Thứ sáu 03/05/2024 11:39

Cộng đồng đối mặt với gánh nặng kép về suy dinh dưỡng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Theo số liệu ghi nhận tình trạng thấp còi của 12 nước trong khu vực, có khoảng 4-48% trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi; thiếu vitamin A là một vấn đề y tế công cộng ở ít nhất 6 quốc gia.

Trong khuôn khổ Hội nghị Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: Các nước trong khu vực đang phải đối mặt với gánh nặng kép về suy dinh dưỡng. Một bên là tỉ lệ cao trẻ em suy dinh dưỡng ở dạng thấp còi; đối trọng là sự gia tăng nhanh chóng tỉ lệ trẻ béo phì…

Trẻ suy dinh dưỡng giảm ít, trẻ béo phì tăng nhanh

TS. Shin Young-soo, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết: Suy dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em chiếm 11% gánh nặng bệnh tật toàn cầu và mỗi năm làm chết hơn 100.000 trẻ trong khu vực. Bệnh thiếu máu ảnh hưởng tới 22% phụ nữ không mang thai ở độ tuổi sinh sản và 31% phụ nữ có thai.

Theo số liệu ghi nhận tình trạng thấp còi của 12 nước trong khu vực, có khoảng 4-48% trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi; thiếu vitamin A là một vấn đề y tế công cộng ở ít nhất 6 quốc gia. Thiếu vitamin góp phần gây ra 1/3 số ca tử vong trẻ em và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, năng suất lao động trong suốt cuộc đời; có tới 22% học sinh bị thiếu i-ốt. Khoảng 20 triệu trẻ sinh ra mỗi năm có cân nặng sơ sinh thấp cũng có nguy cơ cao khi lớn lên sẽ mắc các bệnh không lây nhiễm.

Bên cạnh đó, thế giới đang phải đối mặt với gánh nặng kép của suy dinh dưỡng (cả thiếu dinh dưỡng và béo phì). Thừa cân và béo phì dẫn đến hậu quả mắc những bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ, một số bệnh ung thư và các bệnh lý khác. Theo thống kê toàn cầu năm 2010, có khoảng 43 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân.

Ủy ban khu vực Tây Thái Bình Dương đã cam đoan sẽ mở rộng quy mô và duy trì các biện pháp can thiệp dinh dưỡng hiệu quả với chi phí thấp nhằm ngăn ngừa hơn 100.000 trường hợp trẻ dưới 5 tuổi trong khu vực tử vong/năm.

Ủy ban khu vực kêu gọi tăng cường đầu tư trong giai đoạn 2012-2025 để mở rộng các biện pháp can thiệp dinh dưỡng với mục tiêu giảm đáng kể gánh nặng kép của suy dinh dưỡng; giảm tỉ lệ tử vong và mắc bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng, trong đó có tỉ lệ thấp còi và gầy còm. Đồng thời kế hoạch cũng nhằm tăng tỉ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ và chấm dứt tình trạng số trẻ bị béo phì tăng nhanh.


Thực hành tốt nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là giải pháp quan trọng cân bằng dinh dưỡng ở trẻ.


Trẻ béo phì tại Việt Nam tăng gần 6 lần

Theo bà Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, ước tính hiện cả nước có khoảng 460.000 trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì. Không chỉ trẻ ở TP lớn như Hà Nội, TP HCM mà cả trẻ nông thôn cũng bị thừa cân. Tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì là 5,6%, tăng gấp 6 lần so với năm 2000 và đang có chiều hướng tiếp tục tăng. Ở TP tỉ lệ trẻ béo phì cao gấp 1,5 lần ở nông thôn. Xu hướng này cũng diễn ra đối với người trưởng thành với tỉ lệ 5,6%, tập trung nhiều ở nhóm tuổi từ 50 - 60.

Bên cạnh đó, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong 10 năm trở lại đây giảm với tỉ lệ rất nhỏ (6,5%); tỉ lệ thai phụ quá khổ lại tăng gấp đôi, từ 3% lên 6,4%.

Nguyên nhân của tình trạng trên do cách chăm sóc trẻ chưa đúng. Việc nuôi con bằng sữa mẹ rất có lợi để cải thiện, cân bằng dinh dưỡng của trẻ nhưng chưa được áp dụng đúng dẫn đến trẻ hoặc suy dinh dưỡng thấp còi hoặc béo phì. WHO khuyến cáo trẻ tròn 6 tháng tuổi mới nên cho ăn dặm nhưng thực tế nhiều trẻ 3- 4 tháng đã cho ăn thức ăn cứng ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, béo phì..

Các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra lời khuyên dinh dưỡng hợp lý là: Khẩu phần ăn đủ năng lượng, đủ chất dinh dưỡng. Không ăn thiếu chất như ở một số vùng còn đang khó khăn cũng không quá thừa giống như ở một số TP. Thực hiện đúng các quy trình nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ…


Vân Hà

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động