Công cuộc phòng chống tham nhũng qua các vụ án - Kỳ 2: AIC và điển hình của lợi ích nhóm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác bị cáo trong phiên xét xử vụ án sai phạm tại BV Đa khoa Đồng Nai và Cty AIC tại phiên sơ thẩm. |
“Đi đêm” và “móc ngoặc” để trúng thầu trái pháp luật
Theo đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập Cty AIC. Trong vụ án sai phạm tại BVĐK Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo nhiều thuộc cấp thông đồng, móc ngoặc với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các Cty "quân xanh" để đảm bảo cho AIC được trúng thầu.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thành lập các Ban nội bộ do chính mình trực tiếp điều hành, giao những người thân tín của mình phụ trách, thực hiện việc điều chuyển dòng tiền thu lợi bất chính, hợp thức hoá để chi ngoài sổ sách cho các lãnh đạo thuộc tỉnh uỷ, UBND tỉnh, chủ đầu tư theo cơ chế do bà Nhàn đặt ra.
Cũng theo cáo trạng, Trần Đình Thành là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai từ năm 2004 đến năm 2015, có mối quan hệ quen biết Nguyễn Thị Thanh Nhàn từ năm 2003 khi Thành là Phó Bí thư, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt danh mục thiết bị y tế, bà Nhàn cùng Hoàng Thúy Nga, Phó Tổng GĐ AIC đến gặp Thành đề nghị được hỗ trợ, giới thiệu Nhàn, Nga với lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành, BV. Bị cáo Thành đồng ý và giới thiệu Nhàn, Nga với Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bồ Ngọc Thu, GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phan Huy Anh Vũ, GĐ BV tỉnh và một số người khác.
Năm 2010, khi Dự án BV có khó khăn về vốn đầu tư trang thiết bị y tế, qua trao đổi với Bồ Ngọc Thu, Trần Đình Thành đã điện thoại nhờ và được Nhàn đồng ý hỗ trợ tỉnh xin vốn.
Sau khi có QĐ 1872/QĐ-UBND ngày 21/7/2010 bổ sung phần thiết bị y tế vào Dự án, theo chỉ đạo của Nhàn, Nga đã gặp và mời Trần Đình Thành, Phan Huy Anh Vũ ăn trưa tại nhà hàng “Nhã Viên quán”. Tại đây, Trần Đình Thành giới thiệu Cty AIC và nói Phan Huy Anh Vũ tạo điều kiện thuận lợi cho Cty AIC tham gia đấu thầu thiết bị y tế.
Quá trình Cty AIC tham gia và trúng thầu, từ năm 2010 - 2015, Trần Đình Thành đã 6 lần nhận tổng số tiền 14,5 tỷ đồng do Nguyễn Thị Thanh Nhàn trực tiếp đưa tại Hà Nội và Đồng Nai.
Trong vụ án, cáo trạng xác định, bị cáo Đinh Quốc Thái quen viết Nhàn qua sự giới thiệu của Trần Đình Thành. Sau đó Nhàn nhiều lần gặp, nhờ Thái tạo điều kiện cho Cty AIC tham gia và trúng các gói thầu của Dự án BV Đồng Nai.
Năm 2010, Đinh Quốc Thái ký QĐ số 1872/QĐ-UBND ngày 21/7/2010 phê duyệt lại Dự án đầu tư xây dựng BV Đồng Nai, bổ sung phần đầu tư thiết bị y tế chuyên môn khi không có tài liệu, thẩm định của các cơ quan chuyên môn về danh mục và giá thiết bị y tế; không thông qua Hội đồng Nhân dân tỉnh trước khi phê duyệt.
Thái biết Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã hỗ trợ, giúp UBND tỉnh xin tăng vốn đầu tư dự án, quen thân với Trần Đình Thành nên phải tạo điều kiện cho Cty của Nhàn trúng thầu. Quá trình thực hiện dự án vào dịp lễ, Tết, Thái đã nhận 14 lần với tổng số tiền 14,5 tỷ đồng từ bị cáo Nhàn, để tạo điều kiện cho AIC được trúng các gói thầu thiết bị y tế của Dự án.
Phan Huy Anh Vũ là đại diện Chủ đầu tư, được giao quản lý Dự án, trực tiếp ký các hồ sơ từ giai đoạn chuẩn bị đấu thầu đến tổ chức đấu thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, nghiệm thu lắp đặt, thanh quyết toán… Quá trình thực hiện các gói thầu của dự án, Phan Huy Anh Vũ đã tạo điều kiện để Cty AIC trúng thầu trái pháp luật tại 16 hói thầu thiết bị y tế và nhận tổng số 14,8 tỷ đồng.
Minh họa điển hình cho lợi ích nhóm
Tại phiên xét xử, Viện Kiểm sát đã nhận định, trong những năm qua với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực... cùng với sự nỗ lực của các cấp các ngành, tổ chức chính trị xã hội, DN, báo chí và Nhân dân, công tác phòng chống tham nhũng đã có "những bước tiến mạnh mẽ".
Việc phát hiện, xử lý các vụ án về tham nhũng, kinh tế được thực hiện đồng bộ, triệt để không có vùng cấm, góp phần quan trong cho việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm tội phạm tham nhũng, kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội đất nước, củng cố niềm tin của Nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực mạnh mẽ trong xã hội.
Nhiều vụ án có quy mô đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện; nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, trong đó nhiều người phạm tội có chức vụ cao. Trong số đó, nhiều vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ được phát hiện đã chứng minh sự cấu kết thông đồng của các đối tượng, thể hiện lợi ích nhóm hay nhóm lợi ích.
"Vụ án này là minh hoạ điển hình cho lợi ích nhóm và nhóm lợi ích", đại diện Viện Kiểm sát đánh giá. Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa DN và người có thẩm quyền. Vì lợi ích vật chất, họ đã thực hiện hành vi trái pháp luật, tạo điều kiện để DN trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng.
Hành vi đó xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức của các cá nhân ở Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Sở ban ngành tỉnh Đồng Nai, làm cho một bộ phận công chức bị thoái hoá, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân.
Từ các nhận định trên, sau thời gian nghị án, HĐXX đã tuyên án Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty AIC, 14 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và 16 năm tù về “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hình phạt là 30 năm tù; Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai, 11 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; Phan Huy Anh Vũ, cựu GĐ BVĐK Đồng Nai, cựu GĐ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hình phạt cho cả 2 tội danh là 19 năm tù; Bồ Ngọc Thu, cựu GĐ Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai, 3 năm 6 tháng tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
(Còn nữa)
Công cuộc phòng chống tham nhũng qua các vụ án - Kỳ 1: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại