Thứ tư 17/04/2024 05:02
Vụ chiếm giữ hơn 400m2 đất của gia đình bị án ở huyện Thạch Thất, Hà Nội

Có dấu hiệu dùng bộ giấy tờ giả để chiếm giữ đất?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các cơ quan tố tụng đều khẳng định, bà Tạ Thị Hợi đã dùng 3 bộ giấy tờ giả để thế chấp cho các bị hại, hợp đồng vay tiền bị vô hiệu. Bị cáo bị tuyên phạt 15 năm tù và phải trả lại bị hại số tiền bị cáo đã vay. Song, phía bị hại lại có dấu hiệu dùng bộ giấy tờ này để chiếm giữ đất của gia đình bị án?
Bản án tuyên phạt bị cáo Tạ Thị Hợi 15 năm tù và phải trả lại số tiền đã vay cho các bị hại
Bản án tuyên phạt bị cáo Tạ Thị Hợi 15 năm tù và phải trả lại số tiền đã vay cho các bị hại

Giấy tờ thế chấp để vay tiền đều là giả

Như PL&XH đã thông tin, năm 1995, chồng của bị án Tạ Thị Hợi là ông Phùng Ngọc Thắng có mua của ông Ngô Văn Phục thửa đất có diện tích 506m2, ở thôn Thái Bình, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất. Giấy tờ chứng minh việc mua bán chuyển nhượng trên gồm Đơn xin chuyển nhượng đất và Biên bản (chuyển nhượng) giao đất làm nhà ở và sản xuất giữa ông Ngô Văn Phục và ông Phùng Ngọc Thắng.

Cuối năm 2009, ông Thắng mất, bà Hợi tìm trong tủ thấy 4 bộ giấy giờ chứng minh việc mua bán chuyển nhượng của thửa đất trên, trong đó có 3 bộ là giả. Sau đó, bà Hợi đã chuyển nhượng một phần đất cho người khác. Gia đình bà Hợi tiếp tục quản lý và sử dụng diện tích hơn 400m2 đất còn lại. Năm 2011, do cần tiền để trả nợ nên bà Hợi đã dùng 3 bộ hồ sơ giả để thế chấp cho 3 người để vay tiền. Khi đem thế chấp, bà Hợi đều khẳng định bộ giấy tờ đó là bản gốc. Sau khi vay được tiền, bà Hợi không trả và chiếm đoạt tiền của họ.

Trong quá trình điều tra, ngày 9/4/2013, ông P.G, trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai nộp cho CQCSĐT CA thị xã Sơn Tây 01 “Biên bản (chuyển nhượng) giao đất làm nhà ở và sản xuất” và giấy biên nhận tiền do bà Hợi viết khi vay tiền của ông P.G. Ông P.G khai đây là giấy tờ đất của bà Hợi dùng để thế chấp vay tiền của ông. Kết quả giám định xác định, “Biên bản (chuyển nhượng) giao đất làm nhà ở và sản xuất” là giả; chữ viết, chữ ký trên 03 giấy vay tiền là do bà Hợi viết và ký.

Theo Bản án số 478/2015/HSST của TAND TP Hà Nội, cuối năm 2011, bà Hợi đã hỏi vay ông P.G tiền và dùng bộ giấy tờ chứng minh việc mua bán đất thửa đất ở xã Bình Yên để thế chấp. Do tin tưởng bộ giấy tờ trên là bản gốc nên ông P.G có cho bà Hợi vay tổng số tiền là 2,059 tỷ đồng thể hiện tại 3 giấy biên nhận: Ngày 9/12/2011 vay 500 triệu đồng, thế chấp bằng thửa đất ở xã Bình Yên; ngày 11/12/2011 vay 500 triệu đồng và ngày 1/4/2012 vay 1,059 tỷ đồng.

Tại CQĐT, ông P.G khai, do không có tiền trả cho ông P.G nên ngày 1/4/2012, bà Hợi đã làm “Giấy chuyển nhượng nhà đất” với nội dung bà Hợi bán cho ông P.G thửa đất 400m2 ở thôn Thái Bình. Cùng ngày, bà Hợi và ông P.G làm thêm “Hợp đồng mua bán nhà đất” nhưng chỉ ghi tên người bán là Tạ Thị Hợi, còn để trống tên người mua và không ghi chuyển nhượng với giá bao nhiêu tiền. Bà Hợi và ông P.G thống nhất ghi hợp đồng mua bán nhà lùi lại ngày 9/12/2011 cho phù hợp với ngày đầu tiên ông P.G cho bà Hợi vay tiền.

Còn bà Hợi khai, khi bà hỏi vay tiền, ông P.G đồng ý nhưng yêu cầu bà Hợi làm thủ tục bán thửa đất trên cho ông. Để tạo niềm tin, mục đích vay được tiền, bà Hợi đã làm thủ tục chuyển nhượng thửa đất cho ông P.G để vay nhiều lần với tổng số tiền 2,059 tỷ đồng. Tại phiên tòa ngày 26/9/2014, bị cáo Hợi đã xuất trình 01 tờ giấy có chữ viết và số, là bảng tính lãi, cùng các giấy tờ bị cáo vay tiền của ông P.G. Bị cáo Hợi khai, bảng tính lãi do vợ chồng ông P.G viết thể hiện số tiền bị cáo vay vợ chồng ông P.G là 500 triệu đồng gồm 395 triệu đồng tiền gốc cùng lãi tính trước là 105 triệu đồng thể hiện tại giấy vay tiền ngày 11/12/2011. Bảng tính lãi này thể hiện, chỉ trong khoảng 8 tháng, từ khoản vay 500 triệu đã lên đến hơn 2,568 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định bảng tính lãi mà bị cáo Hợi giao nộp tại toà là do bà Nguyễn Thị Thanh Hương viết
Cơ quan tố tụng xác định bảng tính lãi mà bị cáo Hợi giao nộp tại toà là do bà Nguyễn Thị Thanh Hương viết

Bảng tính lãi do bị hại viết nhưng…

Tại phiên tòa, bị cáo Hợi khai, đầu tháng 12/2011, ông Nguyễn Tiến Dũng, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội giới thiệu cho bà Hợi vay tiền của vợ chồng ông P.G và bà Nguyễn Thị Thanh Hương với lãi suất thỏa thuận là 21%/tháng. Ngày 9/12/2011, vợ chồng ông P.G, bà Hương cùng ông Dũng đến nhà bà Hợi giao cho bà Hợi số tiền 40 triệu đồng và theo yêu cầu của vợ chồng ông P.G, bị cáo phải làm hợp đồng giả cách bán đất mua của ông Phục cho vợ chồng ông P.G và ông Dũng là người làm chứng.

Ngày 11/12/2011, vợ chồng ông P.G và ông Dũng đến giao tiếp cho bà Hợi 355 triệu đồng, tổng hai lần vay là 395 triệu đồng và bị cáo đã giao cho vợ chồng ông P.G 1 Biên bản (chuyển nhượng) giao đất làm nhà ở và sản xuất giả, đồng thời ông Dũng giữ lại số tiền 60 triệu đồng và bà Hợi đã viết giấy vay tiền và yêu cầu ông Dũng ký vào cùng bị cáo. Bị cáo Hợi khẳng định, chỉ vay của ông P.G số tiền là 335 triệu đồng, khoản tiền 2,059 tỷ đồng là do bị cáo không có tiền trả nên vợ chồng ông P.G tính lãi cho bị cáo. Ông Dũng thừa nhận có vay 60 triệu đồng của bà Hợi và có ký giấy xác nhận nợ. Ông Dũng không thừa nhận cùng bà Hợi vay tiền của ông P.G. Ông P.G cũng phủ nhận việc cho ông Dũng vay tiền.

Kết quả giám định thể hiện, bảng tính lãi do gia đình bà Hợi nộp tại toà là do vợ ông P.G là bà Nguyễn Thị Thanh Hương viết. Ông P.G và bà Hương đều thừa nhận, giấy bị cáo Hợi nộp tại tòa là giấy do ông P.G và bà Hương viết nháp nhưng không biết viết gì. Vợ chồng ông P.G khẳng định giấy đó không liên quan đến việc cho bà Hợi vay tiền. Mặt khác, các giấy bà Hợi vay tiền của ông P.G đều ghi tách bạch về số tiền và thời gian, không có tờ nào ghi tiền gốc và lãi. Nên tài liệu này không đủ căn cứ xác định việc vợ chồng ông P.G cho bà Hợi vay với lãi suất 21%/tháng.

HĐXX đánh giá, 2 giấy vay tiền do bị cáo Hợi nộp có nội dung hoàn toàn khác nhau và không phù hợp với lời giải trình của bà Hợi cũng như tài liệu CQĐT thu thập. Trong khi đó, ông P.G nộp 3 giấy vay tiền với tổng số tiền là 2,059 tỷ đồng, đều đã được giám định chữ ký và chữ viết của bị cáo Hợi. Tại phiên tòa, vợ chồng ông P.G tự nguyện chỉ yêu cầu bị cáo trả lại 1,5 tỷ đồng do bị cáo có hoàn cảnh khó khăn. HĐXX tuyên phạt bị cáo Tạ Thị Hợi 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và phải trả cho các bị hại là bà Nguyễn Thu Phương 250 triệu đồng; vợ chồng bà Nguyễn Thị Thành 400 triệu đồng và vợ chồng ông P.G 1,5 tỷ đồng.

Mặc dù các cơ quan tố tụng đã xác định, bà Hợi dùng giấy tờ giả để thế chấp và hợp đồng vay tiền bị vô hiệu. Giấy chuyển nhượng nhà đất và hợp đồng mua bán nhà đất giữa bà Hợi và ông P.G là giả cách. Bà Hợi phải có trách nhiệm trả lại cho bị hại số tiền đã vay. Song, “Căn cứ vào bản đồ địa chính và sổ mục kê năm 2001 thì đến thời điểm hiện tại, quyền sử dụng thửa đất 506m2 ở thôn Thái Bình vẫn thuộc về gia đình ông Phùng Ngọc Thắng. Năm 2016, ông P.G đến sử dụng, xây dựng nhà xưởng trên thửa đất này và có xuất trình giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên. Chúng tôi đã nhiều lần mới ông P.G lên làm việc nhưng ông này chưa phối hợp. Hiện nay, ông Phùng Chí Kiên, em trai ông P.G vẫn đang sử dụng làm xưởng mộc”, ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Yên cho biết.
Bố mất, mẹ đi tù, tài sản bị chiếm giữ trái phép
Quốc Doanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động