Công tác quản lý vũ khí bị buông lỏng?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện trường vụ nổ súng sát hại hàng xóm ở Thái Nguyên |
Mới đây, tại xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra vụ nổ súng làm ông L.V.T, SN 1971 tử vong tại chỗ và bà P.T.Đ, SN 1971 vợ ông L.V.T bị thương nặng. Nghi phạm được xác định là L.V.H, SN 1981 người địa phương. Sau khi nổ súng bắn thương vong hai vợ chồng ông T, nghi phạm đã nổ súng tự sát.
Liên quan đến vụ nổ súng tại Thái Nguyên, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, vì nghi phạm đã tự sát nên việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với nghi phạm không thực hiện được. Tuy nhiên khởi tố vụ án là việc bắt buộc phải làm để có căn cứ tiến hành các hoạt động điều tra, làm sáng tỏ vụ việc để giải quyết theo quy định pháp luật.
Luật sư Thái cũng kiến nghị, việc xác định nguồn gốc, loại súng nghi phạm đã dùng để gây án sẽ có ý nghĩa trong việc xem xét có khởi tố, điều tra đối với tội danh tương ứng với cá nhân có liên quan (nếu có) hay không.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, “vũ khí” được xác định là phương tiện; trang thiết bị được chế tạo; sản xuất ra có khả năng mang lại nguy hiểm gây sát thương cho tính mạng, sức khỏe con người hay phá vỡ cơ sở vật chất hạ tầng nghiêm trọng.
Luật sư Thái cho biết, với vụ việc trên, hành vi sử dụng súng bắn dẫn đến hậu quả chết người của nghi phạm đã cấu thành tội “Giết người”. Trường hợp CQĐT xác định nghi phạm sử dụng súng quân dụng để gây án thì hành vi này cấu thành tội “Tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng” theo quy định tại Điều 304 BLHS. Nếu khẩu súng được xác định là không phải là súng quân dụng (súng săn, vũ khí thể thao, súng tự chế..), hành vi này cấu thành tội tàng trữ, sử dụng súng săn, vũ khí thô sơ, vụ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ (Điều 306 BLHS).
“Tuy nghi phạm đã tự sát nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự với nghi phạm không đặt ra. Nhưng trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng xác định được nguồn gốc của khẩu súng mà nghi phạm có được là do mua bán hoặc chiếm đoạt và xác định được cá nhân có liên quan, cá nhân này sẽ phải chịu trách nhiệm đối với tội danh tương ứng. Riêng trường hợp nếu khẩu súng dùng để bắn các nạn nhân có được do nghi phạm chiếm đoạt mà có lỗi của người được giao giữ vũ khí thì người được giao giữ vũ khí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 308 - BLHS”, luật sư Thái cho biết.
Từ thực trạng gia tăng các vụ án hình sự mà đối tượng phạm tội có sử dụng vũ khí để gây án trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng: Các cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các loại vũ khí trong đó có các loại súng bao gồm súng quân dụng, súng săn, súng thể thao, súng tự chế.
Liên quan đến việc, trách nhiệm bồi thường đối với gia đình nạn nhân, theo luật sư Thái, nếu người phạm tội chết trước khi bị xử lý, cơ quan chức năng sẽ không xem xét trách nhiệm hình sự của người đó.
Căn cứ quy định tại Khoản 7, Điều 157 (quy định về những căn cứ không khởi tố vụ án hình sự) và Điều 230 (Đình chỉ điều tra) của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trường hợp nghi phạm gây án chết, vụ án sẽ bị đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, để làm rõ vụ án, CQĐT sẽ tiếp tục xác định xem có đồng phạm hay không để xử lý theo quy định pháp luật.
Cũng theo luật sư Thái, ngoài trách nhiệm hình sự trong các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khoẻ người khác, người phạm tội còn phải bồi thường dân sự với nạn nhân.
Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định khoản bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm: chi phí như thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hay thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, người phạm tội còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được, mức bồi thường tối đa là 100 tháng lương cơ sở, tức 149 triệu đồng.
Trường hợp nạn nhân chết, người thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc người nuôi dưỡng, được nạn nhân nuôi dưỡng sẽ nhận những khoản bồi thường theo quy định.
Trường hợp người phạm tội chết, việc bồi thường cho bị hại được tiến hành theo Điều 615 Bộ luật này. Theo đó, người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Ngoài ra, đối với khoản vay nợ của con trai nạn nhân, người này vẫn có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ cả gốc lẫn lãi cho gia đình nghi phạm Hữu. Trường hợp không đủ tiền chi trả, việc thanh toán nợ có thể quy đổi ra tài sản hoặc sử dụng khoản thừa kế mà người này nhận lại từ bố là ông T (đã chết).
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại