Thứ sáu 22/11/2024 07:49

Chính sách giáo dục nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2023

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ tháng 12/2023, 4 nhóm chính sách đặc biệt quan trọng: xếp lương giáo viên dạy người khuyết tật, xây dựng trường học an toàn, sắp xếp lại vị trí việc làm trong trường phổ thông và mầm non chính thức có hiệu lực.
Chính sách giáo dục nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2023
Giáo dục kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông cho học sinh tại trường học. Ảnh: Khánh Linh

Xếp lương giáo viên dạy người khuyết tật

Thông tư 21/2023/TT-BGDĐT quy định, từ ngày 16/12, lương của viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.

Theo thông tư, việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật mã số V.07.06.16 đối với 2 trường hợp:

Trường hợp 1, viên chức đang làm công tác hỗ trợ giáo dục người khuyết tật nhưng chưa được bổ nhiệm theo quy định của Thông tư liên tịch số 19 năm 2016 khi đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 của Thông tư này.

Trường hợp 2, được tuyển dụng vào vị trí việc làm viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật sau ngày thông tư này có hiệu lực và đáp ứng yêu cầu về tập sự theo quy định.

Quy định vị trí việc làm trong trường phổ thông

Từ ngày 16/12, Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập có hiệu lực.

Theo quy định, danh mục khung vị trí việc làm được chia làm 4 nhóm: (1) Nhóm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý (hiệu trưởng; phó hiệu trưởng); (2) Nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành (giáo viên, giáo vụ, hỗ trợ người khuyết tật,…); (3) Nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn (văn thư, thủ quỹ, kế toán…); (4) Nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ (bảo vệ, phục vụ, y tế học đường,…).

Thông tư 20 bổ sung 1 vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường phổ thông nhằm thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác tư vấn học sinh trong các trường phổ thông.

Tại Điều 3 Thông tư 20 quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên. Cụ thể, vùng 1: Các xã khu vực II, khu vực III theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ;

Vùng 2: Các xã khu vực I (trừ các phường, thị trấn) theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Vùng 3: Các phường, thị trấn thuộc khu vực 1 theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các xã, phường, thị trấn còn lại.

Căn cứ quy định chia vùng, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định các đơn vị cấp xã theo từng vùng làm căn cứ để tính định mức giáo viên cho các cơ sở giáo dục phổ thông.

Đối với trường hợp đặc biệt phải bố trí số lượng học sinh/lớp thấp hơn hoặc cao hơn so với mức bình quân theo vùng quy định thì UBND cấp tỉnh quyết định định mức số lượng học sinh/lớp học phù hợp với thực tế.

Quy định vị trí việc làm trường mầm non công lập

Thông tư số 19 quy định, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Mỗi cơ sở mầm non công lập sẽ được bố trí 1 hiệu trưởng. Số lượng phó hiệu trưởng thực hiện theo Nghị định 120 năm 2020 của Chính phủ.

Với sĩ số nhóm trẻ được tính: 15 trẻ em/nhóm trẻ từ 3 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi; 20 trẻ em/nhóm từ 13 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi; 25 trẻ em/nhóm trẻ từ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi.

Với lớp mẫu giáo: sĩ số 25 trẻ em/lớp từ 3 tuổi đến 4 tuổi; 30 trẻ em/lớp từ 4 tuổi đến 5 tuổi; 35 trẻ em/lớp từ 5 tuổi đến 6 tuổi được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp.

Đối với các trường không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo theo quy định thì tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.

Về vị trí việc làm hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, cơ sở giáo dục dưới 20 trẻ khuyết tật thì được bố trí 1 giáo viên; cơ sở giáo dục có từ 20 trẻ khuyết tật trở lên thì được bố trí tối đa 2 người. Trường hợp không bố trí được biên chế để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục người khuyết tật thì bố trí hợp đồng lao động hoặc giáo viên kiêm nhiệm.

Các cơ sở giáo dục mầm non được bố trí 2 người để thực hiện các nhiệm vụ kế toán, văn thư, thủ quỹ, thư viện. Riêng các trường mầm non có từ 5 điểm trường trở lên hoặc có từ 15 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trở lên thì bố trí 3 người.

Các cơ sở giáo dục mầm non bố trí tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ y tế học đường, tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ phục vụ.

Xây dựng trường học an toàn

Từ ngày 12/12, Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong trường học có hiệu lực thi hành.

Thông tư hướng dẫn nội dung, biện pháp, kiểm tra, đánh giá xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Kết quả đánh giá trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích theo 2 mức: Mức “Đạt” – tối thiểu 80% tiêu chí được đánh giá ở mức “Đạt”, trong đó 100% tiêu chí bắt buộc phải được đánh giá ở mức “Đạt”. Mức “Chưa đạt” là không đáp ứng quy định ở trên.

Căn cứ vào kết quả đánh giá trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích là một trong các tiêu chí để đánh giá, công nhận nhà trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Thầy giáo mầm non duy nhất được vinh danh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc 2023
Kỳ 1: Đăng ký học trên tinh thần “tự nguyện trong ép buộc”
Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Nam lên tiếng về vụ nam sinh lớp 8 bị bạn bạo hành vùng kín
Trí Đức
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động