Chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng hơn?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBáo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam gửi Bộ Tài chính cũng nêu rõ, đối với chi phí premium nhập khẩu (yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng nhập khẩu xăng dầu) đang có chênh lệch lớn giữa định mức được điều chỉnh ngày 11/7 so với thực tế |
Khẩn trương báo cáo chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khẩn trương rà soát đánh giá việc thực hiện và báo cáo các nội dung chi phí cụ thể bao gồm báo cáo chi tiết chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng (lưu ý các khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm, hao hụt, giám định... không bao gồm VAT). Thời kỳ thu thập số liệu báo cáo từ 21/10 đến 14/11.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi các báo cáo nêu trên, có so sánh, phân tích đánh giá so với kỳ báo cáo trước (từ ngày 1/6 đến ngày 20/10); đánh giá cụ thể về tính bất thường và tác động đến hoạt động kinh doanh của đơn vị, kiến nghị, đề xuất về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), đồng thời gửi về Bộ Công thương trước 10h sáng ngày 15/11. Bộ trưởng Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công thương và các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu định kỳ trước ngày 20 hàng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu; thực hiện ngay nhiệm vụ này để phục vụ kỳ điều hành giá gần đây nhất.
Trong thực tế, tình hình cung ứng xăng dầu nhập khẩu thời gian qua cho thấy, Bộ Tài chính quản lý dự báo tình hình cung ứng xăng dầu nhập khẩu trong tương lai gần từ các yếu tố cơ bản như: tồn kho xăng dầu nhập khẩu trên thị trường, phân tích cụ thể đến từng vùng, địa phương trên cả nước (có thể thống kê được ở cấp cây xăng là 1-3 ngày, cấp tổng đại lý là 4-6 ngày...); khối lượng xăng dầu nhập khẩu vừa cập cảng tại vùng nào (Bắc - Trung - Nam) kèm theo chi phí nhập khẩu ở bước này đã khá chính xác (dự báo được từ 7-10 ngày tại khâu này). Đặc biệt quan trọng là tình hình ký hợp đồng mua xăng dầu với nhà sản xuất nước ngoài bởi đã có đầy đủ thông tin về giá, chi phí, khối lượng, địa điểm giao hàng ở khu vực nào (mất 15-20 ngày về tới cảng, có hợp đồng cung cấp ký trước 2 tháng). Kết hợp những yếu tố nêu trên, cơ quan quản lý Nhà nước cần chủ động bám sát thị trường, kết hợp linh hoạt giữa xăng dầu sản xuất trong nước với xăng dầu nhập khẩu, dự báo khu vực nào sẽ thiếu cung để điều phối, phân phối về khu vực đó; điều hành linh hoạt từ khu vực còn tồn kho lớn về khu vực đang thiếu.
Chi phí vận chuyển đã tăng nhưng vẫn không thể bù lỗ?
Mới đây, trước biến động bất thường về chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, ngày 8/11, căn cứ vào số liệu do 28 DN cung cấp, Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng chi phí này đối với một số mặt hàng xăng dầu. Cụ thể đối với xăng E5Ron92 đã tăng 290 đồng/lít lên 640 đồng/lít và xăng E95 tăng thêm 560 đồng/lít lên mức 1.280 đồng/lít. Theo Bộ Tài chính, chi phí định mức này đã cao hơn chi phí nhập khẩu thực tế của các lô xăng dầu gần đây. Cụ thể, ngày 20/10, Petrolimex nhập 1 lô RON92 với chi phí là 359 đồng/lít (định mức là 640 đồng/lít); RON95 là 819 đồng/lít (định mức là 1.280 đồng/lít). Tới ngày 6/11 có 1 lô cũng của Petrolimex vừa về tới cảng có chi phí là 458 đồng/lít đối với RON92 và 803 đồng/lít đối với RON95, đều thấp hơn chi phí định mức Bộ Tài chính mới sửa đổi.
Bộ Tài chính cũng đã gửi công văn đến Bộ Công Thương về việc điều chỉnh tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, xem xét áp dụng từ ngày 11/11. Tuy nhiên, nhiều DN đầu mối cho rằng, mức nâng này thấp, không giúp DN bớt lỗ, nguồn cung xăng dầu có thể vẫn thiếu hụt cục bộ. Chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam dù đã tăng nhưng theo một số DN là quá thấp, chỉ tăng 5 - 83%, tương ứng với 60 - 660 đồng/lít. Trên thực tế, có DN đã tự thống kê chi phí tăng tới 67% đến 466%/lít xăng dầu, tức là gấp gần 6-10 lần so với mức Bộ Tài chính đề xuất.
Một DN đầu mối xăng dầu cho biết, DN đã chịu lỗ rất nặng từ đầu năm đến nay do chi phí kinh doanh xăng dầu không được cập nhật tính đúng, tính đủ cho DN nhập khẩu. Theo tính toán thực tế của DN này (nhập khẩu xăng dầu về từ Hàn Quốc), chi phí nhập khẩu gồm 3 loại phụ phí (pre), cước vận chuyển, bảo hiểm, các mức phụ phí này từ đầu năm 2022 đến nay đều tăng rất cao. So sánh quý I với quý III, mặt hàng xăng không phát sinh tăng, nhưng mặt hàng dầu phụ phí tăng 90%, cước vận chuyển tăng tới 442%, bảo hiểm tăng 40%, tính chi phí chung tăng 315%.
Đặc biệt, so sánh quý I với quý IV, cả xăng và dầu đều tạm tính tăng rất cao. Trong đó, xăng có phụ phí 2.348 đồng/lít, cước vận chuyển 1.365 đồng/lít, bảo hiểm 4 đồng/lít, tính chi phí chung là 3.717 đồng/lít, tăng 67%. Mặt hàng dầu phụ phí là 776 đồng/lít, cước vận chuyển là 1.365 đồng/lít, bảo hiểm 4 đồng/lít, tính chi phí chung là 2.145 đồng/lít, tăng tới 466%. Như vậy, chi phí thực tế cao hơn rất nhiều so với tính toán của Bộ Tài chính dự kiến đưa ra.
Cũng theo phản ánh của một DN về kinh doanh xăng dầu, về chi phí premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng từ đầu năm đến nay đều tăng cao. Vì vậy, nhận định "không phát sinh đột biến" là chưa đúng so với thực tế. Báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam gửi Bộ Tài chính cũng nêu rõ, đối với chi phí premium nhập khẩu (yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng nhập khẩu xăng dầu) đang có chênh lệch lớn giữa định mức được điều chỉnh ngày 11/7 so với thực tế. Đơn cử với các mặt hàng dầu chênh lệch gần 300-680 đồng/lít, cao hơn khá nhiều so với con số Bộ Tài chính đưa ra.
Đề nghị Bộ Công Thương sớm có ý kiến về điều chỉnh chi phí xăng dầu | |
Điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu | |
Bộ Tài chính đề nghị báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại