Thứ ba 03/12/2024 23:55

Cần xem xét giảm mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo các doanh nghiệp rượu, bia, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá bán sản phẩm và dẫn đến giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ trong bối cảnh thu nhập của người tiêu dùng giảm trong giai đoạn năm 2024 - 2025. Do đó, cần xem xét giảm mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và giãn lộ trình tăng.
Cần xem xét giảm mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Các mặt hàng nước giải khát, bia được bày bán tại một Siêu thị Winmart ở Hà Nội ẢNH: NGUYỄN ĐĂNG

Lợi nhuận của các doanh nghiệp đã sụt giảm lớn

Tại dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất lộ trình tăng thuế này với các sản phẩm rượu, bia giai đoạn 2026-2030. Cụ thể, bia các loại chịu thế 80% từ 2026 và 100% vào 2030. Mức thuế với rượu 50-100% (tùy nồng độ dưới hay trên 20 độ). Với lộ trình này, giá bán các mặt hàng này sẽ tăng 20% vào năm 2026 và thêm 2-3% ở các năm tiếp theo.

Phát biểu tại Hội thảo góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vừa qua, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Chu Thị Vân Anh cho biết, trong giai đoạn từ năm 2020 tới nay, ngành đồ uống rượu, bia, nước giải khát đã liên tục chịu tác động tiêu cực. Nhu cầu giảm sút do kinh tế khó khăn hậu Covid-19 và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao từ 15 - 30%. Trong khi đó, ngành đồ uống có cồn lại không thuộc đối tượng giảm thuế VAT nên không được hỗ trợ mà chịu nhiều hạn chế từ 4 Luật lớn: Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, thương mại điện tử, bảo vệ môi trường.

Với những khó khăn này, ngành rượu bia đã bị sụt giảm mạnh về sản lượng. Chỉ số tồn kho toàn ngành đồ uống năm 2023 ước tính tăng 120% so với năm 2022 và Quý II cũng ghi nhận chỉ số tồn kho ngành đồ uống tăng gần 128,9%. Do đó, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) đã sụt giảm lớn, thậm chí đã có nhà máy phải đóng cửa. Cùng với đó, DN rượu nhập khẩu cũng sụt giảm doanh số, dẫn đến việc phải tái cấu trúc, cắt giảm nhân viên, thu hẹp văn phòng...

Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cũng cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường còn có thể tác động đáng kể tới các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bao bì, bán lẻ và hậu cần ở Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng tới các DN vừa và nhỏ. Với phân tích trên, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam đề nghị không áp thuế tiêu dùng đặc biệt đối với nước giải khát có đường.

Cần cân nhắc về lộ trình áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam bày tỏ, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không chỉ có nguy cơ giảm thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng và thu nhập DN, mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành nước giải khát, các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần. Do đó, khuyến nghị các cơ quan cần cân nhắc về lộ trình áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, từ đó tránh tạo ra những rủi ro chính sách cho các DN trong chuỗi cung ứng của ngành nước giải khát.

Ở góc độ DN, Giám đốc đối ngoại cấp cao Heineken Việt Nam Nguyễn Thanh Phúc, nêu ý kiến: "Việc tăng thuế cần được xem xét cẩn trọng và đánh gia tác động một cách toàn diện, đảm bảo cân bằng về thu ngân sách, ổn định kinh tế, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế".

Ngành bia hiện có vai trò cực lớn, nhất là với các nhà máy đặt tại địa phương, đóng góp đáng kể cho kinh tế vùng và địa phương, đảm bảo an sinh và nộp góp ngân sách Nhà nước khoảng gần 60.000 tỷ đồng/năm. Do đó, ông Phúc lo ngại, áp thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ tác động trực tiếp đến các DN sản xuất mà còn ảnh hưởng đến cả chuỗi trong hệ sinh thái ngành, từ sản xuất nông nghiệp, bao bì, dịch vụ, du lịch, kinh tế đêm...

Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, Đậu Anh Tuấn bày tỏ, có lẽ dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là một trong những dự thảo ít chữ nhất nhưng lại ảnh hưởng lớn tới DN, ngành hàng. Ban soạn thảo hiện chịu sức ép lớn, quá trình thảo luận dài, do đó, cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều để chọn phương thức tối ưu nhất.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, sắc thuế này với bia rượu của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều nước. Ông Thịnh nhìn nhận chính sách tăng thuế với rượu, bia là bài toán lâu dài để đảm bảo lượng tiêu thụ ở mức thấp.
Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): rượu, bia có thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Thuế tiêu thụ đặc biệt rượu, bia tăng lên 100%, doanh nghiệp "đứng ngồi không yên"
Phúc Nguyễn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động