Công bố kỷ lục quốc gia và tôn vinh 6 tác giả thơ Lục Bát
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Hoàng Thái Tuấn Anh - Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục Đông Dương, Trưởng Đại diện Miền Bắc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố quyết định công nhận Kỷ lục Việt Nam tới nhà thơ Đặng Vương Hưng |
Ban tổ chức cho biết, Lục Bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống của Việt Nam, mà còn là hồn quê, là văn hóa cội nguồn và tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo, từ bao đời cha ông truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau. Lục Bát là một thể loại ca từ “xương sống”, có mặt trong tất cả các làn điệu dân ca, ca dao Bắc – Trung – Nam.
Đã là người Việt Nam, thì không ai là không thuộc một đôi câu dân ca, ca dao bằng thơ Lục Bát. Và dù sinh sống ở đâu trên thế giới, thì từ sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt Nam đều có những lời ru của mẹ từ thuở ấu thơ, đều có những câu ca dao đằm thắm bay lên từ nắng gió đồng quê; đó là hành trang theo ta đi suốt cuộc đời, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng như gia đình và nguồn cội.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, có 6 tác giả Lục Bát được cộng đồng tôn vinh. Họ là những người tiêu biểu cho việc thầm lặng “giữ lửa” cho thơ Lục Bát trong nhiều năm qua và là những cây bút sung sức trong việc sáng tác Lục Bát đương đại…
Nhà thơ Đặng Vương Hưng – người sáng lập Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam, đang sở hữu 4 Kỷ lục Quốc gia, trong đó có 2 Kỷ lục về Lục Bát:
Đã hàng chục năm qua, nhà thơ Đặng Vương Hưng (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là tác giả của hơn 50 cuốn sách với nhiều thể loại, trong đó có 10 tập thơ) được bạn đọc xem là người sáng lập Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam, với việc xây dựng website Lục Bát Việt Nam từ năm 2008 và Nhóm Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội Facebook với hơn 35.000 thành viên, đã tổ chức Ngày hội Lục Bát hàng chục năm liên tục bằng kinh phí xã hội hoá hàng tỷ đồng.
Nhờ vậy, năm 2019, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục vinh danh: Nhà thơ Đặng Vương Hưng - người tổ chức Ngày hội Lục Bát Việt Nam nhiều năm liên tục nhất. Trước đó, ông đã được Tổ chức Kỷ lục vinh danh: “Nhà văn Việt Nam đầu tiên tổ chức sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam” và xác lập kỷ lục: “Nhà văn chủ biên bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” có số trang nhiều nhất”.
Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Chủ tịch TƯ Hội Kỷ lục Gia Việt Nam; ông Hoàng Thái Tuấn Anh - Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục Đông Dương, Trưởng Đại diện Miền Bắc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tặng Kỷ lục Việt Nam tới nhà thơ Đặng Vương Hưng |
Năm 2021, với việc xuất bản tác phẩm “Lục Bát mỗi ngày” dày 1.248 trang khổ lớn, công trình đã đánh dấu chặng đường 40 năm sáng tác thơ Lục Bát (1980 – 2020) của nhà thơ mặc áo lính Đặng Vương Hưng. Dù có dung lượng ngàn trang khổ lớn, nhưng 2 lần in và tái bản, hơn 2.000 cuốn sách đã được phát hành hết qua mạng xã hội, hàng vạn bản pdf ruột của tác phẩm này đã được người yêu thơ Lục Bát trong và ngoài nước chia sẻ miễn phí…
Đặc biệt, công trình “Lục Bát mỗi ngày” của nhà thơ Đặng Vương Hưng đã được Hội Nhà văn Hà Nội tặng Giải thưởng Văn học của năm. Cuốn sách đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của Hội đồng xét giải cùng dư luận bạn đọc và xã hội. Và năm 2022, với công trình “Lục Bát mỗi ngày” - Tác phẩm thơ Lục Bát được Giải thưởng Văn học có số trang nhiều nhất Việt Nam, một lần nữa nhà thơ Đặng Vương Hưng lại được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh.
Nhà thơ, Kỷ lục gia Trương Nam Chi – người sáng lập Câu lạc bộ Lục Bát Sài Gòn và “giữ lửa” cho Website Lục Bát Việt Nam.
Là con gái của cố soạn giả Trương Phú Xuân (1930 - 2009), nhà thơ Trương Nam Chi quê gốc Quảng Nam, sinh tại Thanh Hoá, lớn lên ở Hà Nội và hiện là Hội viên Hội Nhà văn TP HCM. Chỉ trong khoảng 10 năm qua, chị đã cho xuất bản hơn chục tập sách, hầu hết là thơ Lục Bát.
Đặc biệt, gần 100 bài thơ của Trương Nam Chi được các nhạc sĩ chuyên nghiệp phổ nhạc, phối khí và ca sĩ thể hiện. Đó là chưa kể hàng chục bài ca vọng cổ, tân cổ của chị đã được các ca sĩ và tài tử biểu diễn… Nhiều tác phẩm trong số đó cũng đã được dàn dựng và phát trên sóng của Đài Truyền hình TP HCM, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM.
Năm 2018, chị đã vinh dự được tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh: Người biên soạn bộ sách Lộc Phát (Lục Bát) 12 tập, với số trang nhiều nhất.
Nhà thơ Trương Nam chi cũng là người sáng lập và thường trực duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Lục Bát Sài Gòn. Đặc biệt, đã 14 năm liên tục, chị âm thầm lặng lẽ đảm nhiệm trọng trách Trưởng Ban biên tập của website Lục Bát Việt Nam. Với sự góp mặt, cộng tác của hàng ngàn tác giả, cả trong và ngoài nước. Đó thực sự như là một thư viện Lục Bát trên không gian mạng, lưu giữ hàng vạn bài thơ và nhiều bài viết nghiên cứu chuyên sâu về Lục Bát của các tác giả gần xa.
Ban tổ chức tặng hoa cho các tác giả được vinh danh |
Nhà thơ Đặng Cương Lăng – người có duyên với giải thưởng nhiều cuộc thi sáng tác Lục Bát:
Sinh năm 1956, quê Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Từng làm việc tại Vụ Kế hoạch - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhà thơ Đặng Cương Lăng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Ông đã xuất bản 16 tập sách, hầu hết là thơ Lục Bát.
Là một trong những thành viên tham gia website lucbat.com sớm nhất, Đặng Cương Lăng không chỉ là người đam mê thể thơ truyền thống của dân tộc, mà còn tìm mọi cách để quảng bá Lục Bát qua việc tự đầu tư kinh phí, tổ chức các sự kiện giới thiệu sách mới, tác phẩm mới. Đặc biệt, nhà thơ Đặng Cương Lăng đã tham dự nhiều cuộc thi sáng tác. Có lẽ chính vì thế mà Đặng Cương Lăng đã dành được tới 14 giải thưởng, trong đó có 10 giải cao nhất của nhiều cuộc thi.
Tác giả Nguyễn Quỳnh – người “giữ lửa” cho Nhóm Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội Facebook. Là một tác giả trẻ, sinh trưởng tại miền quê quan họ, Nguyễn Quỳnh là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh. Chị đã xuất bản 2 tập thơ: “Khúc vọng hồn quê” (NXB Hội Nhà văn, 2019) và “Về với ruộng đồng (NXB Văn học, 2022). Nguyễn Quỳnh là một cây bút viết khoẻ, thường xuyên và liên tục cho đăng tải những sáng tác mới, được các bạn viết, bạn đọc đón nhận và bình luận rất sôi nổi. Hàng chục bài thơ của chị cũng đã được các nhạc sĩ phổ nhạc thành ca khúc.
Đặc biệt, đã hơn 4 năm nay, Nguyễn Quỳnh là quản trị viên thường trực điều hành của nhóm biên tập Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội Facebook phát triển nhanh chóng với hơn 35.000 thành viên. Họ là những tác giả và người yêu thơ Lục Bát ở khắp mọi miền đất nước và cả người Việt ở nước ngoài. Tận dụng lợi thế phổ cập và tương tác nhanh nhạy của mạng xã hội, nhóm đã góp phần kết nối hàng vạn người cùng sở thích yêu thơ Lục Bát gần xa.
Đại tá, cựu chiến binh Trần Trọng Giá, sinh năm 1950 tại Nho Quan tỉnh Ninh Bình, Đại tá, cựu chiến binh Trần Trọng Giá, nguyên Trưởng phòng của Quân khu Thủ đô, là một “fan cứng” của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từ khi còn là sinh viên và đặc biệt say mê sáng tác Lục Bát. Từ ngày về nghỉ hưu, ông coi sáng tác thơ Lục Bát là niềm vui, là ý nghĩa cuộc sống của chính mình.
Trần Trọng Giá đã liên tục cho xuất bản 2 tập thơ: “Lặng thầm” (NXB Hội Nhà văn, 2020) và mới đây là “Gửi lại dòng sông” (NXB Văn học, 2022) với 168 bài Lục Bát. Những năm gần đây, Trần Trọng Giá đã thực hiện “ăn ngủ với Lục Bát”, tự nguyện nhận trách nhiệm là kiểm duyệt viên của Nhóm Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội Facebook. Ông không chỉ đọc, sàng lọc, phê duyệt hiển thị cho những bài đạt chất lượng cả nội dung và mỹ thuật ảnh minh hoạ, mà còn là một cây bút viết rất nhanh và khoẻ.
Đại tá, cựu chiến binh Lương Văn Khánh, sinh 1952 tại Hưng Yên, nguyên Trưởng phòng Xử lý tín hiệu Radar của Viện Khoa học Công nghệ Quân sự - Bộ Quốc phòng. Đại tá Lương Văn Khánh từng là lính bộ binh trực tiếp tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, là người đam mê thơ ca và hoạt động phong trào câu lạc bộ.
Hiện ông là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ ca di sản Đoàn Thị Điểm - Hưng Yên. Năm 2022 là lần thứ 2, Câu lạc bộ Thơ ca di sản Đoàn Thị Điểm - Hưng Yên đăng cai tổ chức Ngày hội Lục Bát. Công việc được chuẩn bị trước hàng tháng trời, để kết nối, mời hàng chục câu lạc bộ Thơ đến từ nhiều vùng miền trên cả nước về dự, với kinh phí xã hội hoá hàng trăm triệu đồng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại