Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Sâu sát hơn với việc lấy ý kiến vào Luật Đất đai
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Sáng 14/2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ hai và thứ ba, Quốc hội khóa XV.
Trình bày Báo cáo tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 Luật, 3 Nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
“Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo” - ông Bùi Văn Cường khẳng định.
Đề cập kết quả kỳ họp, liên quan công tác nhân sự, Tổng Thư ký Quốc hội nhắc lại, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội đã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
“Công tác nhân sự tại 2 kỳ họp được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội” - ông Bùi Văn Cường nói.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, việc gửi tài liệu đến đại biểu vẫn còn chậm, gây khó khăn cho đại biểu trong việc nghiên cứu, góp ý.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, việc chậm gửi tài liệu kỳ họp nào cũng xảy ra và thường bị đổ lỗi cho khách quan do nội dung mới, khó, báo cáo chậm, công việc nhiều, nguồn lực không đủ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề xuất các bộ, ngành cần có phản ứng chính sách linh hoạt, nghiên cứu thấu đáo để chuẩn bị hết các tình huống khi trình dự án luật, pháp lệnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề nghị các Chính phủ, bộ, ngành cần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” các nội dung về tài chính, ngân sách dự kiến trình Quốc hội tại các kỳ họp, gần nhất là việc quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm sắp tới.
Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc chuẩn bị “từ sớm, từ xa” các nội dung trình Quốc hội tại các kỳ họp không chỉ từ cơ quan của Quốc hội mà phải bắt đầu từ Chính phủ và các bộ, ngành; đến từ công tác phối hợp ngay từ đầu giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Rút kinh nghiệm từ việc chuẩn bị dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Chủ tịch Quốc hội nhận định, việc lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn khoảng một tháng nữa là hết thời gian nhưng đến nay chưa có nhiều tín hiệu tích cực dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt. “Đừng tổ chức lấy ý kiến cho có” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh và khẳng định việc sửa đổi Luật Đất đai là rất khó.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu khẩn trương triển khai các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua để giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang nghiên cứu sau mỗi kỳ họp sẽ có hội nghị triển khai tổ chức thực hiện các luật, nghị quyết đã ban hành”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023); trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về các nội dung được xem xét tại kỳ họp này.
Hà Nội lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) | |
Khẩn trương tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại