Thứ bảy 20/04/2024 16:34

Chọn đại diện Việt Nam dự tranh Oscar: Vẫn cứ tuyển “tinh” mà chưa thật “tinh”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, bộ phim “Mắt biếc” - chuyển thể từ nguyên tác văn học của Nguyễn Nhật Ánh do đạo diễn Victor Vũ thực hiện đã chính thức được chọn làm đại diện điện ảnh nước nhà dự tranh hạng mục “Phim quốc tế xuất sắc” tại Oscar lần thứ 93 - năm 2021. “Mắt biếc”, theo đánh giá của giới chuyên môn là một phim thành công của điện ảnh Việt. Nhưng để lọt qua vòng sơ loại tại giải Oscar danh tiếng thì đúng là nhiệm vụ khó.

Cửa khó cho “Mắt biếc”

Theo Bộ VH-TT&DL, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã ký ban hành quyết định cử “Mắt biếc” đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển của hạng mục Phim quốc tế xuất sắc tại giải thưởng điện ảnh Oscar lần thứ 93.

Tác phẩm điện ảnh do đạo diễn Victor Vũ thực hiện dựa trên nguyên tác văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trước đó, nhà làm phim từng chuyển thể “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015) cũng của Nguyễn Nhật Ánh, và tác phẩm đã dự tranh hạng mục tương tự vào năm 2016.

Bộ phim “Mắt biếc” khởi chiếu từ trung tuần tháng 12-2019 và nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả đại chúng. Theo nhà sản xuất, doanh thu phòng vé của tác phẩm là 180 tỷ đồng, tức chỉ kém “Cua lại vợ bầu” (2019) với 191,8 tỷ đồng trong danh sách các phim Việt ăn khách nhất.

“Mắt biếc” về cơ bản vẫn là một phim thành công của điện ảnh Việt, không chỉ ở phương diện doanh thu. “Mắt biếc” về cơ bản là đã chuyển thể rất thành công truyện của Nguyễn Nhật Ánh lên phim. Một bối cảnh thuần Việt với những câu chuyện giản dị về tình yêu, man mác buồn, đườm đượm.

Điều mà đạo diễn Victor Vũ làm tốt là chuyển thể một tiểu thuyết đã quá nổi tiếng lên phim. Anh cũng thực hiện tốt những yếu tố phụ trợ như: Âm nhạc, nước phim… để tôn lên sự trong trẻo trong cảm xúc chủ đạo của truyện Nguyễn Nhật Ánh.

Nhưng “Mắt biếc” có hay hay không, vẫn còn là một sự tranh cãi tùy thuộc rất nhiều vào cảm xúc của mỗi người. Có người thấy phim xúc động, không cầm được nước mắt, nhưng có người nhận xét phim chỉ đẹp hình thức, còn diễn xuất và diễn biến chưa đủ chạm trái tim họ. Và họ kỳ vọng nhiều hơn thế.

“Mắt biếc” đẹp, nhưng rõ ràng ở một đấu trường khốc liệt và cần quá nhiều điểm ấn tượng như Oscar, đẹp thôi chưa đủ. Nội dung và ý nghĩa của cả bộ phim ấy quan trọng hơn tất thảy. Vì vậy, nếu là một phim trong sáng, ít yếu tố ẩn dụ, chuyện “Mắt biếc” khó lách qua khe cửa hẹp của vòng sơ loại có thể không khó dự đoán.

chon dai dien viet nam du tranh oscar van cu tuyen tinh ma chua that tinh
“Mắt biếc” là đại diện Việt Nam tham dự Oscar 2021. Ảnh: Galaxy

Nhiều năm vẫn thiếu phim “tinh”

Cửa khó cho “Mắt biếc” cũng chính là “cửa chung” cho nhiều phim Việt dự Oscar những năm trước. Vì suy cho cùng, ở một giải thưởng vô cùng uy tín như Oscar, các nền công nghiệp điện ảnh hàng đầu và khắp thế giới sẽ cử những phim ưu tú nhất của họ tham dự. Trong khi các phim đại diện của Việt Nam đã thực sự là ưu tú, là “hàng tinh” chưa. Câu trả lời vẫn là… chưa.

Cùng nhìn lại danh sách các phim Việt Nam từng dự tranh hạng mục Phim quốc tế xuất sắc (tên cũ: Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc) của Oscar thấy có: “Mùi đu đủ xanh” (1993), “Bụi hồng” (1996), “Ba mùa” (1997), “Mùa hè chiều thẳng đứng” (2000), “Mùa len trâu” (2005), “Chuyện của Pao” (2006), “Áo lụa Hà Đông” (2007), “Đừng đốt” (2009), “Khát vọng Thăng Long” (2011), “Mùi cỏ cháy” (2012), “Trúng số” (2015), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015), “Cha cõng con” (2017), “Cô ba Sài Gòn” (2018) và “Hai Phượng” (2019).

Tuy nhiên, ngoại trừ “Mùi đu đủ xanh”, chưa có tác phẩm nào tiến vào vòng 5 đề cử cuối cùng của hạng mục tại Oscar.

Bởi các phim chúng ta cử đi dự tranh Oscar ngay ở trong nước vẫn còn có những ý kiến trái chiều. Có lúc chúng ta tranh cãi việc chọn phim có thiên hướng nghệ thuật, hay chọn phim có yếu tố thương mại. Vài năm gần đây, chuyện tranh cãi đó không còn quan trong nữa, chỉ đơn giản vì hầu hết các phim tham dự đều do tư nhân sản xuất – họ phải cố gắng cân bằng yếu tố: Nghệ thuật và vẫn hút khán giả, đảm bảo doanh thu phòng vé.

Vì thế, “Hai Phượng” doanh thu 200 tỷ, được khen có cảnh quay đậm chất Nam Bộ nhưng cũng bị chê kịch bản lê thê, đơn điệu, không nổi bật. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô ba Sài gòn” chỉ đẹp nhưng kịch bản đơn điệu… Bởi vì sự phát triển của điện ảnh trong nước đang cho thấy bức tranh phim thương mại trội hơn.

Các nhà sản xuất muốn hút doanh thu nên cũng phải chọn những bộ phim có thông điệp gần gũi, dễ hiểu, thiên về hài, tâm lý, tình cảm… Vì vậy, những vấn đề gai góc, có tính xã hội ít được chuyển thể lên điện ảnh. Bởi vậy, cứ đến mùa Oscar chọn đề cử phim Việt, chúng ta thấy không “tự tin” cho lắm.

Giờ đây, Oscar đang mở cửa cho rất nhiều nền điện ảnh, lần đầu tiên trong lịch sử, một phim châu Á thắng giải phim hay nhất, hạng mục chính thức của giải thưởng. “Parasite” (2019) của Hàn Quốc chính là bộ phim làm lên lịch sử đó.

Cũng từ giải Oscar trao cho “Parasite”, người ta cũng thấy rằng: Những yếu tố không nói tiếng Anh, màu gia, sắc tộc không quan trọng nữa. Quan trọng là nội dung ẩn chứa bên trong thông điệp mà bộ phim ấy mang lại.

Hiện tại, một số đối thủ của “Mắt biếc” tại Oscar 2021 đã lộ diện. Một trong số đó là “The man standing next” (Hàn Quốc), “The eight hundred” (Trung Quốc), “A sun” (Đài Loan), “Wet season” (Singapore), “True mothers” (Nhật Bản) và “Happy old year” (Thái Lan).

Có thể thấy, đa phần các đối thủ của “Mắt biếc” đều đáng gờm. Trong đó, “The man standing next" (Hàn Quốc) được các nhà phê bình đánh giá rất cao.

“The man standing next” lấy bối cảnh những năm 1970 khi Cục Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA) âm thầm kiểm soát đất nước. Tuy nhiên, ván cờ chính trị thay đổi khi vụ bê bối chính trị Koreagate nổ ra năm 1976, kéo các thành viên của KCIA, người Mỹ và giới chính trị gia Hàn Quốc vào cuộc chiến tranh giành quyền lực.

Nghĩa là, các quốc gia châu Á đang mạnh mẽ chọn đề tài gai góc, có tính xã hội cao hơn trên phim ảnh.

Tất nhiên, hãy cứ hi vọng vào phim Việt, vì chúng ta cũng đang có những bước phát triển hơn, nhiều thay đổi hơn. Tuy nhiên, với Oscar, đẹp, doanh thu… trong nước chưa đủ. Chúng ta vẫn cần gai góc và tinh tuyển hơn.

Nam Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động