Thứ tư 15/05/2024 01:07

Chữa đau mắt đỏ bằng nước tiểu: Cẩn thận "mang tật" vào người

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bệnh đau mắt đỏ đang lây lan và bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh/thành trên cả nước. Hoang mang, luống cuống trước dịch bệnh, nhiều người đã "tìm cách" nhằm điều trị căn bệnh này. Và cũng từ đó, những “phương thuốc” kì dị, không có căn cứ khoa học lại được chia sẻ một cách hồn nhiên trên mạng xã hội.
Chữa đau mắt đỏ bằng nước tiểu: Cẩn thận
"Phương pháp" chữa đau mắt đỏ bằng nước tiểu được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Facebook

Chữa đau mắt đỏ bằng… nhỏ nước tiểu

Dịch đau mắt đỏ bùng phát mạnh nhất tại TP Hồ Chí Minh, theo thống kê của Sở Y tế TP, trong 8 tháng đầu năm, tổng số ca bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn TP là 63.309 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm ngoái (53.573 ca). Còn tại Đà Nẵng, chỉ tính riêng tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, từ ngày 1/1 – 11/9/2023, đã có 22.444 trường hợp viêm kết mạc cấp khám và điều trị tại bệnh viện, trong đó có 11.572 trẻ em chiếm tỷ lệ 51,5%.

Tại Hà Nội, từ đầu tháng 8 bệnh đau mắt đỏ bắt đầu có dấu hiệu lây lan nhanh và tiếp tục tăng số ca mắc trong tháng 9. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương những tuần gần đây ghi nhận trung bình mỗi tuần có khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ đến khám…

Lợi dụng dịch bệnh và tâm lý hoang mang, lo sợ của nhiều người, một số "phương pháp" kì dị chữa đau mắt đỏ cũng được lan truyền, chia sẻ trên mạng xã hội mà không dựa trên bất cứ một cơ sở khoa học nào.

Ngoài những phương pháp như đắp lá, tra thuốc nhỏ mắt, một số tài khoản trên mạng còn hùng hồn khẳng định sẽ chia sẻ cách chữa đau mắt đỏ bằng… nhỏ nước tiểu. Theo đó, tài khoản N.Đ.T.N viết: “Bị đau mắt đỏ: Lấy nước tiểu cho vào bình nhỏ mắt – nhỏ vào mắt mỗi bên 3 giọt mỗi ngày 3 lần và nhỏ nước tiểu xung quang vùng mắt thoa đều ra”. Tài khoản này còn khẳng định: “Ai tin tưởng thì làm theo chắc chắn hết”.

Sau đó mấy ngày, tài khoản này tiếp tục đăng tải nội dung: “Em sẽ chia sẻ phương pháp chữa đau mắt, các vấn đề về mắt…”. Tiếp tục vẫn là “phương pháp”… nhỏ nước tiểu vào mắt. “Nhỏ nước tiểu mỗi bên 3 giọt ngày 3 đến 6 lần”, tài khoản này viết.

Dường như sợ cộng đồng mạng không tin, tài khoản này tiếp tục khẳng định: “Anh chị em mình nếu chưa làm theo, đừng có vội phán xét”. Đồng thời có chút dọa dẫm: “Thuốc nhỏ mắt nhãn hiệu nào cũng có corticoid nhỏ nhiều hại gan thận à nha”.

Thực tế, chưa có nghiên cứu khoa học, hay bài thuốc nào chứng minh rằng nước tiểu dùng để "chữa" đau mắt đỏ. Tuy nhiên, bài đăng trên nhận được nhiều lượt chia sẻ, cùng khá nhiều sự quan tâm cũng như cổ vũ. Nguy hiểm hơn, ngoài việc chia sẻ cổ vũ việc dùng nước tiểu có thể "chữa" được đau mắt đỏ, tài khoản này còn khẳng định, đến viêm xoang cũng chữa được bằng… nước tiểu.

Chữa đau mắt đỏ bằng nước tiểu: Cẩn thận
Nước tiểu còn được dùng để chữa viêm xoang?!. Ảnh: Facebook

Thế nhưng, điều đáng nói là nhiều người lại khá tán đồng phương pháp này. Thậm chí, tài khoản N.D còn khẳng định, nước tiểu là nước thánh. “Nước thánh tuyệt vời từ chính cơ thể mình, chữa bách bệnh”.

Cũng cần phải nói, không phải đến khi dịch bệnh đau mắt đỏ bùng phát, nước tiểu mới được chia sẻ như một liệu pháp. Trước đó, có những người còn tin rằng, nước tiểu chữa được cả ung thư.

Về “liệu pháp” uống nước tiểu chữa bệnh, trước đó, TS.BS Lê Thị Thanh Nhạn, Trưởng khoa Thận, Tiết niệu, Học viện YDHCT Việt Nam cho biết, đã nghe chuyện uống nước tiểu chữa bệnh khoảng chục năm nay. Tuy nhiên khoa học chưa chứng minh và ghi nhận trường hợp nào chữa bệnh bằng nước tiểu.

Thành phần của nước tiểu chủ yếu là nước, urê, muối, đặc biệt vi khuẩn. Đối với người nhiễm bệnh dù nhẹ như hắt hơi, sổ mũi, viêm họng, cho đến các bệnh suy gan, suy thận… các chất cặn bã và vi khuẩn đều được lọc qua thận, bài tiết bằng đường nước tiểu.

Do vậy, khi uống lại nước tiểu này, tức là một lần nữa đưa vi khuẩn trở lại cơ thể. Một số loại vi khuẩn không chết từ quá trình đào thải đương nhiên lại được sống sót từ việc người bệnh uống vào, khiến bệnh càng nặng hơn.

Tương tự, cũng không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng dùng nước tiểu có thể chữa được đau mắt đỏ.

Không nên tự ý điều trị tại nhà

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, phần lớn do vi rút, số ít do vi khuẩn gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia.

Tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng đau mắt đỏ thường lành tính, ít để lại di chứng. Thế nhưng bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Theo ThS.BS Phùng Thị Thúy Hằng, Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai, người bị bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) thường có các biểu hiện như: Ngứa mắt, cộm đỏ, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều rử ghèn ở mắt. Nếu rử ghèn nhiều buổi sáng ngủ dậy làm cho hai mi dính vào nhau nên bệnh nhân rất khó mở mắt. Rử ghèn cũng làm cho người bệnh thấy nhìn khó, vướng nhưng thị lực thường không giảm. Thường lúc đầu, người bệnh chỉ bị ở một bên mắt, sau vài ngày sẽ bị sang mắt còn lại.

Với người đau mắt đỏ, khi khám mắt sẽ thấy mi mắt sưng nề đỏ, kết mạc nhãn cầu cương tụ, phù nề; nhiều rử ghèn ở bờ mi và bề mặt kết mạc; một số trường hợp có thể có xuất huyết (chảy máu) dưới kết mạc.

BS Hằng cho hay, bệnh đau mắt đỏ phát triển mạnh vào mùa hè do khí hậu nóng ẩm, nhiều khói bụi và ô nhiễm là yếu tố thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh. Mặc dù đau mắt đỏ khá lành tính, nhưng bệnh rất dễ lây, có thể thành các vụ dịch lớn, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, công sở, bể bơi...

Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ có thể do: Vi khuẩn, vi rút, dị ứng; hoặc viêm kết mạc nhú gai khổng lồ có liên quan đến việc sử dụng kính áp tròng lâu dài.

"Nếu nguyên nhân gây bệnh là liên cầu, phế cầu, bạch hầu... thì kết mạc mi thường có lớp giả mạc che phủ, khi bóc giả mạc tái tạo nhanh. Những trường hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc như viêm giác mạc chấm nông, viêm giác mạc đốm làm cho giác mạc bị mờ đục, khi đó thị lực giảm nhiều và kéo dài dai dẳng hàng tháng. Nếu nguyên nhân là Adenovirus thì người bệnh có thể bị sốt nhẹ, chảy nước mũi, có sưng hạch trước tai hoặc hạch góc hàm, viêm họng, amidan sưng viêm", BS Hằng nói.

Vì vậy, BS khuyến cáo, người bệnh khi bị đau mắt đỏ nên đến các cơ sở nhãn khoa khám để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Không nên tự ý mua thuốc về nhỏ mắt để tránh gây ra một số biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra, người bệnh cũng nên tránh sử dụng các thuốc lá cây để đắp hoặc xông mắt vì không những ít có tác dụng chữa bệnh mà còn có thể gây ra những tổn thương khác cho mắt như bỏng do nhiệt hoặc tinh dầu, một số loài nấm và vi khuẩn ở lá cây có thể xâm nhập qua vết xước giác mạc gây ra một bệnh lý rất nguy hiểm là viêm loét giác mạc. Khi đó việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém kinh phí mà di chứng để lại là sẹo giác mạc gây nhìn mở vĩnh viễn, một số trường hợp nặng phải khoét bỏ mắt.

Còn theo BS Huỳnh Thị Bích Liễu, Phó Khoa mắt, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Hồ Chí Minh) khuyến cáo, người dân khi có những biểu hiện kể trên nên đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid (dexamethasone) khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý không đưa vật lạ vào mắt theo cách dân gian như đắp lá cây, nha đam, thuốc nam, thuốc bắc, đùi ếch, côn trùng, mật gấu, nước tiểu, sữa mẹ... vì có thể làm mắt đang bệnh bị nhiễm trùng nặng hơn.

Nghỉ việc vì đau mắt đỏ, người lao động có được hưởng trợ cấp ốm đau?
Biến chứng đau mắt đỏ nguy hiểm như thế nào?
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động