Thứ bảy 23/11/2024 08:17

Cần tăng cường hỗ trợ hệ sinh thái “Các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội” tại Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại Việt Nam, các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (Social Impact Business - SIB) ngày càng nhận nhiều sự quan tâm khi hướng đến cân bằng giữa lợi nhuận với các trách nhiệm xã hội, trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Cần tăng cường hỗ trợ hệ sinh thái “Các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội” tại Việt Nam

Các chương trình hỗ trợ giúp SIB nâng cao năng lực, vượt qua khó khăn và bứt tốc trong kinh doanh. Ảnh: Dự án ISEE-COVID

SIB gia tăng tác động, giải quyết các vấn đề về xã hội và môi trường

Trước đây, khái niệm tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) còn khá xa lạ và thường bị nhầm lẫn với những khái niệm phổ biến hơn như “doanh nghiệp xã hội”. Thiếu nhất quán trong cách hiểu, cách gọi phần nào khiến các SIB ít được nhận diện. Thậm chí nhiều đơn vị thuộc khu vực SIB nhưng lại không biết và không cho mình là tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội.

Năm 2023, Sách Trắng tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội ra đời đã tạo điều kiện để các SIB được nhận dạng chính thức, giúp họ dễ dàng tiếp cận với các hỗ trợ và tăng cơ hội mở rộng thị trường. Đây là báo cáo nghiên cứu được xây dựng và công bố bởi Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cùng Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) với sự tài trợ của Bộ các vấn đề toàn cầu, Canada. Theo đó, các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội được hiểu là “tổ chức đăng ký thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có mô hình kinh doanh thể hiện mục tiêu kép về kinh doanh và tạo tác động tích cực đến xã hội, môi trường, hướng tới phát triển bền vững”.

Hiện nay ước tính có khoảng hơn 26.000 SIB, chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp và hợp tác xã, tạo ra 5% tổng số việc làm của Việt Nam, với 57% là lao động nữ. Thu nhập bình quân tháng một lao động của SIB trong năm 2021 đạt 6,3 triệu đồng, cao hơn 10% so với thu nhập bình quân một tháng một lao động trên cả nước trong năm 2021 và cao hơn đáng kể so với cao hơn đáng kể (khoảng 1-2 triệu đồng/tháng) so với người lao động tại khu vực nông thôn.

Tuy với số lượng khiêm tốn, nhưng các SIB đã và đang tạo ra một làn sóng thay đổi nhiều khía cạnh cuộc sống và triết lý kinh doanh của các doanh nghiệp truyền thống. Hơn nữa, các SIB góp phần thúc đẩy quá trình đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam, tập trung vào 3 lĩnh vực hàng đầu như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo cơ hội việc làm cho nhóm yếu thế và bảo vệ môi trường. Trong đó có thể kể đến một số SIB nổi bật như Journey of Senses; Hợp tác Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Po Mỷ; SOKFARM hay Fuwa3E. Câu chuyện của Fuwa3E - chế phẩm sinh học từ vỏ cây cho thấy nhiều tín hiệu tích cực về tiềm năng phát triển của các SIB theo đuổi mô hình kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn. Sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào là vỏ dứa - phụ phẩm trong nông nghiệp, kết hợp với đường vàng, nước sạch và tinh dầu bản địa đặc trưng của Việt Nam, doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm làm sạch an toàn, tự nhiên, chăm sóc nhà cửa và ô tô.

“Điều đặc biệt và ý nghĩa trong sản xuất các sản phẩm Fuwa3E đó là toàn bộ quy trình đều tạo tác động tích cực đến môi trường. Đầu vào sản xuất là phế phẩm trong nông nghiệp được tái sử dụng. Trong quá trình ngâm ủ và lên men làm tỏa ra khí O3 có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc, xua đuổi côn trùng và thanh lọc khi metan nặng trên những đám mây. Ở giai đoạn cuối của quy trình sản xuất, bã vỏ dứa được tận dụng làm phân bón tự nhiên cung cấp khoáng chất cho đất nuôi cây, trong khi nước thải không ảnh hưởng đến môi sinh” - bà Bùi Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa3E cho biết.

Hiện nay, sản phẩm của Fuwa3E trở thành sản phẩm tẩy rửa hữu cơ bán chạy nhất trên một số sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, xuất khẩu thành công sang các nước như Mỹ, Canada, Đức, Malaysia,...

Thế nhưng, bên cạnh những thành công thì khó khăn chung mà các SIB như Fuwa3e phải đối mặt nằm ở việc thay đổi thói quen người tiêu dùng. Bà Nguyễn Như Quỳnh, đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), người đã có kinh nghiệm làm việc, hỗ trợ hàng trăm SIB Việt Nam thông qua dự án ISEE-COVID chia sẻ: “SIB được ví như một người mặc bộ trang phục rất đẹp, nhưng lại ngồi trong một căn phòng tối. Có rất nhiều rào cản khiến sản phẩm của họ khó tiếp cận người tiêu dùng và khi chạm tới rồi thì làm sao để người tiêu dùng tin vào những giá trị mà sản phẩm mang lại thật sự khác biệt. Việc truyền thông để thay đổi thói quen cần nhiều thời gian cũng như chi phí. Mà những chiến dịch truyền thông quy mô lớn như vậy thật sự là rất khó với những doanh nghiệp nhỏ, thậm chí rất nhỏ như các SIB”.

Tăng cường hỗ trợ hệ sinh thái SIB tại Việt Nam

Cũng theo bà Nguyễn Như Quỳnh, cùng với truyền thông thì năng lực quản trị yếu, thiếu khung đo lường và quản lý tác động và khả năng tiếp cận nguồn tài chính thấp là ba điểm khó khăn nhất đối với các SIB Việt Nam.

Trong khuôn khổ dự án ISEE-COVID được tài trợ bởi Chính phủ Canada, UNDP phối hợp cùng Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), triển khai các hoạt động hỗ trợ theo hướng tiếp cận hệ sinh thái nhằm nâng cao năng lực cho hơn 300 SIB trên khắp Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ sinh thái hỗ trợ các SIB cũng được tăng cường kết nối và nâng cao năng lực với các hoạt động dành cho các tổ chức hỗ trợ, các sự kiện kết nối giữa các vùng miền. Một ngày hội quốc gia của hệ sinh thái SIB mang tên SIB CONNECT cũng đã được tổ chức thường niên. Nhằm thúc đẩy năng lực xây dựng và hoạch định chính sách hỗ trợ SIB, các hoạt động tập huấn nhằm tăng cường khả năng hỗ trợ SIB, các nghiên cứu và thí điểm chính sách hỗ trợ hệ sinh thái SIB cũng đã được triển khai.

“Chúng tôi có thể vui mừng và tự hào chia sẻ rằng những hoạt động này đã góp phần tạo ra một hệ sinh thái SIB dù còn khiêm tốn về số lượng nhưng đang tăng dần về chất lượng, rất đa dạng và năng động” - bà Nguyễn Như Quỳnh chia sẻ.

Bên cạnh những chương trình hỗ trợ hiện có, cần khuyến khích thêm sự tham gia các doanh nghiệp tiên phong, nhà đầu tư tác động và các cá nhân vào hệ sinh thái hỗ trợ SIB. Việc công nhận những đóng góp của các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội và dành sự ủng hộ cho sản phẩm, dịch vụ của họ sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế hòa nhập và tương lai phát triển bền vững cho tất cả mọi người.

Hà Nội: để quyền lợi của người tiêu dùng được bảo đảm chặt chẽ Hà Nội: để quyền lợi của người tiêu dùng được bảo đảm chặt chẽ
TP
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động