Cho phép xã hội hóa quản lý, khai thác nhà văn hóa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCòn bất cập trong công tác quản lý và khai thác
Tại quận Tây Hồ, ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, quận Tây Hồ có 7/8 phường có nhà văn hóa (NVH), 91% có nhà sinh hoạt cụm dân cư. Hầu hết các NVH được quy hoạch và xây dựng tại các địa điểm khang trang, thuận tiện về giao thông, nơi tập trung dân cư. Hệ thống NVH phường, nhà sinh hoạt địa bàn dân cư, các phòng đọc đã cơ bản được quản lý tốt, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.
Hoạt động tại NVH phường chủ yếu tập trung phục vụ các nhiệm vụ chính trị của phường và quận, kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT. Bên cạnh đó, tổ chức dịch vụ khác như cho thuê, mượn hội trường, địa điểm (thuê tổ chức đám cưới, tổ chức sự kiện....).
Tuy nhiên, hoạt động của các nhà sinh hoạt địa bàn dân cư chủ yếu thực hiện theo kế hoạch của UBND phường, ít có những hoạt động tự chủ từ các địa bàn dân cư. Đa số vẫn là các cuộc họp tổ dân phố, thông tin tuyên truyền, sinh hoạt của các đoàn thể, tổ chức 1-6, trung thu cho trẻ em, ngày 8-3, 20-10, ngày hội đại đoàn kết... Một số nhà sinh hoạt có diện tích rộng hoặc sân chơi thì có thêm các hoạt động luyện tập thể dục thể thao của dân cư như: bóng bàn, cầu lông, cờ tướng, dưỡng sinh.
Kinh phí hoạt động các nhà sinh hoạt địa bàn dân cư của 7/8 phường chủ yếu hoạt động theo phương châm tự quản, tự trang trải từ nguồn kinh phí xã hội hóa do nhân dân địa phương và các hội viên tham gia CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đóng góp. Các nguồn thu xã hội hóa có sổ sách theo dõi và hàng quý, 6 tháng Ban chủ nhiệm nhà sinh hoạt địa bàn dân cư tổ chức báo cáo công khai với cấp ủy chi bộ.
Đoàn khảo sát làm việc tại nhà văn hóa. tổ dân phố 1, TT Sóc Sơn ảnh: P.thảo |
Cho phép xã hội hóa?
Theo UBND quận Tây Hồ, do chưa có cơ chế về kinh phí để duy trì hoạt động của các Trung tâm Văn hóa - thể thao phường, nhà sinh hoạt địa bàn dân cư, do đó vẫn còn những bất cập trong công tác quản lý và khai thác. Mỗi phường đang xây dựng một cơ chế riêng phục vụ cho việc duy trì hoạt động của các thiết chế chủ yếu dựa trên nguồn xã hội hóa của các phường.
UBND quận Tây Hồ đề nghị TP Hà Nội ban hành văn bản chỉ đạo về: quy hoạch sử dụng đẩt; chính sách đầu tư hỗ trợ của nhà nước; quy định cụ thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động; số lượng cán bộ, cộng tác viên và chế độ thù lao; cơ chế, biện pháp thực hiện xã hội hóa văn hóa đối với Trung tâm Văn hóa- thể thao xã (phường). Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Quận ủy Tây Hồ cho rằng, nếu không xã hội hóa trong quản lý và khai thác các thiết chế văn hóa này thì rất lãng phí.
Tại huyện Sóc Sơn, ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng văn hóa thông tin cho biết, toàn huyện có 18 trung tâm văn hóa thể thao xã, 178 trung tâm văn hóa thể thao thôn làng, 312 sân cầu lông, 134 sân bóng đá, 206 sân bóng chuyền hơi, 193 sân bóng chuyền đa, 276 sân bóng cửa, 18 sân tennis, 8 bể bơi tư nhân.
“Các thiết chế này đã phát huy hiệu quả, thu hút được nhiều đối tượng tham gia hoạt động. Trang thiết bị trong các trung tâm văn hóa đầu tư tương đối đầy đủ, chủ yếu được huy động từ các nguồn xã hội hóa”, ông Sinh cho biết.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh, từ năm 2013 đến nay, huyện đã triển khai xây dựng mới và cải tạo 17 trung tâm VHTT thôn làng, tổ dân phố với kinh phí trên 55 tỷ đồng. Phần lớn các trung tâm VHTT đều trang bị đầy đủ các thiết bị thiết yếu phục vụ cho hoạt động. Tuy nhiên, chưa có quy chuẩn nào cho việc xây dựng NVH, nhiều NVH xây dựng không đồng bộ, thiếu trang thiết bị, quĩ đất chưa đảm bảo. Công tác xã hội hóa chưa phát huy được hết tiềm năng…
Khai thác các thiết chế văn hóa gắn với các thiết chế thể thao
Theo Sở VH&TT, toàn TP có 23 thiết chế văn hóa. 30/30 quận, huyện, thị xã đều thành lập trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao. Riêng các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, Quốc Oai đã có Trung tâm thể thao nhưng chưa có Trung tâm văn hóa; quận Nam Từ Liêm đang bắt đầu triển khai xây dựng Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao.
Đánh giá về tiêu chí theo quy định của Bộ VH-TT&DL quy định thì các thiết chế văn hóa, thể thao cấp TP và quận, huyện hầu hết đáp ứng được đầy đủ tiêu chí. Đối với thiết chế văn hóa cấp xã, phường thì tỷ lệ còn thấp 19,2%; NVH, thôn đạt tỷ lệ cao 85,1%.
Sở VH&TT kiến nghị TP xem xét ban hành Quy chế quản lý, tổ chức hoạt động NVH thôn, tổ trên địa bàn TP Hà Nội, tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư, xây dựng và quản lý, tổ chức hoạt động theo hướng xã hội hóa và tự chủ. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa.
Đoàn khảo sát đề nghị Sở VH&TT cần phối hợp với các cơ quan chức năng để phát huy hơn nữa hiệu quả các mô hình văn hóa ở cơ sở; phối hợp với các Cty lữ hành quảng bá giá trị văn hóa trên địa bàn Thủ đô đến du khách trong và ngoài nước.
Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP Bùi Huyền Mai, Trưởng đoàn khảo sát đã ghi nhận các kiến nghị của các quận, huyện và Sở VH&TT. Theo bà Mai, các quận, huyện cần chú ý khai thác các thiết chế văn hóa gắn với các thiết chế thể thao để phát huy được hiệu quả hoạt động.
Hiện nay, 112/584 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao; 252/386 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 100% các xã được công nhận có hệ thống NVH, khu thể thao; 1.727/5.452 tổ dân phố có NVH, điểm sinh hoạt cộng đồng. Do khó khăn về quỹ đất tại các quận nội thành nên nhiều tổ dân phố phải sử dụng chung một NVH (hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng). Các điểm sinh hoạt cộng đồng chỉ đảm bảo được diện tích phục vụ hội họp của tổ dân phố, không có quỹ đất để xây dựng các công trình phụ trợ. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại