Thứ sáu 27/09/2024 18:24

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Không nên để CSGT “toàn quyền”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Được biết, vấn đề phối hợp kiểm soát xử lý hành vi chở quá khổ quá tải trọng ô tô sẽ được triển khai từ ngày 9 – 4 đến 28 – 4.


PV báo PL&XH đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội để cung cấp cho độc giả thông tin cụ thể hơn về vấn đề này.

PV: Tới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và lực lượng CA sẽ phối hợp trong việc xử lý hành vi chở quá khổ quá tải ô tô trên QL5 và địa bàn TP Hải Phòng, ông đánh giá thế nào về động thái này?

Ông Bùi Danh Liên: Cùng với các nỗ lực trước đây như kiểm tra thiết bị giám sát hành trình; kiểm tra công tác đào tạo lái xe; bây giờ là tăng cường tuần tra phát hiện xử lý ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm tải trọng, tôi cho rằng đó là nỗ lực rất cao của cơ quan chức năng và đều là những giải pháp tương đối đồng bộ nhằm đảm bảo ATGT.

PV: “Thực trạng” vận tải đường bộ gần như ai cũng biết, ai cũng thấy những điều không vui, vậy ông cho biết đâu là nguyên nhân?

Ông Bùi Danh Liên: Có nhiều nguyên nhân từ cả 2 phía, quản lý Nhà nước cũng như DN đã dẫn đến “thực trạng” nói trên. Trong đó, nguyên nhân chính là cho đến nay vẫn chưa có chế tài xử lý cụ thể, dẫn đến việc DN vận tải xem thường trách nhiệm của mình. Có DN thay vì hạ tải theo yêu cầu của cơ quan chức năng lại đi “bôi trơn” để lưu thông cho kịp thời gian, kịp tiến độ để tránh việc phải đền bù vì vi phạm hợp đồng vận chuyển với đối tác. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng. Không khó để nhận thấy, ngành giao thông hiện nay chưa thực sự làm chủ các công trình mà lẽ ra họ phải có trách nhiệm chính trong việc quản lý.


Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: “Ngành giao thông chưa thực sự làm chủ “tài sản” của mình”.


PV: Xin ông cho biết cụ thể hơn về ý kiến vừa rồi?

Gần như bất kỳ sự vi phạm trật tự ATGT; vi phạm hạ tầng giao thông; TNGT, xảy ra trên các tuyến đường, thì dường như chỉ lực lượng CSGT đang có “toàn quyền quyết định” trong việc xử lý. CSGT có thể xử phạt hoặc châm chước bỏ qua cho sai phạm, trong khi “ông chủ” là ngành giao thông thì hầu như vắng bóng, hoặc có đến nơi thì mọi sự cũng đã rồi. Chưa kể 75% phí thu từ việc xử phạt vi phạm, được sử dụng cho chi phí khác (ngành khác) chứ không phải cho ngành giao thông. Đó là những điều bất hợp lý hiện nay đang tồn tại. Có thể thấy, đường sá và hạ tầng giao thông lại được giao cho ngành khác quản lý, giống như việc xây nhà cho người khác đến ở rồi nhờ họ quản lý trông coi hộ thì rất khó có sự tận tâm.

PV: Theo ông, cần phải có những giải pháp như thế nào để khắc phục những “thiếu sót” trong ngành vận tải hàng hóa?

Tôi từng nghe anh em lái xe phản ánh, phí “bôi trơn” họ phải chi rất nhiều để xe được lưu hành – như vậy là khả năng thất thoát phí rất lớn. Các cơ quan chức năng cần phải phối hợp cùng nhau để giải quyết tình trạng này trên nguyên tắc công khai minh bạch. Phải làm sao để tiền phí thu được từ việc xử lý vi phạm giao thông phải được đầu tư cho giao thông, chuyển về Quỹ bảo trì đường bộ chẳng hạn. Đó cũng là một cách, để nâng cao chất lượng công trình giao thông.

Mặt khác, đối với giải pháp thêm nhiều trạm cân dọc đường để kiểm tra tải trọng cần có những trạm cân lưu động. Lực lượng chức năng nên tăng cường làm nhiệm vụ vào ban đêm. Xe nào qua kiểm tra tải trọng, đủ điều kiện lưu thông sẽ được cấp “thông báo” dán trên đầu xe, nếu không đủ điều kiện thì xử phạt nặng. Các chốt trạm có thể nối mạng với nhau thông báo BKS xe đã được kiểm tra tải trọng và đủ điều kiện lưu hành. Bên cạnh đó cơ quan chức năng cũng nên có biện pháp hạn chế tốc độ xe tải chạy vào ban đêm, vì vào khoảng thời gian này rất nhiều yếu tố dễ dẫn đến mất ATGT hơn so với ban ngày. Và thực tế, những vụ TNGT xảy ra về đêm thường là rất thảm khốc.

Tôi tin rằng, nếu làm quyết liệt sau kế hoạch này sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng vi phạm quá khổ quá tải; mặt khác cơ quan chức năng cũng sẽ rút ra những kinh nghiệm từ đó hoàn thiện VBPL; đồng thời có những đề xuất giải pháp hiệu quả trong vấn đề đảm bảo ATGT và bảo vệ hạ tầng giao thông.


Sỹ Hào (Thực hiện)

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động