Chủ nhật 15/09/2024 09:22
Luật Thủ đô 2024

Cơ chế đột phá phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Trương Xuân Cừ, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền TP Hà Nội và với Luật Thủ đô 2024 sẽ nhanh chóng giải quyết các vướng mắc về đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cơ sở kỹ thuật, một số đất còn đang giải tỏa và đưa khu công nghệ cao Hòa Lạc vào phát triển tích cực, hiệu quả nhất.
Cơ chế đột phá phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc
Đại biểu Trương Xuân Cừ, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Quốc hội

Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo

Luật Thủ đô 2024 đã quy định rõ các cơ chế chính sách phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm phát triển Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó, tại khoản 2 Điều 24 Luật Thủ đô 2024, khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước. Đồng thời quy định 5 chính sách được áp dụng đối với khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Cụ thể, ngân sách TP bố trí vốn để đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong khu công nghệ cao Hòa Lạc; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng nhà lưu trú phù hợp với quy hoạch để bố trí cho người lao động làm việc tại khu công nghệ cao Hòa Lạc thuê trong thời gian làm việc.

Đối với khu chức năng cần đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Nhà nước đầu tư thông qua Ban quản lý khu công nghệ cao hoặc cho nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng thuê đất đối với diện tích đất xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đất sử dụng vào mục đích công cộng theo quy hoạch phân khu xây dựng đã được phê duyệt. Nhà nước cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án thực hiện các loại hình hoạt động công nghệ cao có sử dụng đất.

Nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong khu công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ mục tiêu dự án sang nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo DN công nghệ cao, đổi mới sáng tạo hoặc cung ứng dịch vụ công nghệ cao và tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, quỹ đất đã được giao, cho thuê để thực hiện dự án theo mục tiêu chuyển đổi.

Tăng cường phân cấp phân quyền

Cơ chế đột phá phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc
Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh đồ hoạ

Theo Luật Thủ đô 2024, Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đối với nơi không tổ chức Hội đồng quản lý có cơ sở trong khu công nghệ cao Hòa Lạc được quyết định sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trong trường hợp sử dụng tài sản công để cung cấp các dịch vụ cho các hoạt động công nghệ cao, cung cấp thiết bị dùng chung, cung cấp không gian làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, thử nghiệm và trình diễn công nghệ để hỗ trợ các hoạt động công nghệ cao, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hoặc trong các trường hợp được quy định tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Việc sử dụng tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của TP vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy định của HĐND TP. Việc sử dụng tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tương ứng.

Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng, cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Ban quản lý khu công nghệ cao hoặc đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong khu công nghệ cao Hòa Lạc được xác định là tài sản công hợp pháp của đơn vị trực tiếp tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài sản mà không phải thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Chia sẻ về điểm mới đối với khu công nghệ cao Hòa Lạc trong Luật Thủ đô 2024, ông Trương Xuân Cừ, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, ông tin rằng khu công nghệ cao Hòa Lạc được đưa về Hà Nội sẽ phát triển tốt hơn.

Theo ông Trương Xuân Cừ, nếu trước kia, khu công nghệ cao Hòa Lạc do Bộ quản lý thì phần đất vẫn thuộc Hà Nội quản lý nên khi giao về Hà Nội là hết sức thuận lợi, sẽ thu hút nguồn lực đầu tư lớn và niềm tin của các nhà đầu tư. Với quyết tâm của cấp ủy chính quyền TP Hà Nội và với Luật Thủ đô 2024 sẽ nhanh chóng giải quyết các vướng mắc về đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cơ sở kỹ thuật, một số đất còn đang giải tỏa và đưa khu công nghệ cao Hòa Lạc vào phát triển tích cực, hiệu quả nhất. Khu công nghệ cao Hòa Lạc là tiền đề để các DN trong cả nước đưa nhiều chất xám, công nghệ vào trong quy trình sản xuất và quản lý. Đấy cũng là một mô hình thực tiễn để cả nước học tập.

Luật Thủ đô 2024: huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô
Hà Nội chủ động ban hành kế hoạch triển khai Luật Thủ đô năm 2024
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động