Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn tinh vi của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) triệt phá thành công nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với chiêu trò “bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng 10-20%”. Ảnh: Đạt Lê |
Tại Công văn số 10467/CAHN-PC02, Công an TP Hà Nội đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền tới đông đảo người dân nâng cao kiến thức, tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa nhằm tránh nguy cơ mắc "bẫy" của các tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông gửi tin nhắn SMS đến người dân đang cư trú trên địa bàn TP Hà Nội để cảnh báo, nội dung: “Công an TP Hà Nội cảnh báo: Hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang diễn biến phức tạp. Đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm việc với các cá nhân, tổ chức nào qua điện thoại, không tải các đường link, phần mềm giả mạo cơ quan, Ngân hàng để nhập thông tin cá nhân, số CCCD, số tài khoản ngân hàng, mã OTP.
Các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, xử lý tội phạm đều được tiến hành trực tiếp, không thông qua điện thoại, mạng xã hội gửi thông báo, tin nhắn yêu cầu đến người dân. Khi phát hiện thông tin nghi vấn thì trình báo ngay với Cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết”.
Đồng thời, tuyên truyền tới người dân nhận diện 24 thủ đoạn tinh vi của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn 1: Các đối tượng gọi điện cho người dân, tự giới thiệu là cán bộ của các cơ quan nhà nước (cán bộ địa chính, văn phòng đăng ký đất đai, cảnh sát khu vực...) yêu cầu người dân kê khai, bổ sung thông tin CCCD, tài khoản định danh điện tử... hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng, truy cập website giả mạo, sau đó chiếm quyền sử dụng thiết bị, tài khoản ngân hàng của người bị hại và chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản đến các tài khoản khác để chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ 2: Các đối tượng đăng bài quảng cáo trên các mạng xã hội (Facebook, Telegram, Tinder…) với nội dung chào mời tham gia các hội, nhóm, câu lạc bộ hẹn hò, quan hệ nam nữ… Yêu cầu người bị hại tham gia mua các gói sử dụng dịch vụ, nâng cấp tài khoản, thực hiện nhiệm vụ bình chọn cho gái mại dâm trá hình trên các website do đối tượng tạo lập, có máy chủ đặt tại nước ngoài… Sau đó lấy nhiều lý do để yêu cầu người bị hại chuyển tiền thực hiện các nhiệm vụ rồi chiếm đoạt. Ngoài ra, các đối tượng còn dụ dỗ người bị hại trao đổi video, hình ảnh khỏa thân... và sử dụng các hình ảnh này để đe dọa, cưỡng đoạt tài sản của người bị hại.
Thủ đoạn thứ 3: Đối tượng đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại. Ngoài ra, đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn tinh vi yêu cầu chuyển tiền thông qua hình thức giả cuộc video từ việc cắt ghép thông tin cá nhân của người dùng khi đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội thông qua công nghệ “Deepfake” (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo). Khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng sẽ phát lại video dưới hình thức mờ ảo, chập chờn như đang ở nơi sóng yếu làm cho người dân tin tưởng là thật và chuyển tiền cho đối tượng chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ 4: Đối tượng đăng tin có nội dung tuyển dụng việc làm online, với hình thức “việc nhẹ, lương cao” trong các hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook, Telegram... hoặc nhắn tin đến máy điện thoại của các bị hại. Bằng thủ đoạn giả danh nhân viên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki... để tuyển dụng, giao việc và yêu cầu bị hại ứng tiền chuyển khoản thanh toán các đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử và chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ 5: Đối tượng tự lập công ty chứng khoán, website tổ chức kinh doanh sàn ngoại hối (forex), tiền điện tử (altcoin) giả (thực tế không có hoạt động kinh doanh gì) để thực hiện hành vi lừa đảo.
Thủ đoạn thứ 6: Đối tượng lừa đảo thông qua các trang mạng xã hội đăng tải thông tin: “Tuyển người mẫu nhí từ 2 - 15 tuổi. Thu nhập tại gia cùng bé từ 7 - 15 triệu đồng/tháng, hoa hồng hấp dẫn”. Phụ huynh chỉ cần có Zalo, thẻ ngân hàng để đăng ký làm việc, nhận lương và được yêu cầu kết bạn Zalo với đối tượng xưng là nhân viên bộ phận nhân sự. Để bé được xét tuyển chính thức, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân hoàn thành các “nhiệm vụ mua sản phẩm”, thực hiện chuyển tiền, từ đó chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ 7: Đối tượng mạo danh nhân viên nhà mạng gọi điện, nhắn tin cho chủ thuê bao đe dọa khóa sim điện thoại do chủ thuê bao chưa “chuẩn hóa thông tin hoặc lấy lý do hỗ trợ khách hàng nâng cấp SIM từ 3G lên 4G, yêu cầu khách hàng làm theo cú pháp, truy cập đường link do chúng cung cấp. Mục đích chiếm quyền sử dụng số điện thoại để phá bảo mật, nhận mã OTP từ nhà cung cấp dịch vụ hay ngân hàng để có thể bẻ khóa, xâm nhập chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Thủ đoạn thứ 8: Thông qua mạng xã hội Facebook (tin nhắn Messenger), đối tượng giới thiệu là người nước ngoài kết bạn, làm quen với nạn nhân, nhằm tán tỉnh, yêu đương, rồi đề nghị chuyển quà như trang sức, mỹ phẩm và ngoại tệ số lượng lớn qua đường hàng không về Việt Nam để làm quà tặng; tiếp theo đối tượng khác giả danh nhân viên sân bay, nhân viên giao hàng… yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng với lý do làm thủ tục nhận hàng, nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn thứ 9: Lừa đảo cho số đánh lô, đánh đề. Đối tượng gọi điện đến các thuê bao di động, hoặc qua mạng xã hội giới thiệu là có người nhà làm trong các công ty xổ số có khả năng biết trước kết quả, sau đó đối tượng gửi số lô, số đề; hứa cung cấp tiền để nạn nhân mua số lô, số đề, chia phần trăm hoa hồng cho đối tượng; sau đó đối tượng thông tin hết tiền, đề nghị nạn nhân ứng tiền mua số lô, số đề. Nếu may mắn trúng số lô, số đề, nạn nhân gửi tiền hoa hồng cho đối tượng và bị chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ 10: Đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo có chương trình tri ân khách hàng, đề nghị nạn nhân cung cấp số điện thoại đăng ký dịch vụ internet banking và mã xác thực OTP (là mã do ngân hàng cung cấp để thực hiện giao dịch chuyển nhận tiền). Sau khi nạn nhân cung cấp các thông tin này, chúng chiếm quyền sử dụng dịch vụ internet banking và chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân sang tài khoản chúng đã chuẩn bị trước để chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ 11: Đối tượng tạo ra các ứng dụng, website cho vay tiền, quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Zalo) với mục đích tìm người muốn vay tiền để thực hiện hành vi lừa đảo.
Thủ đoạn thứ 12: Đối tượng tạo lập các trang, tài khoản mạng xã hội (chủ yếu trên Zalo, Facebook), sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng, cung cấp những nội dung không có thật về cơ quan, tổ chức, cá nhân đang gặp hoàn cảnh khó khăn cần sự hỗ trợ, giúp đỡ; cung cấp tài khoản ngân hàng, đề nghị, kêu gọi chuyển tiền trợ giúp. Nếu người muốn trợ giúp chuyển tiền thì bị đối tượng chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ 13: Đối tượng lập các hộp thư điện tử tương tự gần giống (có thể thêm, bớt một vài chữ, số...) với hộp thư điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất có thực hiện các giao dịch bằng thư điện tử, mạo danh đối tác sau đó liên hệ đề nghị các tổ chức, cá nhân chuyển tiền thanh toán hợp đồng vào tài khoản ngân hàng của đối tượng và chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ 14: Đối tượng sử dụng thông tin cá nhân giả mạo đăng ký các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo), sau đó, tìm kiếm những người bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội để kết bạn và nhắn tin mua hàng “ảo”.
Thủ đoạn thứ 15: Đối tượng giả danh là nhân viên của đơn vị phát hành thẻ tín dụng, gọi điện thoại tư vấn các chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt qua phần mềm; sau khi nạn nhân đồng ý, các đối tượng yêu cầu chụp hình 2 mặt thẻ tín dụng và cung cấp mã OTP; sau đó chúng thực hiện quẹt thẻ thông qua các gian hàng trên 1 website để chuyển đổi tiền từ thẻ của nạn nhân sang tài khoản ví điện tử của các đối tượng để chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ 16: Các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi điện cho bị hại tự xưng là nhân viên Bưu điện, Bưu cục, Trung tâm y tế, Cảnh sát... thông báo về việc người bị hại đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND đăng ký mở tài khoản ngân hàng, liên quan đến các vụ án, vụ việc vi phạm luật giao thông đường bộ.... Kịch bản sau đó nối máy cho bị hại nói chuyện với một số đối tượng khác giả danh cán bộ đang công tác tại các Cơ quan Tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) để “thao túng tâm lý” người bị hại, yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tài khoản, mã OTP, chuyển tiền, nếu không thực hiện đe dọa bị khởi tố, bắt tạm giam.
Thủ đoạn thứ 17: Đối tượng lừa mua xe gắn máy, laptop, đồ dùng công nghệ… giá rẻ: sử dụng mạng Zalo, Facebook, sim không chính chủ lập trang mạng bán xe máy, laptop rẻ, hàng trốn thuế, đánh vào tâm lý ham rẻ của người dân, khi người dân liên hệ đăng ký mua, chúng sẽ yêu cầu chuyển một số tiền nhất định (số tiền đặt cọc), sau đó thông báo, thời gian giao hàng. Gần đến thời gian giao hàng chúng sẽ lấy lý do thuyết phục yêu cầu người bị hại chuyển thêm tiền để làm thủ tục, giấy tờ, sau khi người bị hại chuyển tiền xong sẽ chiếm đoạt và chặn số liên lạc.
Thủ đoạn thứ 18: Đối tượng lập ra các Fanpage trên mạng xã hội Facebook, đăng tải thông tin, hình ảnh về các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài đang được giảm giá để thu hút khách hàng. Lấy lý do hàng nhập khẩu, phải đặt cọc, không nhận COD (dịch vụ giao hàng thu tiền hộ), đối tượng yêu cầu khách mua hàng phải thanh toán tiền trước hoặc đặt cọc 50% giá trị sản phẩm, chuyển tiền vào các số tài khoản ngân hàng đối tượng cung cấp. Tuy nhiên, sau khi khách hàng chuyển tiền, đối tượng không giao hàng như cam kết, chặn facebook và ngắt liên lạc để chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Thủ đoạn thứ 19: Giả mạo trang thông tin ngân hàng uy tín với nội dung thông báo thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người dân tại các ngân hàng này đã bị khóa, đề nghị truy cập theo đường link để xác thực. Đường link các đối tượng cung cấp trong tin nhắn là địa chỉ giả mạo, có cấu trúc, nội dung gần giống địa chỉ website thật của ngân hàng... để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chuyển tiền trong tài khoản của bị hại đến tài khoản khác để chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ 20: Đối tượng gửi thông báo cho người dân may mắn đã trúng thưởng chương trình quay thưởng của một Công ty, tổ chức nào đó và yêu cầu người dân liên kết thẻ ngân hàng, đăng nhập vào đường link, nhập số tài khoản, mã OTP để nhận tiền; yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng chuẩn bị trước hoặc mua các thẻ cào điện thoại để chuyển cho chúng làm thủ tục nhận thưởng, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn thứ 21: Đối tượng tham gia vào các nhóm phụ huynh có con em đang học tại các trường điểm trên địa bàn TP. Các đối tượng lập các group dạy thêm, học thêm, đăng thông tin của những thầy cô nổi tiếng, có uy tín trong trường; đưa ra các khoá học, chương trình dạy học, khoá luyện thi vào các trường nổi tiếng, trường điểm. Sau khi phụ huynh đăng ký, các đối tượng yêu cầu phụ huynh chuyển một số tiền nhất định để đóng tiền cọc khoá học, đóng tiền học phí, từ đó chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ 22: Đăng các tin trên mạng xã hội quảng cáo giới thiệu tham gia Chương trình trại hè/khóa học ngoại khóa của các cơ quan, tổ chức (VietNamAirline…) cho học sinh tham gia trong kỳ nghỉ hè. Sau đó, đối tượng yêu cầu người bị hại tham gia thực hiện "nhiệm vụ chuyển tiền" có hưởng lợi nhuận để hoàn thành thử thách đăng ký và chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ 23: Đối tượng giả danh là giáo viên, nhân viên y tế hoặc các cơ quan chức năng khác gọi điện cho phụ huynh học sinh, thông báo con em của họ bị tai nạn, đang đi cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền hòng chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ 24: Đối tượng gọi điện thoại cho phụ huynh học sinh thông báo học sinh đã mua hàng của đối tượng nhưng còn nợ tiền và yêu cầu phụ huynh phải chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để trả tiền cho đối tượng.
Cuối năm, cảnh giác với “ma trận” việc làm ảo trên mạng xã hội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại