Thứ bảy 23/11/2024 18:12
Vụ bị hại có dấu hiệu chiếm giữ hơn 400m2 đất của gia đình bị án ở huyện Thạch Thất, Hà Nội:

Bố mất, mẹ đi tù, tài sản bị chiếm giữ trái phép

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là gia cảnh đầy éo le của chị Phùng Thị Thùy H, con gái bị án Tạ Thị Hợi. Nhiều lần đã có ý định “buông bỏ” nhưng nghĩ tới mẹ ốm đau lại đang phải trả án trong tù, thương hai em thơ dại, chị H đã gắng gượng vượt qua.
Thửa đất tại thôn Thái Bình, xã Bình Yên của gia đình bị án Tạ Thị Hợi đang bị chiếm giữ
Thửa đất tại thôn Thái Bình, xã Bình Yên của gia đình bị án Tạ Thị Hợi đang bị chiếm giữ

Bố mất, mẹ đi tù…

Chia sẻ với PV PL&XH, chị Phùng Thị Thùy H, SN 1989, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội cho biết, trước kia, chị có một gia đình hạnh phúc, cuộc sống yên ổn, bố làm kinh doanh, mẹ làm nội trợ. Tuy nhiên, biến cố bất ngờ ập đến với gia đình chị vào năm 2009 khi bố chị là ông Phùng Ngọc Thắng đột ngột qua đời vì căn bệnh nhồi máu cơ tim, để lại công việc kinh doanh dang dở cho mẹ chị.

Trước khi bố mất, mẹ chị H là bà Tạ Thị Hợi chỉ làm nội trợ, ở nhà chăm sóc 4 người con. Từ khi ông Thắng đột ngột qua đời, bà Hợi lại phải gánh vác thêm việc kinh doanh của chồng. Do không đủ kiến thức kinh doanh nên chỉ thời gian sau, việc kinh doanh của gia đình nhanh chóng bị phá sản. Bà Hợi phải đi vay nợ khắp nơi, thậm trí vay lãi cao để trả các khoản nợ kinh doanh trước và sau khi chồng mất. Đến tháng 3/2012, bà Hợi bị CQCA bắt giữ để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời điểm này, đồ đạc và những tài sản có giá trị trong nhà đều bị siết nợ, đến ngôi nhà duy nhất mà 4 anh em chị H đang sinh sống cũng bị ngân hàng thu hồi.

“Thời điểm bố mất đã khiến mẹ con em suy sụp hoàn toàn. Lúc đó, em đang là sinh viên học ở trong nội thành, anh trai bị liệt nửa người và bị thần kinh từ nhỏ, em trai và em gái thì vẫn còn nhỏ. Khi mẹ bị bắt, cũng là lúc gia đình em phải ly tán, mỗi người một nơi. Do em đang là sinh viên ĐH nên không thể về chăm sóc anh trai và các em. Anh trai bị bại liệt nên phải gửi vào trại chăm sóc người tàn tật ở Ba Vì. Hai em còn nhỏ phải nhờ bên nội và bên ngoại chăm sóc. Đến tháng 7/2012 thì anh trai em cũng đột ngột qua đời. Nhà bị ngân hàng siết nợ, em vừa đi học, vừa phải làm nhiều việc cùng một lúc để kiếm tiền trả nợ thay mẹ và nuôi các em ăn học. Bố mất, mẹ đi tù, bị nhiều điều tiếng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, cuộc sống và việc học hành của chúng em”, chị H chia sẻ.

Đất của gia đình bị án đang bị chiếm dụng

Theo bản án số 478/2015/HSST ngày 28/12/2015 của TAND TP Hà Nội, năm 1995, ông Phùng Ngọc Thắng, chồng bà Tạ Thị Hợi mua của ông Ngô Văn Phục thửa đất có diện tích 506m2, thuộc tờ bản đồ số 8, thôn Thái Bình, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Sau khi ông Thắng chết, bà Hợi tìm thấy trong tủ của gia đình thấy có 4 bộ giấy tờ chứng minh việc mua bán chuyển nhượng của thửa đất trên. Bà Hợi biết trong 4 bộ giấy tờ đó, chỉ có một bộ là bản gốc, còn 3 bộ là giả nhưng không biết bộ nào là thật, bộ nào là giả. Do cần tiền nên bà Hợi dùng các bộ hồ sơ đó thế chấp cho nhiều người để vay tiền. Khi thế chấp, bà Hợi đều khẳng định đó là bộ giấy tờ gốc. Sau khi vay được tiền, bà Hợi không trả và chiếm đoạt tiền của họ.

TAND TP Hà Nội xác định, năm 2011, bà Hợi dùng 3 bộ giấy tờ giả dùng để thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất ở xã Bình Yên để vay 250 triệu của bà Nguyễn Thu Phương; vay 400 triệu của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thành và vay 2,059 tỷ đồng của vợ chồng ông P.G, trú tại phố Trương Định, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bà Hợi và gia đình đã xuất trình một tờ giấy có chữ viết và số là bảng tính lãi, cùng các giấy tờ vay tiền của ông P.G. Bà Hợi khai, bảng tính lãi do vợ chồng ông P.G viết thể hiện tiền gốc và lãi bà Hợi vay của vợ chồng ông P.G là 500 triệu đồng, trong đó có 395 triệu là tiền gốc và 105 triệu đồng là tiền lãi. Để tạo niềm tin, mục đích vay được tiền của ông P.G, bà Hợi đã làm thủ tục chuyển nhượng thửa đất tại xã Bình Yên cho ông P.G. Trong quá trình điều tra, ông P.G đã nộp 3 giấy vay tiền thể hiện việc bà Hợi vay của ông P.G với tổng số tiền là 2,059 tỷ đồng. Bà Hợi cho rằng, khoản tiền 2,059 tỷ đồng là do bị cáo không có tiền trả nợ nên vợ chồng ông P.G tính lãi cho bị cáo.

Tuy nhiên, tài liệu do bà Hợi và gia đình cung cấp có nội dung khác nhau và không phù hợp với lời giải trình của bà Hợi cũng như tài liệu CQĐT thu thập nên đã bị HĐXX bác bỏ. HĐXX cũng đánh giá, mặc dù trong tất cả các giấy vay tiền đều thỏa thuận tiền lãi, thực tế có trường hợp đã tính lãi, được ghi vào giấy tờ, hai bên ký nhận nhưng người bị hại bị lừa dối, hợp đồng vay tiền bị vô hiệu, bị cáo đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên không có căn cứ để tính tiền lãi theo hợp đồng buộc bị cáo phải trả cho bị hại. Do đó, bà Hợi phải có trách nhiệm trả lại những người bị hại số tiền gốc bị cáo đã vay, sau đó chiếm đoạt. HĐXX tuyên bị cáo Tạ Thị Hợi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bị xử phạt 15 năm tù.

Mặc dù HĐXX TAND TP Hà Nội xác định, bộ giấy tờ dùng để thế chấp là giả, hợp đồng vay tiền bị vô hiệu, bị cáo Hợi đã phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình bằng một bản án nghiêm khắc và buộc phải trả cho vợ chồng ông P.G số tiền đã vay. Tuy nhiên, trong khi bị cáo Hợi phải trả án, các con của bà Hợi còn nhỏ, năm 2016, ông P.G đã dùng bộ giấy tờ giả và hợp đồng vay tiền bị vô hiệu để chiếm dụng, xây dựng nhà xưởng trên thửa đất ở thôn Thái Bình, xã Bình Yên, là di sản của ông Phùng Ngọc Thắng để lại cho vợ con. Đến thời điểm hiện tại, ông P.G vẫn đang sử dụng thửa đất này và CA huyện Thạch Thất đã vào cuộc điều tra.

Sau khi phát hiện thửa đất của gia đình bị ông P.G chiếm giữ và xây dựng nhà xưởng, chị Phùng Thị Thuỳ H. đã làm đơn gửi UBND huyện Thạch Thất và UBND xã Bình Yên, đồng thời gửi đơn tố giác tội phạm tới CA huyện Thạch Thất. Chị H mong muốn các cơ quan chức năng ở huyện Thạch Thất sớm xử lý dứt điểm vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình chị. Thửa đất này cũng là cơ hội duy nhất để chị H có thể khắc phục hậu quả cho các bị hại, đồng thời giúp mẹ chị có cơ hội sớm được về đoàn tụ với gia đình.
Quốc Doanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động