yên Bái, Khánh Hòa, Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình, Sơn La, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên...
Theo Ban tổ chức, thông qua các sự kiện, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Phó Chánh Văn Phòng Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, Hà Nội hiện có 806 làng nghề và làng có nghề. Tính đến hết năm 2022, có 321/806 làng đã được TP công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề của cả nước gồm 48 làng nghề truyền thống, 273 làng nghề.
Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội còn có 1.136 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó là hàng nghìn sản vật nông nghiệp nức tiếng xưa nay, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện chương trình OCOP trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.
“Tới thời điểm này, TP đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.167/9.852 sản phẩm OCOP cả nước (chiếm 22%), gồm 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao” - ông Nguyễn Văn Chí thông tin.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, thời gian qua, TP Hà Nội đã quan tâm, tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại. Tổ chức các tuần hàng giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.
“Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô, làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng và trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn” - ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường cho biết, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những năm qua, quận đã phát triển được 12 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP được thị trường đón nhận tích cực. Nhân dịp này, tuần hàng sẽ mang đến cho người tiêu dùng quận Long Biên nói riêng và TP Hà Nội nói chung cơ hội tiếp cận nhiều sản phẩm có chất lượng với giá cả ưu đãi. Qua đó, góp phần giới thiệu hình ảnh quận Long Biên đến với người dân và du khách trên địa bàn Hà Nội. |
Hà Nội: Từng bước nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm OCOP | |
Tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP của Hà Nội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại