Còn 31 nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhà cao tầng chứa đựng nguy cơ cháy nổ cao, ảnh minh hoạ |
Cụ thể, số vụ cháy tại các công trình chung cư, nhà cao tầng năm 2020 trên địa bàn thành phố đã giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2018. 5 tháng đầu năm 2021, số vụ cháy ở loại hình công trình này cũng giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2020, số cơ sở bảo đảm các điều kiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã tăng 86,3% so với năm 2019; số chung cư, nhà cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng cũng giảm 60% so với năm 2019.
Có được kết quả trên là do các cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp bảo đảm tuân thủ quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng chung cư, nhà cao tầng.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, quận đã tập trung kiểm tra 8 lĩnh vực, trong đó có công tác xây dựng, tổ chức quản lý, vận hành nhà chung cư, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại 87 cụm chung cư đã đưa vào sử dụng và 13 công trình đang xây dựng. Việc làm này góp phần nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị trong thực hiện quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng, vận hành chung cư, phòng ngừa cháy, nổ.
Bà Đàm Thị Hương Ngần, Tổ trưởng tổ dân phố số 16, Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ, Tổ dân phố, ban quản trị chung cư đã thống nhất với chủ đầu tư, ban quản lý vận hành khu chung cư triển khai tuyên truyền qua hệ thống loa nội bộ, màn hình quảng cáo có sẵn tại các tòa nhà; đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho người dân các khu chung cư trên địa bàn.
Cùng quan điểm, bà Vũ Thị Lan, tòa nhà Hà Nội Center Point, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho hay, mỗi năm người dân trong tòa nhà được tuyên truyền, tập huấn 2 lần về phòng cháy, chữa cháy. Bà nắm vững các kiến thức cơ bản để bảo đảm an toàn khi cháy, nổ xảy ra, đồng thời có ý thức cao hơn về phòng ngừa cháy, nổ trong sinh hoạt và làm việc.
Bên cạnh đó, Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, cho rằng, vẫn còn nhiều tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư, nhà cao tầng, phổ biến, như: Đưa công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; chưa trang bị đầy đủ hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy... Ngoài ra, vẫn còn chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện còn 31 nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng, đưa công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu; 829 cơ sở còn tồn tại, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong quá trình hoạt động có thể khắc phục được.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn đã yêu cầu các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm, kiên quyết không để phát sinh các công trình chung cư, nhà cao tầng vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng. Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để phát sinh các công trình chung cư, nhà cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thông tin, thời gian tới, Công an thành phố sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Trong đó, tiến hành thu thập hồ sơ, tài liệu để nghiên cứu, đề nghị xử lý hình sự chủ đầu tư 9 công trình vi phạm, gồm: Tòa nhà CT4 - Văn Khê, các chung cư: CT5AB, CT6 - Văn Khê, 89 Phùng Hưng, CT1 Usilk City (quận Hà Đông); chung cư CT3A (quận Nam Từ Liêm); nhà ở nhiều hộ gia đình số 76 Cự Lộc (quận Thanh Xuân); các tòa nhà: Capital Garden (quận Đống Đa), Discovery Complex (quận Cầu Giấy). |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại