Chuyên gia nói gì về chiến thuật xét nghiệm gộp của Đà Nẵng?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên"Chiến thuật" xét nghiệm sáng tạo, hiệu quả
Việt Nam đang phải đối phó với làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư được đánh giá với nhiều khó khăn và thử thách hơn rất nhiều. Đợt dịch này có khả năng kéo dài hơn, diện rộng, có nhiều ổ dịch, biến thể mới của virus lây nhanh hơn.
Đánh giá chung về diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam hiện nay, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tiến sỹ Kidong Park cho biết, WHO đã đang theo dõi rất chặt chẽ tình hình. Dịch bệnh lần này tiến triển nhanh, có tính chất phức tạp.
CDC Đà Nẵng nhận bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 |
Tuy nhiên, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới cũng đánh giá, Việt Nam đã tăng cường các biện pháp ứng phó đã được chứng minh là có hiệu quả trong các đợt dịch bùng phát vừa qua. Các biện pháp này được điều chỉnh hàng ngày theo diễn tiến của tình hình dịch bệnh.
Một điển hình thành công trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đó là sáng kiến gộp mẫu trong xét nghiệm COVID-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thành công việc xét nghiệm mẫu gộp 5, trở thành “vũ khí” hữu hiệu cho Đà Nẵng chiến đấu đại dịch.
Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng, trong đợt dịch thứ hai vào năm 2020, phương pháp lấy mẫu gộp 5 đã cho thấy lợi ích thiết thực, tiết kiệm về chi phí xét nghiệm (giảm xuống còn gần 12 tỷ đồng thay vì hơn 55,4 tỷ đồng nếu xét nghiệm mẫu đơn).
Số liệu thống kê từ ngày 8 đến 23-8-2020 cho biết, trong vòng 16 ngày, số người được lấy mẫu xét nghiệm tại thành phố Đà Nẵng là 97.103 người bằng phương pháp gộp nhóm, nhờ đó "quét" được toàn bộ ổ dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng, mở rộng xét nghiệm cho đại diện hộ gia đình. Sau một tháng, dịch bệnh được khống chế.
Ông Lê Thành Chung – Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng chia sẻ, sáng kiến xét nghiệm mẫu gộp này xuất phát từ bối cảnh Đà Nẵng trở thành tâm dịch vào cuối tháng 7-2020, các ca nhiễm và nghi nhiễm tăng nhanh khiến thành phố thiếu thốn nhân lực và vật lực để làm xét nghiệm COVID-19.
Trước tình hình này, lãnh đạo thành phố đã nhanh chóng chỉ đạo CDC nghiên cứu cách làm gộp. Ở thời điểm đó, dẫu chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế, CDC Đà Nẵng đã chủ động nghiên cứu và bắt đầu thử nghiệm và tự đánh giá nội bộ. Phương pháp này đã được kiểm chứng, cho thấy không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
“Phương pháp xét nghiệm mẫu gộp là giải pháp kịp thời để giải quyết khó khăn cho Đà Nẵng về nhân lực và vật lực xét nghiệm COVID-19. Hồi đó, nếu không xét nghiệm gộp thì sẽ không thể giải quyết được nhanh số lượng mẫu lớn trong đợt dịch năm ngoái” – ông Lê Thành Chung – Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng bày tỏ.
Đà Nẵng đang thể hiện tinh thần chống dịch chủ động, quyết liệt và sáng tạo. |
Sáng kiến được nhân rộng ra các vùng dịch
Năm 2021, bước vào đợt dịch thứ ba, trước diễn biến dịch hết sức phức tạp và áp lực lớn trong việc xét nghiệm số lượng mẫu ngày càng tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng tiếp tục cải tiến phương pháp mẫu gộp nhóm 5 thành mẫu gộp nhóm 10 và bước đầu triển khai gộp mẫu kết hợp (gộp 20) để tăng công suất xét nghiệm trong đợt dịch năm 2021.
Kể từ ngày 01-5-2021 đến nay, có gần 70.000 mẫu xét nghiệm đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng thực hiện với kết quả xét nghiệm phải có trong vòng 24 giờ để đáp ứng kịp với tốc độ truy vết, giám sát diện rộng. Trong số đó có ngày lên đến hơn 22.000 mẫu.
Sáng kiến này đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 biểu dương.
Phương pháp xét nghiệm mẫu gộp là giải pháp kịp thời giúp giải quyết khó khăn cho Đà Nẵng về nhân lực và vật lực xét nghiệm COVID-19 |
Đánh giá về phương pháp này, Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, hiệu quả của phương pháp lấy mẫu xét nghiệm của Đà Nẵng đã được khẳng định qua các đợt dịch COVID-19 vừa qua.
“Phương pháp gộp mẫu là một kỹ thuật trong xét nghiệm đã có từ trước. Trước đây, người ta làm xét nghiệm với bệnh sốt xuất huyết cũng làm mẫu gộp, hiện nay Đà Nẵng là nơi đầu tiên thực hiện gộp mẫu xét nghiệm trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19. Việc gộp mẫu này có tiện ích là làm được nhiều mẫu một lúc, chẳng hạn như chạy 10 mẫu, 6 mẫu, 5 mẫu chẳng hạn. Việc xét nghiệm chạy được nhiều mẫu sẽ đem đến kết quả nhanh. Đây là biện pháp hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp”- ông Phu chia sẻ.
Từ việc triển khai thành công ở Đà Nẵng, hiện nay việc xét nghiệm gộp mẫu xét nghiệm này đang được Bắc Giang, Bắc Ninh- những “điểm nóng” của dịch COVID-19 học tập, triển khai.
Tại cuộc họp trực tuyến với UBND tỉnh Bắc Giang mới đây, viện dẫn từ kinh nghiệm Đà Nẵng đã có thể triển khai đến mẫu gộp 10 mẫu đơn, mẫu gộp 20 mẫu đơn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu địa phương này cần triển khai ngay các biện pháp nâng cao năng lực xét nghiệm PCR mẫu gộp nhằm giải toả nhanh lượng mẫu chưa xét nghiệm, theo kịp tốc độ lấy mẫu.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại