Thứ năm 28/03/2024 22:38

Cú “sốc” “Hãy nói lời yêu”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với những khán giả theo dõi phim “Hãy nói lời yêu”, chắc hẳn sẽ không ai nghĩ rằng đạo diễn và biên kịch lại để nhân vật Minh (Quang Anh) ra đi, để lại sự đau khổ tột cùng cho những người thân trong gia đình. Sự tỉnh ngộ của cha mẹ đã quá ... muộn màng.

Tình tiết sốc gây tranh cãi

Với những bộ phim Việt trước đây, dù tình tiết phim được đẩy lên cao trào như thế nào thì hiếm khi các đạo diễn, biên kịch cho nhân vật có hoàn cảnh giống như Minh ra đi. Thế nhưng, điều này lại xảy ra ở phim “Hãy nói lời yêu”. Đây có thể coi là một trong những bộ phim bi kịch nhất trong số những phim lên sóng màn ảnh Việt những năm gần đây.

Phim xoay quanh câu chuyện về gia đình ông Tín (NSND Trọng Trinh), bà Hoài (nghệ sĩ Nguyệt Hằng). Ông Tín là người đàn ông nhu nhược, lăng nhăng. Còn bà Hoài là người độc đoán, gia trưởng, lúc nào cũng muốn chồng con làm theo ý mình. Cũng vì sĩ diện của gia đình, lúc nào bà cũng áp đặt con cái phải học giỏi.

My (Quỳnh Kool) - con gái lớn của bà khi học lên ĐH đã vướng phải lưới tình của gã “sở khanh” và vô tình trở thành người thứ 3, bị đánh ghen, bạn bè chê cười. Minh - con trai út phải sống trong cảnh giám sát chặt chẽ của mẹ, không được làm những điều mình thích.

Cú “sốc” của phim “Hãy nói lời yêu”: Đừng bắt con cái sống trong sự áp đặt của cha mẹ
Minh luôn phải sống trong sự áp đặt của mẹ

Sau khi bố mẹ chia tay, Minh sống với mẹ. Bà Hoài tìm mọi cách để kìm kẹp, kiểm soát con và xem cậu như một cái máy, không cho đi chơi, thư giãn mà ép học ngày học đêm. Vì muốn mẹ vui, Minh luôn gồng mình để trở thành một cậu bé ngoan, học giỏi. Tuy có thành tích học tập xuất sắc nhưng cuộc sống của Minh lại có quá nhiều áp lực khiến cậu không được sống là chính mình.

Trước khi con trai thi học sinh giỏi quốc gia, ngày nào bà Hoài cũng bắt Minh học và không quên nhồi nhét vào đầu con trai "điệp khúc" con phải giành giải nhất,... Khi Minh không đạt giải nhất, bà Hoài tỏ ra rất thất vọng và không thôi chỉ trích, đay nghiến con. Bà thậm chí còn tiếp tục ra “tối hậu thư” cho con mình, là phải đạt thủ khoa kỳ thi vào đại học vì cậu là niềm tự hào của mẹ.

Uất ức, Minh phản kháng thì bị mẹ nhốt trong nhà, tiếp tục bắt học. Bà liên tục chì chiết Minh, cho rằng cậu không làm được gì, không tự chăm sóc được bản thân. Cuối cùng Minh đã tìm đến cái chết như một cách để giải thoát khỏi cuộc sống địa ngục mà mẹ đã tạo ra. Khi qua đời, cậu ôm quả bóng mà bố mua tặng.

Chứng kiến cái chết của con trai, bà Hoài như phát điên, mang đồ ăn, tìm sách đọc trước bàn thờ con vì bà chưa chấp nhận được sự thật này. Ông Tín thì ngồi lặng lẽ ở góc cầu thang, ôm quả bóng của con trai vào lòng, rồi khóc nghẹn. Chị gái Minh cũng đau khổ, dằn vặt vì còn nhiều điều chưa làm được cho em.

Cú “sốc” của phim “Hãy nói lời yêu”: Đừng bắt con cái sống trong sự áp đặt của cha mẹ
Bà Hoài nhận ra sai lẫm của mình thì đã quá muộn

Sau khi tập phim Minh tự tử lên sóng, rất nhiều khán giả không đồng tình với đạo diễn và biên kịch vì để một cậu bé ngoan ngoãn, lương thiện này ra đi. Theo họ, đó là bi kịch quá đỗi khốc liệt với một gia đình.

Hơn nữa, tuy tình tiết này là lời cảnh tỉnh các ông bố, bà mẹ đã, đang và sắp có ý định áp đặt, tạo áp lực cho con mình phải suy nghĩ lại nhưng hành động tự tử của Minh không khác gì “vẽ đường cho hươu” chạy, khiến các em học sinh rất dễ “bắt chước” khi vướng vào hoàn cảnh giống như Minh.

Ngoài ra, tập phim này còn được phát sóng đúng thời điểm nhạy cảm, là học sinh khối 12 đang chuẩn bị bước vào kỳ thi ĐH, dễ tạo tâm lý không tốt cho những khán giả độ tuổi này.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đồng tình với tình tiết này của phim. Theo họ, đây là phim có tiết tấu nhanh nên tình tiết này diễn ra là hợp lý. Đạo diễn và biên kịch có thể đã suy nghĩ kỹ lưỡng mới quyết tình tiết này diễn ra, với mục đích để bà Hoài tỉnh ngộ.

Cú sốc để mọi người tỉnh ngộ

Thông thường, đạo diễn và biên kịch sẽ vẽ ra nhiều hướng đi cho kịch bản, đồng thời sẽ có những phân tích kỹ lưỡng cho từng hướng đi rồi mới quyết định lựa chọn phương án cuối cùng, sao cho phim đạt hiệu quả cao nhất về mặt truyền tải thông điệp.

Cú “sốc” của phim “Hãy nói lời yêu”: Đừng bắt con cái sống trong sự áp đặt của cha mẹ
Ông Tín đau khổ trước sự ra đi của con trai

Có thể, với nhiều khán giả, tình tiết này của phim là một cú sốc lớn, thậm chí có nhiều người cho rằng nó thiếu nhân văn. Tuy nhiên, nếu có một cú sốc lớn để rồi ai cũng phải giật mình nhận ra bản thân cần phải thay đổi, không đi vào “vết chân” sai lầm của người khác thì cú sốc này diễn ra là hoàn toàn phù hợp, đặc biệt là khi đặt trong diễn biến của phim.

Khi khán giả đau lòng, xót xa cho một đứa trẻ phải sống trong sự trói buộc của mẹ đến nỗi phải chọn cái chết để giải thoát thì họ sẽ rút ra bài học cho chính mình, để ngoài đời sẽ không còn những cậu bé Minh đáng thương nào nữa. Thông điệp ấy cũng chính là ý nghĩa nhân văn mà phim mang lại cho khán giả.

Bố mẹ nào cũng mong muốn con cái giỏi giang, thành công. Bố mẹ nghiêm khắc trong việc dạy dỗ cũng là điều cần thiết để con cái nên người. Tuy nhiên, sự nghiêm khắc ấy phải trong một giới hạn nhất định, không nên biến sự nghiêm khắc với ý nghĩa tốt đẹp thành sự áp đặt, trói buộc, độc đoán.

Và quan trọng là bố mẹ "hãy nói lời yêu" con mình đúng cách, bằng việc tôn trọng những mong muốn, sở thích, đam mê của con bởi những điều đó mới làm cho con cái được sống là chính mình và có hạnh phúc thực sự, chứ không phải là con đường đi do bố mẹ "vẽ" ra hay thành tích, danh hiệu được tạo nên từ nước mắt, áp đặt, chỉ để làm vui lòng bố mẹ và trang trí cho sự hào nhoáng nào đó. Bởi rất có thể, sự áp đặt ấy sẽ khiến cho con cái bị áp lực, suy nghĩ tiêu cực để rồi gia đình phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Thực tế, rất nhiều thanh, thiếu niên đã bị trầm cảm, tâm lý bất ổn, thậm chí bị tâm thần nặng, tự tử vì bị bố mẹ tạo áp lực trong học hành, thi cử. Có những em may mắn được chữa khỏi bệnh, nhưng cũng có nhiều em phải sống chung với bệnh tâm thần hoặc ra đi mãi mãi ở độ tuổi đẹp nhất của đời người. Khi cha mẹ nhận ra lỗi lầm của mình thì tất cả đã quá muộn.

Về việc khán giả lo lắng tình tiết này không phù hợp khi phim phát sóng trong giai đoạn các em học sinh lớp 12 sắp thi ĐH và nó dễ khiến các em “bắt chước” khi chịu nhiều áp lực trong cuộc sống, học hành cũng là điều dễ hiểu. Tâm lý khán giả thường vẫn mong những điều tốt đẹp nhất đến với những nhân vật hiền lành.

Tuy nhiên, nếu khán giả đã theo dõi phim từ đầu sẽ thấy người mẹ trở nên độc đoán, áp đặt cũng có phần lỗi từ chính người chồng, người con của mình. Người bố ngoại tình, khiến người mẹ càng trở nên đơn độc và dồn hết những ức chế vào con cái. Con cái cũng ít khi chịu chia sẻ, đứng lên lập trường của người mẹ để hiểu mẹ mình hơn.

Nếu như chồng không ngoại tình thì sự "điên" của bà Hoài cũng không bùng nổ và trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ của các con đến thế. Nếu My chín chắn hơn để không sai lầm trở thành “người thứ ba”, giống như kẻ đã gây ra sự tan nát cho gia đình cô thì mẹ cô cũng không dồn hết tất cả kỳ vọng vào em trai. Bà Hoài luôn nói với Minh rằng con là niềm tự hào duy nhất của mẹ.

Đây là câu nói đặt lên vai Minh một áp lực rất lớn. Bà Hoài đã mất chồng, con gái thì không chung tiếng nói, giờ chỉ còn một mình Minh nên sự kỳ vọng vào cậu sẽ càng cao hơn. Khi một người trở nên đơn độc thì họ luôn bấu víu vào những gì còn lại, coi đó là điểm tựa duy nhất và sự chăm chút cho những điều ấy càng trở nên thái quá hơn.

Khán giả trẻ khi xem phim cũng sẽ rút ra bài học cho mình. Hãy cố gắng chia sẻ với bố mẹ về những điều mình muốn làm, những gì chất chứa trong lòng bởi không phải ai cũng thấu hiểu tâm tình của người khác nếu như họ không giãi bày. Hãy đặt mình ở vị trí của bố mẹ để hiểu hơn tâm tư của họ, từ đó có ứng xử phù hợp. Con cái ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ là tốt, nhưng không nên im lặng nếu như điều bố mẹ mong muốn trái với điều mình mong muốn. Như Minh, cậu luôn làm theo những gì mẹ muốn, điều ấy khiến cho mẹ mặc nhiên nghĩ rằng cậu đồng tình với mẹ và quyết định tất cả thay con.

Khán giả xem phim và nhận thấy sự đau khổ của gia đình Minh, nhất là bà Hoài - người mẹ đáng trách nhưng cũng rất đáng thương khi đứa con trai là điểm tựa duy nhất ra đi, bà cũng nhận ra sai lầm của mình thì chắc hẳn ai cũng sẽ lắng lại, suy nghĩ để bản thân không dại dột mà suy nghĩ tiêu cực như Minh để những người thân của mình phải đau khổ. Trước khi làm một điều gì đó, chúng ta hãy nghĩ về gia đình mình.

Thế nên chúng ta dù có hay không đồng tình với tình tiết đạo diễn, biên kịch "Hãy nói lời yêu" đã lựa chọn thì cũng nên tôn trọng quyết định này. Suy cho cùng, tất cả những điều họ làm là để truyền tải thông điệp mang ý nghĩa nhân văn đến khán giả. Mọi sai lầm đều sẽ bị trả giá và "hãy nói lời yêu" đúng cách với những người mà mình yêu thương để không phải nói từ "giá như" một cách muộn màng.

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động