Thứ tư 04/12/2024 00:15

Đại biểu đề nghị có quy định người tham gia đấu giá đất phải chứng minh nguồn lực tài chính

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để ngăn chặn tình trạng thổi giá bất động sản (BĐS), một trong những giải pháp theo đại biểu, đó là cần có quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh nguồn lực tài chính và cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý.
Đại biểu đề nghị có quy định người tham gia đấu giá đất phải chứng minh nguồn lực tài chính
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quốc hội

Thị trường bất động sản hư hư thực thực, khó định giá

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp bảy tỏ cơ bản thống nhất báo cáo của Đoàn Giám sát đã đánh giá rất cụ thể khách quan, có số liệu chứng minh đầy đủ. Đại biểu cho biết, trong thời gian qua, thị trường bất động sản, nhất là trước dịch Covid-19 có bước phát triển rất mạnh cả về số và chất lượng, nhiều khu đô thị mới hình thành nhất là ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhiều loại hình mới như căn hộ du lịch, biệt thự nghĩ dưỡng, văn phòng làm việc kết hợp lưu trú, các chung cư cao tầng mọc lên chiếm cả không gian từ cao cấp đến nhà ở có thu nhập thấp ở trung tâm nội thành đến ngoại ô...

Tuy nhiên thời điểm này đang sốt giá đất, giá đất cao, nhu cầu ở không nhiều, chủ yếu mua để đầu cơ, cho thuê, có người mới vừa mua thì đã sang tay chốt lời, thị trường bất động sản bất ổn, hư hư thực thực, khó định giá.

Đại biểu cho biết, giai đoạn sau dịch Covid-19, thị trường bất động sản giảm mạnh, doanh nghiệp nào neo giá cao, chậm bán đều gặp khó khăn do phần lớn đều vay tín dụng. Bất động sản gần như đóng băng, có doanh nghiệp hạ giá bán còn 2/3 giá ban đầu nhưng vẫn ít người mua, chứng tỏ người dân không có nhu cầu cao với nhà ở cao cấp, trong khi đó nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp thì rất cần nhưng lại không xây dựng để bán.

Đại biểu cho rằng, do chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, đất đai... cho nhà ở xã hội chưa khuyến khích cho nhà đầu tư, gói tín dụng 120 nghìn tỷ chậm được giải ngân, nhiều văn bản pháp quy còn chồng chéo nhau, chưa rõ ràng, nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ về nhà ở xã hội theo quy định, nếu có chỉ số ít căn hộ được mua hoặc thuê, chưa đáp ứng được nhu cầu, quỹ đất đô thị chủ yếu đấu thầu dự án dành cho nhà ở thương mại, còn nhà ở xã hội phụ thuộc vào 20% trong dự án của nhà ở thương mại.

Mặt khác, vẫn còn những bất cập như văn bản quy định chi tiết hướng dẫn chậm được ban hành, sửa đổi bổ sung nhiều lần nên khâu thực hiện còn lúng túng, còn có sự mâu thuẫn, thiếu nhất quán trong quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất, còn tuỳ tiện trong điều chỉnh quy hoạch. Việc thực hiện đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ Nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 chưa đạt yêu cầu, có địa phương mới bước đầu triển khai do nguồn vốn ngân sách còn khó khăn, phần lớn là từ nguồn xã hội hoá, xây dựng nhà trọ cho người dân thuê do hộ gia đình cá nhân thực hiện. Các nhà đầu tư tiếp cận đất đai còn khó khăn, nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn vướng mắc do thay đổi quy định của pháp luật, chậm định giá đất của địa phương cũng là nguyên nhân các dự án bất động sản và nhà ở xã hội bị đình trệ…

Đại biểu đề nghị có quy định người tham gia đấu giá đất phải chứng minh nguồn lực tài chính
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: Quốc hội

Người tham gia đấu giá phải chứng minh nguồn lực tài chính

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với báo cáo đoàn giám sát đã đánh giá khá đẩy đủ, toàn diện về TTBĐS và phát triển nhà ở xã hội (NOXH) trong những năm qua.

Đại biểu cho rằng, điều mà rất nhiều đại biểu và người dân quan tâm lo lắng là giá bất động sản tại các thành phố lớn ở nước ta rất cao và liên tục tăng lên.

Theo đó, giá BĐS được đánh giá là cao một cách bất hợp lý được thể hiện ở 2 chỉ số: Một là tương quan giữa giá BĐS nhà ở với thu nhập của người dân là quá cao, điều đó phản ánh mức giá đó là không có khả năng thanh toán thực tế và hai là thu nhập mang lại từ BĐS ví dụ như là tiền thuê so với tổng vốn bỏ ra mua BĐS đó là rất thấp, thậm chí nhiều BĐS có mức thu nhập gần như bằng không.

Giá BĐS cao, nhưng vẫn liên tục tăng lên, đại biểu chỉ ra 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, người mua nhà không chỉ để ở mà còn là một kênh tích lũy tài sản vì tiền bỏ vào mua nhà sẽ không mất đi mà tăng lên do giá nhà chỉ có tăng không giảm. Do vậy, tiền tích lũy được không muốn đầu tư vào kinh doanh mà đều dồn hết vào mua nhà dẫn đến tình trạng nhiều người mua. Nhu cầu tăng, giá BĐS tăng lại thúc đẩy mọi người dồn tiền mua BĐS chờ tăng giá kiếm lời. Gia tăng đầu cơ đẩy giá BĐS, hút dòng tiền không vào lĩnh vực kinh doanh khác.

Thứ 2, trong những năm qua do vướng mắc các thủ tục pháp lý, nên hầu hết các dự án đầu tư BĐS phải dừng lại, không được triển khai. Dẫn đến nguồn cung không có. Chênh lệch cung cầu khiến BĐS tăng giá.

Theo đại biểu, dù giá BĐS cao nhưng nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn rơi vào khó khăn là do các dự án BĐS phải dừng không triển khai được. Do vậy, để gỡ khó cho các doanh nghiệp BĐS thì phải gỡ các vướng mắc về pháp lý và thủ tục để các dự án BĐS được tiếp tục triển khai…

Nguyên nhân thứ ba, theo đại biểu, trong bối cảnh cầu tăng, cung khan hiếm, các lực lượng thị trường đã tranh thủ tìm cách đẩy giá BĐS lên để kiếm lời.

“Đó là lực lượng môi giới tung tin, thổi giá, những người đấu giá cố tình bỏ giá cao để đẩy giá thị trường lên; và các doanh nghiệp lớn đưa BĐS ra thị trường cùng bán với mức giá cao” - đại biểu nói. Và như thế, thiết lập một mặt bằng giá mới của thị trường.

Do vậy, để kiểm soát tình trạng tăng giá BĐS, bên cạnh giải pháp về giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án BĐS để tăng nguồn cung, đại biểu đề nghị để ngăn chặn tình trạng bỏ giá cáo khi đấu giá, nên đưa ra quy định là người tham gia đấu giá phải chứng minh nguồn lực tài chính và phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý.

Để các doanh nghiệp BĐS không lợi dụng khi thị trường khan hiếm nguồn cung, đưa ra giá bán cao một cách bất thường, nên đưa vào Nghị quyết đề nghị Chính phủ thực hiện ngay Điều 31 của Luật giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có sự biến động giá bất thường.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ phải đưa hàng hóa Bất động sản của các DN bán ra lần đầu trên thị trường thứ cấp, thuộc đối tượng phải kê khai giá.

Để lành mạnh thị trường, lực lượng đóng vai trò trung gian của thị trường – là hoạt động môi giới của các sàn giao dịch BĐS phải hoạt động chuyên nghiệp.

Đại biểu đồng tình với Dự thảo Nghị quyết giám sát yêu cầu sớm sửa đổi, ban hành mới các luật thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều nhà, nhiều đất. Đây là công cụ hữu hiệu để chống đầu cơ đất đại bất động sản, qua đó sẽ giảm giá BĐS về đúng giá trị thực của thị trường.

Đối với NOXH, để người thu nhập thấp có chỗ ở ổn định, không phải lo trả nợ, kinh nghiệm trên thế giới chủ yếu phát triển nhà ở cho thuê với gía thuê thấp. Người thu nhập thấp muốn có chỗ ở thì đến thuê, thậm chí thuê ở suốt đời; khi có thu nhập cao hơn hoặc đã tích lũy được tiền thì sẽ đi tìm mua nhà ở thương mại, trả nhà thuê đó cho người thu nhập khác thuê. Như thế quỹ nhà ở xây dựng cho người thu nhập thấp sẽ luôn dành cho người thu nhập thấp ở.

“Tuy nhiên, việc đầu tư nhà ở cho thuê với giá thuê thấp cần phải có vốn đầu tư cho vay dài hạn, với lãi suất thấp, từ một nguồn quỹ riêng dành cho phát triển nhà ở xã hội. Do vậy, tôi hoàn toàn đồng tình với Dự thảo Nghị quyết đề nghị nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội. Quỹ này được hình thành từ tiền sử dụng 20% đất dành để phát triển NOXH trong các dự án phát triển nhà ở thương mại; từ trái phiếu chính phủ và các nguồn khác.

Chúng ta cũng biết rằng, người thu nhập thấp thường phân bố tập trung ở gần trung tâm - nơi dễ kiếm việc làm thêm, họ thường phải dành nhiều thời gian tại nơi làm việc, làm thêm ngoài giờ, không có thời gian di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc; gần nơi học tập của con nhỏ. Do vậy, phải ưu tiên quỹ đất ở gần trung tâm, nhưng ít có lợi thế thương mại, để phát triển nhà ở cho thuê dành cho người thu nhập thấp” – theo đại biểu Hoàng Văn Cường.

Giá đất Hà Đông tăng vọt lên 220 triệu đồng/m2, nhiều người ngao ngán bỏ cuộc Giá đất Hà Đông tăng vọt lên 220 triệu đồng/m2, nhiều người ngao ngán bỏ cuộc
Kết thúc phiên đấu giá đất tại quận Hà Đông, lô đất được trả giá cao nhất hơn 15 tỷ đồng Kết thúc phiên đấu giá đất tại quận Hà Đông, lô đất được trả giá cao nhất hơn 15 tỷ đồng
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động