Cuộc thi “Viết về bình đẳng giới 2018”: Thông điệp mạnh mẽ nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Nguyễn Thị Hà tại Lễ phát động Cuộc thi “Viết về bình đẳng giới 2018” diễn ra chiều 11-9 tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, trong những năm qua, thực hiện Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và các Chương trình, đề án về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, công tác bình đẳng giới ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức hành động của toàn xã hội.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới đã được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, hướng vào nhiều đối tượng khác nhau nhằm nâng cao nhận thức. Từ đó thay đổi hành vi, đẩy lùi tư tưởng, định kiến giới, ngăn chặn tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do việc lựa chọn giới tính thai nhi, nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong xã hội.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà: "Việc tuyên truyền về bình đẳng giới còn chưa được thực hiện thường xuyên và trải đều trong cả năm mà mới chỉ tập trung vào một số dịp nhất định". Ảnh: Mạnh Dũng |
Tuy nhiên, công tác truyền thông về bình đẳng giới cũng còn nhiều thách thức. Việc tuyên truyền về bình đẳng giới còn chưa được thực hiện thường xuyên và trải đều trong cả năm mà mới chỉ tập trung vào một số dịp nhất định như ngày 8-3, ngày 20-10 và trong Tháng Hành động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới hàng năm.
"Đáng lưu ý, một số tác phẩm truyền thông vẫn còn định kiến giới như quá đề cao vai trò của phụ nữ trong gia đình hay người phụ nữ xuất hiện với vai trò là làm nội trợ. Một số vấn đề có tính chất nhạy cảm giới như bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái thường bị lạm dụng để câu view, gây tác động ngược”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói. Việc tổ chức cuộc thi theo đó nhằm thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới và các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020…
Cuộc thi chính thức được phát động từ ngày 11-9-2018 đến hết ngày 30-11-2018. Đối tượng dự thi là công dân Việt Nam và người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.
Tác phẩm dự thi là các bài viết văn xuôi được thể hiện dưới hình thức: Bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, điều tra, nghiên cứu, hồi ký, nhật ký, bút ký báo chí… Là các bài viết sáng tác mới hoặc đã được đăng tải, phát hành trong thời gian từ ngày 1-1-2016 đến ngày 25-11-2018 trên sách, báo in, tạp chí, báo điện tử, trang thông tin điện tử do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Nội dung dự thi tập trung vào việc: Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Phát hiện những tồn tại, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bình đẳng giới ở Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp, ý tưởng để bổ sung, hoàn thiện chính sách và thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, biểu dương các tổ chức, tập thể, cá nhân làm tốt hoạt động bình đẳng giới; giới thiệu những mô hình mới, cách làm hay có hiệu quả cao trong công tác bình đẳng giới; phòng ngừa các vụ việc vi phạm về bình đẳng giới.
Ban tổ chức tiếp nhận các tác phẩm dự thi từ ngày 10-9-2018 đến hết ngày 30-11- 2018. Các tác giả có tác phẩm đạt giải sẽ được trao Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức và phần thưởng trị giá như sau: 1 Giải Nhất: 15.000.000 đồng (Mười lăm triệu đồng); 2 Giải Nhì mỗi giải 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng); 3 Giải Ba mỗi giải 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng); 10 Giải Khuyến khích mỗi giải 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng).
Dự kiến lễ tổng kết và công bố các tác phẩm đạt giải dự kiến sẽ được tổ chức vào giữa tháng 12-2018 tới.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại