Dành nguồn lực để sớm đưa vùng dân tộc, miền núi Thủ đô ngang bằng với vùng khu vực ngoại thành
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCông tác dân tộc luôn được TP Hà Nội quan tâm, coi là nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng. |
TP Hà Nội có khoảng 9 triệu người, trong đó có khoảng 108 nghìn người thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống đan xen cùng người Kinh ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số. Trong số đó, đồng bào DTTS của TP chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao cư trú tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn, thuộc 14 xã của 05 huyện là: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ với trên 55.000 người, chiếm 51% người DTTS toàn TP.
Những ngày đầu mới sáp nhập, các xã dân tộc, miền núi của TP có 5 xã thuộc khu vực I; 8 xã thuộc khu vực II; 1 xã và 5 thôn thuộc khu vực III - nằm trong diện đầu tư của Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới (gọi tắt là Chương trình 135).
Ở mỗi giai đoạn, TP đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Thủ đô đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Giai đoạn 2016 - 2020, HĐND TP đã ban hành nghị quyết phê duyệt kinh phí 1.000 tỷ đồng đầu tư 69 dự án phát triển kinh tế - xã hội.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021-2030 với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 (2021-2025) là 2.144,523 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (2026-2030), cơ cấu nguồn vốn cho từng nội dung cụ thể sẽ được xác định sau khi thành phố tổng kết giai đoạn 1.
Kế hoạch được triển khai ở địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. Đối tượng thụ hưởng: Xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh sinh sống ở các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế - xã hội hoạt động trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030 và chia làm 2 giai đoạn. Tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 (2021-2025) là 2.144,523 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí dành cho: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là 144 tỷ đồng; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết 3,061 tỷ đồng; phát triển sản xuất, nông, lâm nghiệp, du lịch, củng cố phát triển ngành, nghề truyền thống, làng nghề, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị 369,783 tỷ đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 1.500 tỷ đồng; phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 8,324 tỷ đồng; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch 33,6 tỷ đồng; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em 32,739 tỷ đồng; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em 9,49 tỷ đồng; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 43,526 tỷ đồng.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân 20%/năm; đến năm 2025, cơ bản bằng mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn ngoại thành của TP; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của TP; tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu làng văn hóa 65%; tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa 86%-88%.
Bên cạnh đó, bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 100% thôn, làng có nhà văn hóa; duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia 80%-85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 75%-80%; phấn đấu đạt tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch từ các nguồn và tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn theo quy định; 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Thành phố cũng sẽ đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.
Định hướng mục tiêu đến năm 2030: Mức sống và thu nhập của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với Nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của TP; giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 60% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 100% xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Hoàn thành các chỉ tiêu trong mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện Kế hoạch về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và phân công rất cụ thể.
"Trong bối cảnh nguồn lực của TP còn hạn chế, TP Hà Nội đã và đang dành nguồn lực không nhỏ để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đưa mức sống và thu nhập của Nhân dân vùng dân tộc, miền núi sớm ngang bằng với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội", Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại