Thứ năm 02/05/2024 04:49

Chỉ tuyên truyền pháp luật là chưa đủ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Công việc của một phóng viên pháp luật không hề dễ dàng. Không chỉ những niềm vui, mà nhiều nỗi buồn cứ mênh mang sau mỗi câu chuyện từng nghe, mỗi cảnh ngộ đã từng gặp. Và với họ, chỉ tuyên truyền pháp luật là chưa đủ.
Chỉ tuyên truyền pháp luật là chưa đủ
Phóng viên Pháp luật & Xã hội trong một buổi làm việc

Tôi gặp cô trong một lần chăm mẹ ở bệnh viện. Cái dáng khắc khổ, còng còng vì cơn đau khớp khiến cô nhỏ bé, già hơn rất nhiều so với tuổi. Mấy ngày liền, một mình cô ở bệnh viện, trưa tối đặt cơm căn tin, ăn xong lại lúi húi giặt giũ.

Khi biết làm nhà báo, cô níu lấy tay tôi, khuôn mặt vốn nhợt nhạt bỗng chốc sáng bừng, cô bảo, may quá, cháu giúp cô không thì cô bị người ta cướp đất mất. Câu chuyện cô kể không rõ đầu rõ đuôi, nhưng cũng có thể hiểu rằng những năm 80, cô có mua 1 mảnh đất ở tại thị trấn Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội). Mảnh đất được xén ra từ khuôn đất hương hỏa của nhà người đàn bà hơn cô vài tuổi, khá dữ dằn. Đất được mua bán, công chứng hẳn hoi và đã ra sổ đỏ. Do chưa có nhu cầu xây nhà nên cô vẫn để đất không, mặc dù nhà chủ cũ bên cạnh đã xây lên 1 ngôi nhà to.

Năm 2019, cô xin giấy phép xây nhà. Có giấy phép cô lại cất công tìm thợ để xây dựng công trình. Nhưng lạ một cái, cô vừa đổ tầng 1 thì chính quyền địa phương vào cưỡng chế và… yêu cầu cô phá dỡ. Đất nhà cô, xây có giấy phép, vậy hà cớ gì mà bắt cô dỡ. Cô ngang ngược chống đối, họ đến và cưỡng chế.

Những người xung quanh bảo cô, chính quyền muốn cướp đất nhà cô để xây dựng vườn hoa đấy. Oan ức quá, cô làm đơn khiếu nại khắp nơi. Và dăm lần bảy lượt chính quyền thị trấn đến tìm cô rằng, đất nhà cô phía bên trong, đã bị chính người chủ cũ xây lấn rồi. Còn đất hiện tại cô đang xây là đất công. Và họ cho cô xem bản đồ địa chính cũng như trích lục hồ sơ hồi còn rất xa xưa. Cô không hiểu gì cả. Và họ hướng dẫn cô làm đơn kiện đòi lại đất xuống TAND huyện Gia Lâm.

Nhà chủ cũ biết chuyện, thách thức cô, họ chẳng làm gì mà đòi họ. Mà họ cũng chẳng có mà trả. Cô muốn làm gì thì làm. Nộp đơn mãi chẳng thấy tòa thụ lý, cô lại lặn lội khắp nơi dò hỏi, gặp ai cũng kêu cũng cầu. Cái sổ đỏ lù lù trong tay cô bỗng nhiên trở nên vô dụng, có đất mà chẳng được ở!

Sau khi nghe kể, xem hồ sơ và tìm hiểu về câu chuyện, tôi vỡ lẽ ra rằng. Câu chuyện thực ra không có gì, cô không sai, chính quyền cũng không sai… Cái sai là cô và người chủ cũ đang tự… đặt lại mảnh đất của chính mình. Bởi, vốn mảnh đất hình thang, có vị trí chéo so với mặt đường, nhưng cô và người chủ đất cũ đã… dựng thẳng và nôm na rằng, đất vẫn đúng diện tích so với sổ – thế là không có sai xót gì cả. Và cũng chỉ vì cái ý nghĩa ấy, đáng lẽ phần đất phải trả cho cô vì đã bán thì người chủ cũ xây luôn lên trên đó, bởi lẽ thế đất mới vuông, và vì thế đất mới đủ diện tích sổ đỏ của bà ấy.

Tất nhiên sau khi giải thích, cô cũng hiểu ra vài phần và kiên định chờ đợi. Nhưng chỉ ít thời gian sau, điện thoại của tôi lại sôi sùng sục bởi vì… hàng xóm nhà cô lại bảo chính quyền… lừa cô. Và tôi lại bắt đầu lại từ đầu câu chuyện, lần này, tôi giới thiệu cô đến chương trình trợ giúp pháp lý của một nhóm luật sư tôi biết. Nhưng câu chuyện chỉ lại tiếp tục êm ả được vài hôm…

Đó là một trong những câu chuyện khiến tôi thực sự nặng lòng trong quá trình tác nghiệp. Một vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng với những người dân khi họ đã thiếu hiểu biết pháp luật, lại thiếu đi niềm tin nơi chính quyền, các cơ quan lập pháp, hành pháp… thì quả thực vô cùng phức tạp.

Vậy nên, chỉ tuyên truyền là không đủ, bởi có lẽ như thế chúng ta mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Còn cái gốc thì cần phải đào sâu, vun xới... Như thế, có lẽ vẫn cứ là việc giáo dục mọi người dân hiểu biết về pháp luật là điều vô cùng cần thiết!!!

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động