Công cuộc phòng chống tham nhũng qua các vụ án - Kỳ 1: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác bị cáo tại phiên tòa xét xử sai phạm tại Bộ Y tế với Cty Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị liên quan. |
Một “chuyến bay giải cứu” với 54 bị can bị đề nghị truy tố
Mới đây, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Cơ quan An ninh điều tra đã chuyển hồ sơ của vụ án này đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đề nghị truy tố 54 bị can trước pháp luật.
Và trong 54 bị can bị đề nghị truy tố, có 21 bị can cùng về tội “Nhận hối lộ”. Đáng nói, 21 bị can này đa phần là các cán bộ cấp cao trong các ban ngành Chính phủ, đó là Thứ trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng… cùng các đại sứ, cán bộ ngoại giao làm việc tại Nhật Bản, Malaysia, Nga, Angola. Không chỉ có sai phạm ở các bộ ngành, nhiều lãnh đạo địa phương cũng được xác định có liên quan đến chuyên án "chuyến bay giải cứu".
Theo kết luận điều tra, trong vụ án này, các bị can là cựu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã nhận tổng số tiền lên tới hơn 177 tỉ đồng.
Thời điểm xảy ra đại dịch, chủ trương nhân văn "chuyến bay giải cứu" của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và được coi như một dấu ấn ngoại giao.
Thế nhưng, chủ trương tốt đẹp ấy đã bị không ít cán bộ thoái hóa biến chất cấu kết với các cá nhân vụ lợi làm hoen ố. Họ bất chấp khó khăn trong đại dịch để biến nhu cầu hồi hương của đồng bào thành cơ hội kiếm chác.
Chính vì thế, quan điểm được quán triệt rõ ràng lúc đó là không khoan nhượng với những kẻ biến chất, vụ lợi, cho thấy sự kiên quyết làm trong sạch bộ máy, không để những "con sâu" lọt lưới...
Công – tội thế nào thì sau đó sẽ có đánh giá và định đoạt của Viện kiểm sát và tòa án Nhân dân các cấp. Nhưng, “chuyến bay giải cứu” hay vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có lẽ đi vào lịch sử tố tụng cả về tính chất, quy mô, sự phức tạp trong phạm tội cũng như phức tạp, khó khăn khi điều tra.
Đây cũng là một trong những vụ án được đưa ra ánh sáng với số lượng bị cáo giữ các cương vị cao rất lớn. Đó như một vụ án minh chứng cho quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng ta, đúng như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tiêu cực ngày 12/2/2023: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, chúng ta làm một cách rất bài bản, thuyết phục."
Liên tiếp các Thứ trưởng ra hầu tòa
Không chỉ khi có vụ án “chuyến bay giải cứu” công luận mới thấy các lãnh đạo cấp cao bị truy tố, mà trước đó, trong nhiều vụ đã được tòa án Nhân dân các cấp đưa ra xét xử, nhiều bị cáo phụ trách các bộ ngành đã rơi vào vòng lao lý.
Tháng 5/2022, cựu Thứ trưởng Bộ y tế Trương Quốc Cường cùng 14 bị cáo trong vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Cty VN Pharma được TAND Tp Hà Nội đưa ra xét xử. Đây là một trong những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và yêu cầu phải hoàn tất điều tra, truy tố, đưa ra xét xử trong quý II/2022.
Theo HĐXX, vụ án này có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hàng hóa giả bị buôn bán về Việt Nam là mặt hàng thuốc dùng chữa bệnh cho người, thuộc nhiều chủng loại, đa phần là kháng sinh điều trị nhiễm trùng nặng.
“Đây là mặt hàng đặc biệt, do Nhà nước độc quyền quản lý. Các bị cáo có sự câu kết chặt chẽ, hành vi gây dư luận bất bình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách chăm sóc sức khỏe của Nhà nước với Nhân dân, làm giảm uy tín của ngành y tế” - bản án nêu.
Trong vụ án này, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị buộc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. HĐXX nhận định, bị cáo Trương Quốc Cường, nguyên cựu Thứ trưởng Bộ y tế đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao; thiếu giám sát, thiếu kiểm tra nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc; đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc khi hồ sơ không đủ điều kiện. Đặc biệt, bị cáo không quyết liệt chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy các loại thuốc giả dù nhiều cơ quan đã có cảnh báo.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Cường 4 năm tù giam.
Tiếp đó, tháng 11/2022, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang ra hầu tòa với tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bộ Y tế, Cty dược phẩm Cửu Long và các đơn vị liên quan.
Tại phiên tòa, HĐXX nhận định, các bị cáo là cựu cán bộ tại Bộ Y tế giữ nhiều chức vụ trong cơ quan nhà nước, được giao trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng tài sản công nhưng thiếu ý thức trong việc nghiệm thu thanh quyết toán hợp đồng, kiểm tra, rà soát đối chiếu đánh giá thực hiện hợp đồng dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước 3,84 triệu USD (tương đương 62 tỉ đồng năm 2006).
Cựu thứ trưởng Cao Minh Quang được giao làm trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan thuốc Tamiflu, nguyên liệu và thuốc Oseltamivir. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, sau khi kiểm tra các vấn đề liên quan, ông Quang phát hiện Cty dược phẩm Cửu Long còn nợ nhà cung cấp hơn 3,8 triệu USD nhưng không chỉ đạo tiếp tục làm rõ.
Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Cao Minh Quang 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
(Còn nữa)
Không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm giao thông | |
Không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm PCCC |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại