Thứ sáu 10/05/2024 00:31

Củng cố, kiện toàn tổ hòa giải ở các tổ dân phố mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động hòa giải ở từng địa bàn cụ thể. Lưu ý huy động đội ngũ luật sư, luật gia, người đã và đang công tác trong lĩnh vực pháp luật, trong đó có lực lượng CA xã (đã được chính quy hóa) tham gia làm hòa giải viên cơ sở” - Đây là một trong những nội dung được Bộ Tư pháp lưu ý UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong hướng dẫn thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở năm 2020 vừa được ban hành.

Theo Bộ Tư pháp, chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH 14 ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14-5-2019 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2020.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương tiến hành củng cố, kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên tại các thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố mới hình thành sau khi sắp xếp theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18-11-2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

cung co kien toan to hoa giai o cac to dan pho moi
Hòa giải viên của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm hòa giải thành với đoàn công tác của Bộ Tư pháp Lào. Ảnh minh họa

Thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động hòa giải ở từng địa bàn cụ thể, vận động thay thế các hòa giải viên không đủ điều kiện để thực hiện công tác hòa giải một cách tích cực, hiệu quả. Bộ Tư pháp cũng lưu ý, UBND các tỉnh, TP huy động đội ngũ luật sư, luật gia, người đã và đang công tác trong lĩnh vực pháp luật, trong đó có lực lượng CA xã (đã được chính quy hóa) tham gia làm hòa giải viên cơ sở.

Cùng với đó, tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” (Đề án 428). Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, bố trí nguồn lực (nhân lực và kinh phí) bảo đảm thực hiện Đề án 428 năm 2020. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, in, phát trực tiếp Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp phát hành hoặc theo hình thức phù hợp để trang bị cho hòa giải viên ở cơ sở. Thực hiện tốt vai trò chỉ đạo điểm theo quy định tại điểm b mục 3 phần IV Đề án.

Khuyến khích tìm kiếm, xây dựng, đánh giá các mô hình hay, hiệu quả trong hòa giải ở cơ sở và có giải pháp nhân rộng các mô hình đó trên địa bàn.

Trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò tích cực trong việc xây dựng sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Năm 2019 cả nước tiếp nhận 123.583 vụ việc hòa giải (giảm 13,6%), trung bình tỷ lệ hòa giải thành đạt 83,13% (tăng 2,34%).

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động