Thứ ba 26/11/2024 03:02

Chữa mất ngủ bằng thảo dược - những điều cần lưu ý

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều người lo ngại tác dụng phụ của thuốc ngủ nên đã tìm đến các loại thảo dược theo kinh nghiệm dân gian để giúp ngủ ngon như: Nhãn lồng, tâm sen, trinh nữ, lá vông nem, lạc tây tiên, trà sen… Tuy nhiên, theo các chuyên gia khi sử dụng các thảo dược dân gian cũng phải biết cách mới có hiệu quả.

Dược sĩ Nguyễn Thanh Xuân, Trung tâm Nghiên Cứu và Sản xuất Dược liệu Miền trung cho biết: Mất ngủ là triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như căng thẳng, môi trường sống, chế độ ăn uống hay dùng chất kích thích (trà, cà phê); do một số rối loạn giấc ngủ khác như ngừng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên khi ngủ…

Trước khi dùng thuốc, người bị mất ngủ có thể thực hiện các biện pháp không dùng thuốc giúp ngủ tốt như: Hạn chế việc ngủ trưa. Tạo môi trường tuyệt đối yên tĩnh, không có ánh sáng khi ngủ. Trước khi ngủ tránh ăn quá no hoặc để quá đói, tăng cường thể dục và nên điều trị các bệnh khác như đau nhức, dị ứng, bệnh tim mạch.

Đặc biệt, khi có dấu hiệu mất ngủ kéo dài nên đi khám ở các cơ sở y tế để được bác sỹ kê đơn sử dụng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh. Nếu rối loạn lo âu khiến mất ngủ do trầm cảm mà lại dùng thuốc an thần càng khiến nặng hơn, gây nhiều hệ lụy như rối loạn cảm xúc kéo theo đó là tình trạng lo âu, căng thẳng kéo dài, thậm chí có thể gây trầm cảm.

Theo Dược sĩ Nguyễn Thanh Xuân, với những người mới bị mất ngủ cũng có thể dùng các bài thuốc dân gian, thảo dược có tác dụng an thần như: Nhãn lồng, tâm sen, trinh nữ, lá vông nem, lạc tây tiên, trà sen… Tuy nhiên, khi sử dụng các thảo dược dân gian cũng phải biết cách mới có hiệu quả.

Đối với cây lạc tiên tây, từ trước tới nay, mọi người thường hay sắc cành và lá cây lạc tiên lên để uống giúp an thần, giải lo âu, giảm stress. Tuy nhiên, lạc tiên có nhiều loài, nhiều người thường sử dụng nhầm loài hoặc mua dược liệu trôi nổi không rõ nguồn gốc, không có dược tính trị bệnh làm cho việc điều trị không đem lại hiệu quả. Chưa kể tới việc, lạc tiên tây khô trôi nổi không được chăm sóc, thu hái, bảo quản theo tiêu chuẩn sẽ bị nấm mốc gây độc khi uống vào, Dược sỹ Xuân cảnh báo.

Đáng lưu ý, nhiều người hay nhầm lẫn cây chanh leo với lạc tiên tây do hình dáng rất giống nhau nhưng thực chất cây chanh leo không thuộc họ lạc tiên và khi sắc lên uống sẽ không có tác dụng điều trị mất ngủ.

chua mat ngu bang thao duoc nhung dieu can luu y
Lạc tiên tây giống chanh leo nên nhiều người dễ nhầm lẫn

Bà Hoàng Thị Thu Hương, Cán bộ dự án BioTrade-Dự án phát triển dược liệu sạch do Liên minh châu Âu tài trợ cho biết: Trên thế giới đã sử dụng lạc tiên tây từ rất lâu đời và đã được nhiều nghiên cứu khoa học tác chứng minh tác dụng an thần rất tốt của lạc tiên tây. Hiện nay ở Việt Nam thường dùng lạc tiên ta có tên khoa học là Passiflora foetida. Cây lạc tiên ta sẽ không cho dược tính tốt như cây lạc tiên tây có tên khoa học là Passiflora incarnata.

Bà Hương dẫn chứng, một nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. Hồ Chí Minh đã chứng minh lô cao chiết nước của lá và ngọn non Lạc tiên tây lấy tại Trung Tâm Nghiên Cứu và Sản Xuất dược liệu miền Trung có tác dụng kéo dài thời gian ngủ, và điều trị mất ngủ hiệu quả.

Tính tới thời điểm này, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung là nơi duy nhất ở Việt Nam trồng thành công giống cây lạc tiên tây. Trung tâm đã phối hợp với Viện dược liệu của Pháp đem giống cây Lạc Tiên Tây này về Việt Nam và trồng ở Phú Yên. Sau nhiều năm nghiên cứu đã hoàn chỉnh được quy trình trồng phù hợp với khí hậu Phú Yên và có hàm lượng hoạt chất cao, đem lại hiệu quả hỗ trợ chứng mất ngủ rất tốt.

“Với cách sắc, uống cành và lá lạc tiên thông thường như dân gian vẫn dùng sẽ không đo được hàm lượng hóa chất dẫn tới không đủ liều hoặc quá nhiều có thể gây hại cho cơ thể. Hơn nữa cách sắc, uống thông thường sẽ không tận dụng hết các hoạt chất có trong cây lạc tiên tây. Để hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ hiệu quả, tốt nhất nên tìm mua những sản phẩm được làm từ cây lạc tiên tây theo tiêu chuẩn GACP-WHO”, Dược sỹ Xuân nhấn mạnh.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động