Cụ thể hóa một số mục tiêu thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Theo kế hoạch, UBND thành phố triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Kế hoạch số 205-KH/TU ngày 10-9-2020 của Thành ủy Hà Nội về triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gồm: Công tác quán triệt tuyên truyền Nghị quyết; đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực; phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên; thúc đẩy hội nhập quốc tế; thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thông qua các nhiệm vụ, giải pháp trên, UBND thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025: Phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số; Hà Nội đứng trong nhóm dẫn đầu Khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu (Data Science) và trí tuệ nhân tạo (AI); phát triển mạng di động 5G, mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp; cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố; cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố phục vụ người dân và doanh nghiệp.
UBND thành phố cũng đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử của thành phố trước năm 2025, hướng tới hình thành chính quyền số thành phố Hà Nội; hình thành, phát triển một số khu đô thị thông minh trên địa bàn; từng bước phát triển các lĩnh vực thông minh quan trọng, hướng tới xây dựng Hà Nội là thành phố thông minh; hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố; phát triển kinh tế số; phấn đấu giá trị đạt được của kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của thành phố Hà Nội; năng suất lao động tăng bình quân 7-7,5%/năm.
Đến năm 2030: Hà Nội là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước. Hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố. Cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền số thành phố Hà Nội. Hà Nội là hạt nhân liên kết mạng lưới các đô thị thông minh Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực ASEAN. Kinh tế số phát triển mạnh mẽ, phấn đấu giá trị đạt được của kinh tế số chiếm trên 40% GRDP của thành phố Hà Nội. Năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2045: Hà Nội trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Khu vực châu Á. Thành phố có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại