Thứ tư 13/11/2024 18:27

Cựu chiến binh “mê” làm sạch môi trường bằng công nghệ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ban đầu, ông Hoạch và đồng đội tham gia kinh doanh dịch vụ chuyên chở hàng hóa và du lịch. Năm 1995, người cựu chiến binh nhận thấy ở TP Tuyên Quang và khu vực lân cận chưa có công ty thu gom, xử lý rác thải.
Cựu chiến binh “mê” làm sạch môi trường bằng công nghệ

“Nhìn vào mô hình của anh, tôi thấy rất ấn tượng vì những việc anh làm mang tính nhân văn rất cao, có lợi cho xã hội, cho cộng đồng, làm trong sạch môi trường, cho mọi người dân được hưởng lợi” - đó là những lời động viên mà ông Nguyễn Hữu Hoạch, Giám đốc HTX Vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình (xã Lưỡng Vượng, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) nhận được cách đây 30 năm. Ông bảo đến nay, chúng vẫn còn nguyên giá trị.

Ông Hoạch chia sẻ năm 1988, ông Hoàng Thừa, khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang) xuống thăm cơ sở sản xuất vôi và mô hình làm vệ sinh môi trường, sinh vật cảnh của HTX.

Thời điểm đó, vị lãnh đạo tỉnh nói: “Nhìn vào mô hình của anh, tôi thấy rất ấn tượng vì những việc anh làm mang tính nhân văn rất cao, có lợi cho xã hội, cho cộng đồng, làm trong sạch môi trường, cho mọi người dân được hưởng lợi”.

Cựu chiến binh “mê” làm sạch môi trường bằng công nghệ
HTX ứng công nghệ nên bình quân mỗi năm có thể thu gom khoảng 9.000 tấn rác thải.

Kể từ đó, ông Nguyễn Hữu Hoạch có thêm động lực để mở rộng thương hiệu HTX. Năm 1990, thấy người dân giữa các địa phương có nhu cầu đi lại, buôn bán và vận chuyển hàng hóa lớn, ông Hoạch đứng ra vận động các nhóm cựu chiến binh góp vốn thành lập HTX vận tải.

Ban đầu, ông Hoạch và đồng đội tham gia kinh doanh dịch vụ chuyên chở hàng hóa và du lịch. Năm 1995, người cựu chiến binh nhận thấy ở TP Tuyên Quang và khu vực lân cận chưa có công ty thu gom, xử lý rác thải. Trong khi đó, môi trường ở khu vực ngày càng ô nhiễm do lượng rác thải đổ ra đường ngày một nhiều.

Thời gian đầu hoạt động, công việc gặp nhiều khó khăn do người dân chưa nhận thức được việc bảo vệ môi trường. Suốt thời gian dài, ông và cán bộ, nhân viên HTX phải đến từng con ngõ, từng nhà dân để tuyên truyền, vận động thu gom rác thải theo phân loại để tái chế. “Mỗi khi trời mưa, lượng rác thải ngoài đường không có ai thu dọn nên dạt vào nhà dân hay lúc nắng nóng, rác ứ đọng khiến mùi hôi thối bốc lên cả vùng”, ông chia sẻ. Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định thành lập HTX Vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình.

Những nỗ lực xứng đáng cũng đã được đền đáp. Ông kể năm 2000, trong một lần tham quan mô hình HTX xử lý rác của ông, đoàn công tác của Trung ương đã biểu dương những gì họ được chứng kiến về công nghệ thu gom rác, tái chế nhựa phế thải, tái chế giấy phế thải thành giấy bìa các tông, trồng cây xanh, cây cảnh hay dịch vụ vận tải hàng hóa.

“Tôi thấy mình cần phải làm gì đó có lợi cho dân hơn nữa”, ông Hoạch tâm sự. Vị giám đốc - cựu chiến binh bảo nếu chỉ đơn thuần thu gom rác, xử lý đơn giản để phân loại sẽ không mang lại hiệu quả về kinh tế.

“Tôi thấy trong rác thải sinh hoạt có rất nhiều chai nhựa và túi ny-lon nên quyết định cho phân loại rác tại nguồn, số rác thải nhựa tôi thu mua về để bán”, Giám đốc HTX Thanh Bình chia sẻ.

Để mở rộng mô hình HTX kinh doanh dịch vụ kết hợp xử lý rác thải hiệu quả cao, ông tuyển thêm hàng chục lao động và chuyên tâm nghiên cứu, đầu tư công nghệ và xây dựng xưởng tái chế rác thải nhựa.

Đến năm 2013, ông Nguyễn Hữu Hoạch đầu tư lắp đặt thêm dây chuyền tái chế rác thải nhựa. “Mục đích của tôi là sản xuất hàng trăm tấn hạt nhựa để bán lại cho đối tác, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều lao động”, ông Hoạch nhấn mạnh.

Sau hàng chục năm vận hành, đến nay, mô hình HTX của ông đã phát huy hiệu quả cao. Hàng ngày, 4 ôtô của HTX chở hơn 30 tấn rác để xử lý. Trong quá trình phân loại, hơn 40 % rác hữu cơ được ủ thành phân hữu cơ bón cho các loại cây trồng lâu năm đảm bảo năng suất cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Hơn 20 % rác thải nhữa được HTX đưa vào máy xay thành hạt, cung cấp cho các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên để tái chế thành xô, chậu nhựa và các sản phẩm nhựa khác. Số rác vô cơ còn lại được đem về nơi tiêu hủy đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Hoạch chia sẻ hiện nay, HTX Thanh Bình do ông thành lập đạt tổng doanh thu khoảng 8-9 tỷ đồng mỗi năm. Hơn 100 lao động của HTX đều có mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng.

Cựu chiến binh “mê” làm sạch môi trường bằng công nghệ
Ông Nguyễn Hữu Hoạch tham gia nhiều hoạt động từ thiện, dân sinh.

Theo người dân xã Lưỡng Vượng, ngoài thu hút lao động và đóng góp công ích cho địa phương như ủng hộ quỹ vì người nghèo hay tham gia xây dựng nông thôn mới, ông Hoạch còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, đóng góp tổng số tiền hàng tỷ đồng. Ông cũng là thành viên của nhóm vận động trồng ngàn cây xanh, cải thiện môi trường sinh thái ở địa phương.

Ông đến các trường học tuyên truyền cho các cháu học sinh về tác hại của ô nhiễm môi trường, vận động các cháu tích cực thu gom rác thải đảm bảo trường lớp xanh, sạch, đẹp.

Lẫn trong những nỗi niềm mong mỏi, vị giám đốc HTX trăn trở hiện nay, do điều kiện đất phải đi thuê nên bản thân ông chưa thể mở rộng dây chuyền xử lý, tái chế rác thải nhựa để làm sạch môi trường hơn. “Nếu có đất ổn định tôi sẽ đầu tư máy móc hiện đại hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân Tuyên Quang trong việc chung tay xử lý rác thải nhựa và chống rác thải nhựa”, ông Hoạch kỳ vọng.

Bảo Lâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động