Thứ sáu 08/11/2024 07:26

Đảm bảo an toàn thực phẩm: Tuyên truyền phải đi trước

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là chỉ đạo của Thạc sỹ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội tại hội nghị đánh giá công tác phối hợp tuyên truyền về an toàn thực phẩm năm 2017 do Sở Y tế Hà Nội tổ chức.

Báo cáo đánh giá công tác phối hợp tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong năm 2017 của Sở Y tế Hà Nội nêu rõ: Ngay từ đầu năm 2017, công tác phối hợp tuyên truyền về an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh, đa dạng hóa loại hình truyền thông, chuyển tải nhanh, phản ánh kịp thời những vấn đề về an toàn thực phẩm đến các nhà lãnh đạo, quản lý và nhân dân.

Từ đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, quản lý về lĩnh vực an toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Huy động các ban ngành, đoàn thể và cả cộng đồng cùng chung tay vì an toàn thực phẩm.

Các hoạt động tuyên truyền về an toàn thực phẩm được đổi mới, đa dạng với nhiều hình thức, mô hình. Qua đó đã phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm để người dân được tiếp cận nhanh với các vấn đề an toàn thực phẩm, cảnh báo kịp thời các sự cố ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, khuyến cáo đảm bảo an toàn thực phẩm…

TP Hà Nội xác định công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Trong năm 2017, các đơn vị đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch tuyên truyền về an toàn thực phẩm đề ra, đồng thời, cam kết nỗ lực hơn nữa trong việc chung tay cùng thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong thời gian tới.

dam bao an toan thuc pham tuyen truyen phai di truoc

Đánh giá cao công tác phối hợp tuyên truyền của các cơ quan hội, đoàn thể, các cơ quan thông tấn báo chí trong suốt thời gian qua về lĩnh vực an toàn thực phẩm, Thạc sỹ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh: Xác định tuyên truyền phải đi trước một bước, có ý nghĩa then chốt trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi cá nhân và cộng đồng về an toàn thực phẩm, đề nghị trong năm 2018, các hội, cơ quan thông tấn báo chí cần tập trung tuyên truyền các cơ sở làm tốt về an toàn thực phẩm và phản ánh công khai, nhanh chóng, rộng rãi những cơ sở vi phạm.

“Năm 2018, các cơ quan thông tấn báo chí phải làm thế nào đó giúp chỉ ra cho người dân biết ở đâu rau sạch, thực phẩm nào an toàn để nâng cao tính cạnh tranh cho những doanh nghiệp sản xuất uy tín, đưa những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đến tay người tiêu dùng, đồng nghĩa với việc cơ sở sản xuất thực phẩm mất an toàn bị người dân tẩy chay, không còn chỗ đứng trên thị trường” - ThS Trần Văn Chung nhấn mạnh.

ThS Trần Văn Chung cũng đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường duy trì, hậu kiểm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và thành phố đẩy mạnh truyền thông về các mô hình an toàn thực phẩm mà thành phố đã làm rất tốt trong năm 2017 để tiếp tục nhân rộng trong năm 2018 như mô hình bữa ăn an toàn, bữa cỗ an toàn, trường học an toàn, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố đảm bảo an toàn thực phẩm,… góp phần kiểm soát an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và hạn chế tối đa các bệnh truyền qua thực phẩm.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động