Cánh đào ước hẹn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDu khách nước ngoài thích thú với chợ hoa Hàng Lược. |
- Bà ơi, ông ơi, xem cành đào con và bố vừa chọn mua ở chợ hoa Hàng Lược có đẹp không?
Cô cháu gái đang là sinh viên đại học ào vào sân nhà, giọng vui vẻ, trên tay cầm cành đào bích đầy nụ phơn phớt hồng. Bà đang lúi húi đính mấy cuống huân huy chương của ông lên bộ lễ phục quân đội để gặp gỡ đồng đội cựu chiến binh, còn ông thì đang lo tỉa một củ hoa thủy tiên. Nghe tiếng cô cháu gái yêu, cả hai ông bà cùng ngó ra…
- Ừ, dáng tròn, các cành nhỏ quấn quýt tụ hội, như một sự tròn đầy viên mãn… Bố con nhà này khéo chọn.
Ông nhìn cô cháu gái mỉm cười khen. Còn bà đưa ánh mắt trìu mến nhìn ông, nhìn cành đào. Mới đó mà đã gần 50 năm trôi qua. Như một dòng hồi ức mùa xuân tràn về...
*
* *
Bà là con gái phố cổ Hà Nội, được sinh ra đúng đêm giao thừa năm 1947, khi cả Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Mẹ bà kể, lúc đó, cha của bà là chiến sĩ Vệ quốc đoàn đang chiến đấu sinh - tử ở ngay con phố gần nhà. Khi nghe tin, ông chỉ kịp chạy về nhìn mặt con xong là chạy ra trận chiến và đó cũng là lần duy nhất bà được gặp mặt cha. Rồi đến năm bà 20 tuổi, là sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng vào mùa xuân, bà tiễn ông - là người yêu, vào Nam chiến đấu.
Bà nhớ lúc đó đã gói trong chiếc khăn tay thêu cành đào bích những cánh hoa đào đỏ thắm như một ước hẹn mùa xuân chiến thắng ông sẽ trở về. Suốt 8 năm ròng, bà mong ngóng đợi từng lá thư cứ thưa dần theo đường hành quân chiến đấu của ông, có thời gian mấy năm liền không một tin tức, chỉ biết nghe qua đài tin chiến sự trong Nam ngày càng khốc liệt... Nhưng không hiểu sao, mỗi khi Tết đến xuân về, ngắm cành đào bích nở hoa khoe sắc thắm, trong bà có niềm tin mãnh liệt ông sẽ trở về.
*
* *
Cô cháu gái sau khi cắm xong cành đào vào chiếc bình sứ Bát Tràng men lam, lân la đến bên bà, nhưng hướng ánh nhìn sang ông:
- Ông ơi, thế ngày đó ông ở chiến trường, ông có nhớ bà, có tin bà sẽ đợi ông?
- Con bé này hỏi lạ. Ông mà không nhớ bà, ông không tin bà đang đợi, ông không trở về được để có bố con, có con hôm nay.
- Là sao, ông kể đi.
- Là ông chiến đấu, bị thương nặng, đã muốn buông xuôi, nhưng những là thư bà gửi trước đó và bảo bối là chiếc khăn tay của bà thành “thuốc” trị liệu cho ông. Ông còn nhớ, cô bác sĩ quân y cứ mỗi lúc rảnh là lấy thư của bà ra đọc cho ông nghe, còn ông ấp chiếc khăn của bà trên ngực…. Thần kỳ, ông hồi phục, và còn tham gia trận chiến sau cùng tiến thẳng vào Sài Gòn tháng 4/1975.
Bà ngồi nghe ông kể chuyện cho cô cháu gái, mủm mỉm cười nhìn ông ấm áp. Ừ, vắn tắt thế thôi, nhưng ai hiểu 8 năm trời bà đợi chờ ông với một tình yêu chung thủy, bỏ qua tất cả những mời mọc đầy dẫn dụ quyền lực và phú quý. Bà nhớ lúc ông trở về, bà đã ôm ông, khóc trên vai ông, khi ông đưa ra chiếc khăn tay đã cũ, bị thủng vài chỗ, còn hoen vài vệt máu đã ố, nhưng cành hoa đào thêu trên khăn vẫn vẹn nguyên. Ông nói với bà:
- Em à, cánh hoa đào đã bị rơi mất hết qua mấy lần anh bị thương, nhưng anh đã giữ lại chiếc khăn này như giữ hơi ấm và lời hẹn ước trở về cùng em mùa xuân.
- Ông ơi, mà sao bà lại thêu cành đào, bà lại gói cánh hoa đào tặng ông?
- À, để ông kể cháu nghe về cành hoa đào Hà Nội năm bà con sinh ra. Câu chuyện này do ông cụ nội con kể lại, vì ông cụ nội của con cũng là một chiến sĩ Vệ quốc.
Tết năm 1947, khi ấy Trung đoàn Thủ Đô “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đang chiến đấu trong thành Hà Nội, nhưng vẫn chuẩn bị một tiệc tất niên mời khách ngoại giao đoàn quốc tế. Lúc đó, mọi thứ cho bàn tiệc đã đầy đủ, chỉ thiếu một cành đào, không có đào thì chưa phải tiệc Xuân, nhưng có cành đào thì không hề dễ, phải vượt qua rất nhiều điểm đang giao tranh giữa Việt Minh - quân đội Pháp, để ra ngoại thành mang về. Một tổ ba người đã được cử đi, sau nửa ngày, họ hoàn thành nhiệm vụ, mang về một cành đào bích Nhật Tân tuyệt đẹp. Bữa tiệc tất niên đó đã để lại ấn tượng sâu sắc với khách ngoại giao đoàn từ chính cành đào bích, họ nói rằng, cành đào như một biểu tượng chiến thắng của Việt Minh, và họ tin vào điều đó.
- Đấy, đó là lý do bà của con lại chọn hoa đào như một lời ước hẹn cùng ông.
- Dạ, con đã hiểu rồi ạ.
Hoa đào mùa xuân, hoa đào Hà Nội, không biết tự bao giờ được chọn là loài hoa đón xuân, tượng trưng cho ước vọng may mắn, thịnh vượng của một năm mới. Không những thế, đây còn là loài hoa của ước hẹn, của niềm tin vào tình yêu của những người con trai con gái Hà Nội.
Ngoài trời, những giọt mưa xuân đã lất phất bay, khói hương trầm thơm bảng lảng trong ngôi nhà giữa phố cổ, cành đào đang e ấp bung nở những nụ hồng báo hiệu mùa xuân đã đến. Và cô cháu gái mắt lấp lánh niềm vui nhìn hai ông bà mình tay trong tay đón xuân thật ấm áp hạnh phúc.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại