Thứ hai 20/05/2024 19:20

Cảnh báo tác động tiêu cực của quảng cáo tới trẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Nhìn chung, có khá nhiều phương án kịch bản trong quảng cáo nhưng chúng ta nên lựa chọn những phương án nào phù hợp và có tác dụng tốt cho sự phát triển của trẻ em.


Có thể thấy, gần đây, hình ảnh trẻ em liên tục xuất hiện trên các clip quảng cáo sản phẩm. Đáng nói, bên cạnh những quảng cáo “sạch” về nội dung và ý tưởng thì vẫn còn nhiều clip quảng cáo “quá đà”, gây phản cảm và có tác động tiêu cực đến nhận thức của trẻ nhỏ.

Để dỗ con ăn thì nhiều phụ huynh chọn giải pháp cho bé xem ti vi, đặc biệt là quảng cáo. Hình ảnh ngộ nghĩnh độc đáo từ những clip quảng cáo luôn thu hút sự chú ý của trẻ nhỏ. Nhưng thực tế, một số trẻ hiếu động ngoài việc xem những hình ảnh đó thì chúng còn bắt chước một cách thích thú. Cho nên, nếu hình ảnh quảng cáo mang tính tích cực thì điều đó khá tốt cho trẻ nhỏ. Nhưng nếu nó mang tính tiêu cực thì vô hình trung clip quảng cáo đó đã gián tiếp dạy cho trẻ nhỏ một thói quen xấu.


Hành động vẽ lên cửa kính của cậu bé trong quảng cáo “sữa cô gái Hà Lan”. Ảnh: Nguyễn Tuấn


Một ví dụ điển hình là quảng cáo bánh kem Oreo vốn quen thuộc không chỉ bởi được nhiều phụ huynh và trẻ nhỏ ưa thích mà còn bởi tần suất xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông: Báo chí, truyền hình thậm chí trên cả xe buýt. Ở phiên bản đầu tiên của clip có chi tiết mô phỏng hai bố con dạy nhau làm bánh. Sau khi công đoạn này hoàn thành thì cậu bé đã chứng tỏ sự “háu ăn” khó lòng kiềm chế được của mình bằng cách nhảy lên và “giật phắt” trên tay bố. Có thể, thông điệp mà clip quảng cáo gửi tới là “sự hấp dẫn không thể chối từ” của loại bánh này nhưng kịch bản cũng như lối diễn xuất “quá ngọt” của hai diễn viên chính lại khiến nhiều bậc phụ tỏ ý không đồng tình.

Theo chị Minh Thu, trú tại phố Kim Mã, quận Ba Đình, thì, để lột tả sự “thèm thuồng” của trẻ con có thể dùng ánh mắt biểu cảm hoặc những lời nói ngộ nghĩnh, đáng yêu chứ không nên có hành động “giật đồ” trên tay người lớn mà chưa được sự cho phép. Nếu trẻ bắt chước hành động này thì trong tương lai, sự vô lễ như vậy sẽ luôn tồn tại trong trẻ. Hơn nữa, vai người cha (do diễn viên Chi Bảo đóng) nên có hành động ngăn chặn hành vi đó kèm theo vài câu nhắc nhỏ thì nó sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.

Còn theo chị Phương, trú ở quận Hà Đông, một số đứa trẻ hiện nay rất hay tự tiện lấy đồ ăn hoặc đồ chơi mà không hỏi cũng như chưa nhận được sự cho phép của người lớn. Thói quen tự tiện như vậy sẽ không tốt cho trẻ. “Tôi nghĩ quảng cáo cho trẻ nhỏ nên hướng tới cả sự giáo dục về tính cách, như vậy sẽ tốt hơn”, chị Phương nói thêm.

“Cứ mỗi lần uống sữa xong là con trai tôi lại tay lăm lăm cây bút dạ và chạy ra cửa sổ để vẽ”, chị Thu Mai, trú ở phường Khương Thượng, quận Đống Đa, than thở. Thì ra, trong clip quảng cáo “sữa cô gái Hà Lan” có đoạn minh họa sự thông minh và năng động của trẻ nhỏ thông qua việc uống hết một ly sữa là rời bàn học để đến bên cửa sổ nhìn và “sáng tác nghệ thuật”. Thế là cứ ngày 2 lần, chị Mai cho con uống sữa thì chồng lại cầm theo nước rửa kính và giẻ ra để lau. Đúng là chuyện thật như đùa.

Quả thật, những clip quảng cáo kiểu này có thể sẽ tác dụng tốt trong việc gây sự chú ý của khán giả và quảng bá được sản phẩm của doanh nghiệp (DN). Nhưng những yếu tố tác động tiêu cực của nó thì sao, liệu các nhà sản xuất đã lường trước được điều đó? Nhìn chung, có khá nhiều phương án kịch bản trong quảng cáo nhưng chúng ta nên lựa chọn những phương án nào phù hợp và có tác dụng tốt cho sự phát triển của trẻ em. Thực tế, một số đơn vị sản xuất hiện nay chủ yếu đề cao tiêu chí ấn tượng và “câu khách”. Đồng thời, không vi phạm các điều luật quảng cáo cũng như tính phản cảm, để có thể được chấp nhận phát sóng.

Trao đổi với PV, ông Mạnh Hùng, nguyên Phó trưởng phòng biên tập phim Đài truyền hình Việt Nam, cho biết, quảng cáo khá quan trọng đối với DN trong việc quảng bá sản phẩm. Nhiều lứa tuổi đều xem các chương trình quảng cáo này. Cho nên, khi xây dựng một clip quảng cáo ngoài các tiêu chí ấn tượng, “câu khách”, cũng như không vi phạm các quy định trong luật quảng cáo thì chúng ta nên quan tâm đến yếu tố giáo dục, nên hướng các Clip quảng cáo có ý nghĩa giáo dục cao. Như vậy, clip quảng cáo mới thực sự mang lại thành công cũng như đóng góp cho lợi ích chung của xã hội.


N. Tuấn - Linh Nhi

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động