Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên: Truyền cảm hứng bằng trải nghiệm bản thân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGương mặt tiêu biểu trong 10 Đại sứ nghề đầu tiên của Việt Nam
Năm 2020, lần đầu tiên Bộ LĐ-TB-XH đã chọn ra 10 gương mặt trẻ từng đạt huy chương trong các kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc thế giới làm đại sứ kỹ năng nghề của Việt Nam.
Trong số đó, anh Đỗ Công Nguyên - cựu sinh viên Trường CĐ du lịch Hà Nội, nay là giảng viên Khoa Khách sạn – Du lịch, trường ĐH Thương Mại từng giành huy chương vàng nghề nấu ăn với 555 điểm - một trong hai thí sinh có điểm số cao nhất của Hội thi tay nghề ASEAN 5 năm 2005. Giờ đây, khi đã là một trong những “thợ cả” lành nghề, một người thầy với nhiều kỹ năng, anh Đỗ Công Nguyên vẫn chưa quên được những khó khăn trong ngày đầu xác định nghề nghiệp của bản thân mình.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh Nguyên quyết định vào Nam tìm việc kiếm sống. Anh nhận làm đủ mọi nghề từ xây dựng, xay xát gạo, nuôi tôm, in mẫu lên quần áo đến phụ việc trong nhà máy khu công nghiệp… Làm rất nhiều việc, nhưng số tiền kiếm được không là bao, không đủ trang trải cuộc sống. Anh kể: Tôi nhận ra rằng mình thiếu sự đào tạo, mình thiếu kỹ năng thì rất khó để có công việc có thu nhập tốt được, nên tôi lại quyết định ra Hà Nội học nghề. Nhưng học nghề gì cũng là một câu hỏi khó trả lời. Và trong suốt quá trình lao động vất vả tôi nhận ra rằng mình rất thích nấu ăn, đam mê ẩm thực, đi đến đâu, làm bất cứ việc gì tôi cũng đều quan tâm, tò mò về ẩm thực. Vậy là tôi chọn nghề theo sở thích và đam mê của mình”.
Chọn đúng nghề, anh Nguyên lại phải cố gắng gấp đôi, gấp ba người khác, đi đến đâu, anh cũng tìm tòi cơ hội học tập và tìm hiểu. Anh cũng có may mắn theo học những thầy giáo có nghề, những đầu bếp nổi tiếng về cả món Âu, món Á tại các khách sạn lớn của Hà Nội.
Trong hội thi tay nghề ASEAN năm 2004, sau khi đạt giải cấp quốc gia, trải qua huấn luyện thêm nhiều lần để đi thi khu vực, đến ngày thi, anh phải nấu 11 món ăn cho cả ba bếp là nóng, nguội và bánh, phần lớn đều là món Âu. Trong thi nấu ăn, không phải kết quả cuối cùng chỉ là món ăn ngon. Ban giám khảo sẽ bố trí người đi kiểm tra liên tục các khâu, từ sơ chế, bảo quản, vệ sinh, cách dùng dao thớt đến chế biến, bày trí món ăn… Trong quá trình thi, anh Nguyên gặp sự cố với nhiệt độ trong phòng khiến Sô-cô-la chảy nhanh trong quá trình làm bánh, nhưng anh nhanh chóng xử lý bằng cách dùng chậu đá làm đông lại nguyên liệu. Đó là phần xử lý được đánh giá rất cao. Sau 3 ngày thi, anh giành được 555/600 điểm, cao nhất hội thi. Kết quả của Công Nguyên đã góp phần vào thành tích đứng đầu Hội thi tay nghề ASEAN của đoàn Việt Nam năm đó.
Đến bây giờ, khi là một đại sứ nghề, có “tay nấu” vàng, anh vẫn chỉ khiêm tốn: “Mình nấu, mọi người thích ăn, đã là mừng rồi”. Quan trọng hơn cả, là anh muốn truyền cảm hứng nghề nghiệp đế các thế hệ học trò. “Bằng trải nghiệm cá nhân, tôi muốn truyền cảm hứng để các bạn hiểu rằng: Ngành nghề nào cũng cần xem xét yếu tố phù hợp, yêu thích, năng lực và sự cố gắng. Không có con đường nào thành công mà không cố gắng cả. Tôi đã từng rất loay hoay khi chọn nghề, tôi mong có thể chỉ dẫn giúp học trò của mình không phải loay hoay như vậy nữa” – anh Đỗ Công Nguyên nói.
Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên trong luôn truyền cảm hứng mỗi giờ lên lớp cho học trò. |
Luôn dành tình yêu đặc biệt cho ẩm thực Việt
Anh Đỗ Công Nguyên có thể nấu tốt các món ăn Âu – Á. Đến bây giờ, chính anh cũng là chuyên gia tư vấn cho nhiều đơn vị về quản trị khách sạn, nhà hàng và lên thực đơn. Anh cũng từng tham gia rất nhiều sự kiện ẩm thực quan trọng, có tầm cỡ. Mỗi khi có cơ hội, anh đều tạo điều kiện cho học trò có thể theo thầy để học nghề. Bởi anh cho rằng, học từ thực tế chính là cách tiến bộ nhanh nhất.
Nấu tốt rất nhiều món ăn, nhưng anh vẫn dành cho ẩm thực Việt những tình yêu khó thay thế. Bởi với anh, ẩm thực Việt là một trường phái rất phong phú, đa dạng và vô cùng tinh tế. Ẩm thực Việt có sự cân đối, hài hòa về độ thanh, về hàm lượng dinh dưỡng, vì thế bất cứ khi nào có cơ hội, anh đều giới thiệu đến bạn bè quốc tế các món ăn được xem là tinh hoa của ẩm thực Việt.
Với tay nghề vàng, anh Đỗ Công Nguyên luôn dành sự ưu ái cho ẩm thực Việt. |
Nấu ăn đã ở bậc “chuyên gia”, nhưng anh vẫn tâm sự thật thà rằng: “Trong nhà tôi hai vợ chồng đều làm đầu bếp chính cả, vợ tôi nấu ăn cũng rất ngon. Tôi luôn muốn gìn giữ những nét đẹp truyền thống của âm thực Việt, nên những dịp lễ tết truyền thống, gia đình tôi cũng chọn cách giữ gìn mâm cỗ truyền thống. Nhưng quan điểm cá nhân tôi là bảo tồn phát triển. Tôi cũng bổ sung thêm mọt vài món Âu để có sự kết hợp hài hòa, vừa ngon miệng, vừa giữ truyền thống, vừa đẹp mắt, quan trọng là phải tiết kiệm, đảm bảo chất lượng món ăn”.
Trên trang cá nhân của mình, hàng tuần anh luôn hướng dẫn công thức các món ăn Việt, đặc sản từng vùng miền, cách chọn thực phẩm sạch để dành tặng mọi người. Với anh, những gì học được quá trình lao động, tìm tòi chính là kỹ năng, kinh nghiệm “không có gì giấu giếm” để truyền dạy cho học trò và cùng chia sẻ với mọi người.
“Trở thành Đại sứ nghề, trách nhiệm của tôi là lan tỏa và truyền đạt những kiến thức về kỹ năng nghề tới bạn trẻ, qua đó giúp các bạn có được định hướng đúng đắn về con đường chọn nghề, truyền cảm hứng để các bạn nỗ lực thành công trong tương lai, bằng bất cứ nghề nghiệp chân chính nào”- Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại