Cẩn trọng khi sản xuất các game show về cộng đồng LGBT
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNăm 2018, truyền hình Việt có khá nhiều chương trình về cộng đồng LGBT như: Come out - Bước ra ánh sáng, Love Wins, Just Love, Nghe cầu vồng nói - LGBT Việt… Một gameshow chuẩn bị lên sóng là Chinh phục hoàn hảo (The Tiffany Vietnam). Quán quân của cuộc thi này sẽ đại diện cộng đồng LGBT của Việt Nam dự thi cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới quốc tế. Tuy nhiên, chương trình sẽ không xây dựng thành cuộc thi sắc đẹp mà được xây dựng thành một chương trình truyền hình thực tế.
Bên cạnh đó, một số chương trình dù không dành riêng cho người thuộc cộng đồng LGBT nhưng họ vẫn có quyền tham gia như: Yêu là cưới, Người ấy là ai, Bạn muốn hẹn hò,… Một số chương trình có thông điệp nhân văn, ý nghĩa, được xây dựng hấp dẫn, mới mẻ như: Người ấy là ai, Come out – Bước ra ánh sáng, Just Love.
Cụ thể, chương trình Come out - Bước ra ánh sáng kể về quá trình bộc lộ bản thân, câu chuyện tình yêu của người đồng tính để gia đình họ thấu hiểu và chấp nhận. Chương trình Người ấy là ai tuy là gameshow hẹn hò nam nữ, được mua bản quyền từ Thái Lan, không dành riêng cho cộng đồng LGBT nhưng mỗi số đều có người đồng tính nam tham gia. Trong chương trình này, nhân vật nữ chính độc thân sẽ đến để tìm người hẹn hò dưới sự hỗ trợ của ban cố vấn và bình luận. 5 chàng trai là đối tượng hẹn hò sẽ thuộc 3 nhóm: Đã có chủ, độc thân và giới tính thứ 3. Cô gái và ban bình luận cần phải phân tích để tìm ra chàng trai nào thuộc nhóm nào. Từ đó sẽ có quyết định cuối cùng. Hầu hết những câu chuyện của người đồng tính nam của Người ấy là ai đều mang lại sự xúc động cho khán giả.
Trong khi đó, Just love là talkshow do Hương Giang Idol – một người nổi tiếng của cộng đồng LGBT và showbiz Việt làm MC. Tại chương trình này, mỗi tập là một chủ đề, những người thuộc cộng đồng LGBT sẽ cùng chia sẻ quan điểm với người thân hay các chuyên gia tâm lý về sự kỳ thị, áp lực đối với họ. Talk show “LoveWins” xoay quanh câu chuyện của những cặp đôi đồng tính ở Việt Nam ra mắt hồi tháng 5-2018 cũng tạo được chú ý với khán giả, đặc biệt là cộng đồng LGBT. Trong talk show, các nhân vật không chỉ chia sẻ câu chuyện của chính bản thân họ mà còn có dịp được gửi gắm, nhắn nhủ những điều mà họ chưa từng dám nói với gia đình mình trước đây để người thân hiểu hơn về họ. Đơn vị sản xuất chương trình này cho biết, trong thời gian tới, họ sẽ tiếp tục cho ra mắt một số dự án phi lợi nhuận khác dành cho cộng đồng LGBT trong thời gian tới.
Hương Giang Idol dẫn dắt chương trình Just Love. Ảnh: Ê-kíp chương trình |
Một trong những lý do khiến truyền hình Việt thời gian gần đây nở rộ các chương trình về cộng đồng LGBT là do bối cảnh xã hội đã phần nào thể hiện cái nhìn cởi mở của xã hội đối với những người thuộc cộng đồng LGBT. Đa phần các chương trình về đề tài LGBT đều hướng đến những giá trị nhân văn, khẳng định cộng đồng LGBT là một phần của xã hội, của cuộc sống. Có thể họ có sự khác biệt về bản dạng giới và xu hướng tính dục với những người khác nhưng sự khác biệt đó là quyền riêng tư, quyền cơ bản của con người cần được tôn trọng. Họ cũng có tài năng, khao khát được cống hiến cho xã hội và xứng đáng được nhận sự trân trọng, yêu thương của những người xung quanh, đặc biệt là gia đình.
Lý do nữa là do các chương trình truyền hình hiện nay, đặc biệt là tìm kiếm tài năng đang ở giai đoạn bão hòa, ít tạo được thu hút như những mùa đầu tiên. Việc xuất hiện những chương trình về cộng đồng LGBT hay các nhân tố thuộc cộng đồng này sẽ tạo được sức hút riêng biệt cho chương trình, như khá nhiều bộ phim Việt, MV ca nhạc cũng khai thác về đề tài này và đều tạo được sự chú ý mạnh mẽ đối với công chúng như phim điện ảnh Song lang, MV ca nhạc Màu nước mắt của Nguyễn Trần Trung Quân hay MV Anh đang ở đâu đấy anh của Hương Giang Idol,…
Dù các chương trình về cộng đồng LGBT đang phát triển rầm rộ trong thời gian gần đây và bước đầu tạo được sức hút với khán giả nhưng các nhà sản xuất nên thật sự cẩn trọng trong việc khai thác các khía cạnh, đề tài liên quan đến cộng đồng LGBT. Muốn có một chương trình hay thì trước tiên, bản thân những người chịu trách nhiệm sản xuất phải thật sự thấu hiểu về cộng đồng LGBT để biết những gì nên đưa vào, những gì nên né tránh, tuyệt đối tránh sử dụng các chiêu trò, yếu tố nhạy cảm, gây cười, dẫn đến sự phản cảm cho chính chương trình, nhân vật và khán giả.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng nên khai thác những khía cạnh văn minh, mới mẻ, tránh việc khai thác lặp đi lặp lại một vấn đề bởi sẽ gây nhàm chán cho khán giả. Có như vậy, các chương trình về cộng đồng LGBT mới lan tỏa được thông điệp nhân văn, có tác động sâu rộng đến xã hội, giúp mọi người thấu hiểu và không còn kỳ thị với người LGBT, góp phần giúp những người thuộc cộng đồng LGBT có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Về phía các nhân vật, trước khi tham gia chương trình về cộng động LGBT cũng cần thật sự sáng suốt, tìm hiểu kỹ lưỡng về chương trình và nên nói không với các chương trình chỉ dùng chiêu trò câu kéo khán giả mà quên đi những giá trị nhân văn cốt lõi. Còn khán giả, hãy là những khán giả công tâm có cái nhìn khách quan, cởi mở hơn với những người thuộc cộng đồng LGBT để họ có cơ hội chia sẻ về cuộc đời, những mong ước của bản thân và đặc biệt, cũng nên nghiêm khắc, tẩy chay các chương trình thiếu lành mạnh, nhân văn, góp phần vào việc làm thanh sạch các chương trình truyền hình nói chung và chương trình đặc thù về cộng đồng LGBT nói riêng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại