Công bố mức giá thuốc điều trị Covid-19 và những điều cần lưu ý
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCông bố giá bán thuốc điều trị Covid-19 do Việt Nam sản xuất |
Thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir được thử nghiệm tại 51 tỉnh, TP
Cụ thể, thuốc Molravir 400 (hoạt chất Molnupiravir 400mg) của Cty CP Dược phẩm Boston Việt Nam được bào chế dạng viên nang cứng có giá là 11.500 đồng/viên. Dạng hộp có 1, 2, 5 vỉ x 10 viên/vỉ. Giá của thuốc Movinavir (Molnupiravir 200 mg) dạng viên nang của Cty CP hóa - dược phẩm Mekophar có giá 8.675 đồng/viên. Dạng hộp 10 vỉ x 10 viên. Giá của thuốc Molnupiravir Stella 400mg (Molnupiravir 400 mg) của Cty TNHH liên doanh Stellapharm chi nhánh 1, có giá 12.500 đồng/viên (dạng viên nang cứng), mỗi hộp 1 vỉ hoặc 2 vỉ x 10 viên.
Ngày 17-2, Cục Quản lý Dược đã cấp giấy phép lưu hành có điều kiện cho thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir 400 mg do Cty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất; thuốc Molravir 400 mg của Cty CP dược phẩm Boston Việt Nam và Movinavir của Cty CP hóa- dược phẩm Mekorpha.
Thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir được thử nghiệm lâm sàng cho khoảng 80.000 bệnh nhân tại 51 tỉnh, TP trên cả nước. Kết quả được Bộ Y tế công bố khi điều trị F0 trong cộng đồng cho thấy, Molnupiravir có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.
Bộ Y tế cũng cho biết, thuốc kháng virus Molupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.
Đừng tiếp tay cho thuốc giả, thuốc nhập lậu
Trên thị trường hiện nay, rất nhiều cửa hàng thuốc đang bán và tư vấn nhiệt tình cho người mua các loại thuốc điều trị Covid-19 có xuất xứ nước ngoài như Mỹ, Nga, Trung Quốc... kèm quảng cáo các loại thuốc này đang rất được ưa chuộng. Khá nhiều nhà thuốc giới thiệu thuốc có tên Areplivir và tư vấn thuốc này do Nga sản xuất, có khả năng phòng chống lây nhiễm và điều trị hiệu quả Covid-19, có giá 2,9 triệu đồng/hộp. Bên ngoài vỏ những loại thuốc này đều in chữ nước ngoài, không có nhãn phụ nên liều lượng và cách sử dụng thế nào đều do người bán thuốc chỉ định.
Trên chợ mạng, việc bày bán các loại thuốc điều trị Covid-19 cũng diễn ra tràn lan. Các thuốc “xách tay” này còn được rao bán trực tiếp trên các hội nhóm, “chợ thuốc” trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… Với hàng trăm tin bài, hình ảnh về các loại thuốc được chào bán công khai với đủ các mức giá từ 300 nghìn cho đến hàng triệu đồng/hộp. Chính vì vậy, người dân rất dễ tiếp cận, tìm mua trong khi nguồn gốc xuất xứ và tác dụng không rõ ràng.
Cuối tháng 8-2021, Đội Quản lý thị trường số 15 - Cục quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với CA quận Hoàng Mai phát hiện đối tượng tập kết, kinh doanh 50 hộp thuốc ARBIDOL 10 viên/hộp và 3 hộp thuốc AREPLIVIR 40viên/hộp tại khu vực sân trước sảnh tòa CT16 khu đô thị Định Công. Đối tượng bị phát hiện không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến lô thuốc trên và khai nhận số thuốc trên là thuốc ức chế virus, tăng cường đề kháng, giảm tối đa lây nhiễm Covid-19 và thuốc điều trị Covid-19 tại Nga được đối tượng này mua qua mạng xã hội. Trong đó thuốc ARBIDOL được mua với giá 180 nghìn đồng/hộp, thuốc AREPLIVIR được mua với giá 2,9 triệu đồng/hôp mục đích để bán lại kiếm lời.
Liên tiếp đầu năm 2022, tại nhiều tỉnh thảnh đã thu giữ rất nhiều thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc. Tháng 1-2022, Cục Quản lý thị trường TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế CA TP HCM kiểm tra tại một căn nhà trên đường Huỳnh Tấn Phát, khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè phát hiện và thu giữ tổng cộng 22.800 viên thuốc tân dược, được quảng cáo điều trị Covid-19 như: Molnupiravir Capsules Molnatris Mylan; Molnupiravir 800mg Tablets; Moluzen 400; Molnupiravir Capsules 200mg; Molaz Azista… Vào ngày 20-2, tại tuyến đường Đinh Tất Miễn, phường Đông Thành, TP Ninh Bình, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế, CA tỉnh Ninh Bình và CA TP Ninh Bình đã phát hiện xe ôtô BKS: 29H - 107.46 do Nguyễn Bá Hợp, sinh năm 1989, ở phường Phú La, quận Hà Đông, TP Hà Nội điều khiển. Kiểm tra, tổ công tác phát hiện, xe của Hợp vận chuyển số lượng lớn thuốc tân dược, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng “hành động dựa trên thông tin sai lệch có thể trả giá bằng cả tính mạng”. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng cho biết, việc mua, bán, sử dụng các thuốc chưa được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch, tiếp tay cho nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu. Vì thế, người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội và các loại thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại