Thứ sáu 19/04/2024 08:43

“Cuộc chiến” giữa hàng chính hãng và hàng xách tay - Kỳ 1: Đường về Việt Nam của hàng xách tay

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không phải mất tiền làm truyền thông, quảng cáo, lại càng không phải giữ uy tín thương hiệu như hàng chính hãng, hàng xách tay, không rõ nguồn gốc nghiễm nhiên buôn bán dựa vào sự nổi tiếng đã có sẵn của mỗi mặt hàng.

Nếu như những cửa hàng kinh doanh hàng xách tay trực tiếp đang e dè, có chút heo hắt, thì ở trên mạng xã hội, những món hàng mang tên xách tay vẫn nghiễm nhiên, công khai và không hề có dấu hiệu giảm.

Rất dễ dàng tìm được những fanpage, những tài khoản cá nhân chuyên bán hàng xách tay trên mạng xã hội facebook, zalo. Kể cả trong thời gian cả thế giới căng thẳng bởi đại dịch Covid-19, chuyện “ngăn sông cấm chợ” diễn ra trên toàn thế giới, thì ở nhóm hàng “xách tay” vẫn sôi động và phong phú. Thậm chí nhiều mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng còn tăng giá bởi lý do vận chuyển khó khăn.

Nói về các con đường về Việt Nam của hàng xách tay, H.J (huyện Mễ Trì), một trong những cá nhân kinh doanh hàng xách tay lâu năm với 2 chi nhánh Hà Nội và TP HCM cho biết, có 3 hình thức để hàng về tới Việt Nam.

Theo đó, “hàng air” là hàng hóa vận chuyển bằng máy bay, có nghĩa đầu bên các nước đóng hàng rồi gửi theo đường hàng không. Đây là hình thức “ship” hàng nhanh nhất có thể đi được số lượng nhiều. Thông thường hàng Nhật, Anh, Úc, Mỹ… đi theo đường này nếu không tính thời gian thủ tục thông quan thì mất 5 – 10 ngày.

cuoc chien giua hang chinh hang va hang xach tay ky 1 duong ve viet nam cua hang xach tay
Mặc dù bị “ngăn sông cấm chợ” nhưng hàng xách tay ở thị trường Việt Nam vẫn phong phú. Ảnh tư liệu

Hình thức thứ hai là “hàng xách tay” thông qua các tiếp viên, phi công hoặc hành khách đem về thông qua hành lý ký gửi. Hình thức này tốc độ hàng về nhanh, chỉ mất 2 – 3 ngày tùy chuyến, nhưng loại vận chuyển này lại hạn chế về số lượng.

Loại hình thứ ba là hàng đi theo đường biển, hàng được vận chuyển trong các container. Loại hình này vận chuyển được số lượng hàng nhiều nhất, nhưng lại mất thời gian nhất. Thường 1 container từ nước bạn về đến Việt Nam thường rơi vào 1, 2 tháng, chưa tính thời gian thông quan.

Bởi tương đối “đa dạng” các hình thức vận chuyển để hàng xách tay về đến Việt Nam, nên mặc dù cấm bay, nhưng không phải vì thế mà không có hàng xách tay để bán trong nước. Theo chị N.T (quận Long Biên), thì cho dù hạn chế đường hàng không, thậm chí đóng cửa các chuyến bay, nhưng vẫn có những chuyến bay đặc biệt, mặc dù rất ít. Và hàng xách tay tiếp tục “ngồi” máy bay theo về tí tách theo cách đó.

Và nữa, “đường đi” của hàng xách tay chẳng theo đường hàng không thì theo đường biển. “Hàng xách tay đi theo đường biển sẽ giảm khá nhiều chi phí vận chuyển, do vận chuyển theo đường biển sẽ được nhiều hàng hơn, giá thành rẻ hơn. Nhưng cũng có điểm dở đó là thời gian vận chuyển mất nhiều hơn so với đường hàng không. Nhiều những mặt hàng như thực phẩm, đường sữa, thậm chí cả một số chai lọ mỹ phẩm cũng sẽ bị móp méo, hư hại…” - N.T tiết lộ.

Với người tiêu dùng, nhất là những người chuộng dùng hàng hãng nhưng phải chính hãng mua ở các nước “khai sinh” thì việc không có hàng xách hàng không, thì hàng đi đường biển cũng là một giải pháp. Thế nhưng có đúng là hàng đi đường biển hay không, thì chỉ có người nhập biết, còn các nhà phân phối nhỏ lẻ thì miễn là có hàng, có lãi còn đi đường nào, đôi khi, đến người bán cũng mù mờ.

Tất lẽ dĩ ngẫu, chưa nói đến độ tin cậy của hàng hóa, việc vận chuyển qua các hình thức mà các “nhà” phân phối hàng xách tay nói trên cũng có những hạn chế mà người tiêu dùng ít phân tích. Cũng vẫn theo H.J, hàng “air” và hàng xách tay thì không phải “bàn” về chất lượng. Thế nhưng hàng theo đường vận chuyển này sẽ không thể được nhiều và giá thành sẽ cao bởi chi phí vận chuyển cao.

Còn riêng về hàng đi đường biển, đây là loại hình chi phí rẻ nhất và có số lượng lớn nhất. Tuy nhiên, các sản phẩm như sữa, thuốc men… là những sản phẩm nhạy cảm dễ bị biến đổi nếu nhiệt độ bảo quản không chuẩn, trong khi container là một chiếc hộp sắt đóng kín. Theo chị này, nếu nhiệt độ ngoài trời là 40 độ thì nhiệt độ trong container sẽ từ 60 – 70 độ. Nhiệt độ này sẽ khiến sữa bột vón cục hay thuốc men bị biến đổi chất.

“Mình đã chứng kiến 1 chiếc túi xách da gửi từ Nhật để trong container về đến Việt Nam da bị chảy do nhiệt độ quá nóng…” - H.J cho biết.

(Còn nữa)

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động