Thứ bảy 14/09/2024 20:28

Cần tăng cường, bổ sung các chế tài xử lý vi phạm trong thương mại điện tử

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để ngăn chặn, phòng chống hoạt động kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả… vi phạm trên môi trường thương mại điện tử, cần tăng cường, bổ sung các chế tài xử phạt, xử lý như đình chỉ hoạt động kinh doanh, buộc thu hồi tên miền của website thương mại điện tử vi phạm, khóa tài khoản mạng xã hội, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp...
Cần tăng cường, bổ sung các chế tài xử lý vi phạm trong thương mại điện tử

Đoàn kiểm tra liên ngành Ban chỉ đạo 389 quận Ba Đình tiến hành kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa tại quận Ba Đình. Ảnh: Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội

Vi phạm trên môi trường thương mại điện tử vẫn phức tạp

Thời gian qua trên địa bàn TP, hoạt động kinh doanh hàng lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm trên môi trường thương mại điện tử vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ.

Các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa xuất xứ nước ngoài nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một gia tăng.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cho biết, trong 2 ngày 6/8 và 7/8, triển khai kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung Thu trên địa bàn quận Ba Đình. Đoàn kiểm tra liên ngành Ban chỉ đạo 389 quận Ba Đình do Đội Quản lý thi trường số 3 làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra liên tiếp 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận, phát hiện hàng trăm sản phẩm bánh, kẹo có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Cụ thể: ngày 7/8/2024, tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa, tại phố Đặng Dung, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện, cơ sở đang kinh doanh 400 chiếc bánh nướng, 50g/chiếc, do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.

Trước đó, ngày 6/8/2024, kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa, tại đường Tân Ấp, phường Phúc Xá, quận Ba Đình. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 321 sản phẩm bánh, kẹo các loại, (trong đó có 175 chiếc bánh nướng các loại). Toàn bộ số hàng hóa này do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.

Hay như gần đây, ngày 9/7, Đội Quản lý thị trường số 22, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội kiểm tra 5 gian hàng kinh doanh tại khu vực đường Nguyễn Đình Tứ, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội phát hiện, tam giữ hơn 50.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại, với tổng khối lượng hơn 20 tấn hàng hóa gồm: dầu gội, kem đánh răng trẻ em các nhãn hiệu ACLEAF Repair toner, OHBT, MAMACOS, O-ZONE... do nước ngoài sản xuất – hàng hóa có dấu hiệu hết hạn sử dụng, trong đó, có lượng lớn kem đánh răng trẻ em nhãn hiệu O-ZONE và nhiều mỹ phẩm đang được tẩy hạn sử dụng và in, dập hạn sử dụng mới.

Đây là vụ việc mà lực lượng chức năng mất thời gian dài theo dõi hàng hóa được đăng bán trên các nền tảng thương mại điện tử (Tiktop Shop), địa điểm kiểm tra là nơi tập kết hàng hóa trước khi vận chuyển đến tay người tiêu dùng.

Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, có trọng tâm, trọng điểm

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, công tác đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm trên trên môi trường thương mại điện tử địa bàn Hà Nội đang còn nhiều khó khăn.

“Đối với các website thương mại điện tử bán hàng có đuôi ".vn" có thể tra cứu được chủ sở hữu tên miền và đơn vị quản lý. Còn với các website có tên miền quốc tế với các đuôi như ".com", ".us", ".net"... còn gặp khó khăn trong quá trình xác định thông tin về chủ sở hữu, sử dụng website để làm căn cứ xử lý vi phạm”- ông Chu Xuân Kiên nói.

Hơn nữa, hiện nay vi phạm tại các trang mạng xã hội như zalo, facebook và các ứng dụng di động khó chứng minh vi phạm và không xác thực được đối tượng vi phạm trừ khi đối tượng thừa nhận vi phạm.

Bên cạnh đó, việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận rất khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp "ảo" không đơn giản. Các trang website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ, cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, là chung cư...

Để ngăn chặn, phòng chống hàng giả và các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho rằng, cần tăng cường, bổ sung các chế tài xử phạt, xử lý như đình chỉ hoạt động kinh doanh, buộc thu hồi tên miền của website thương mại điện tử vi phạm, khóa tài khoản mạng xã hội, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp... Bên cạnh đó, có sự hướng dẫn rõ quy định đăng ký kinh doanh về thương mại điện tử, đặc biệt là đối với cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử.

Đặc biệt, trong thời gian tới lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường quản lý, đấu tranh với những mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm như hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, an toàn thực phẩm, thương mại điện tử, gian lận về thuế.

Đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, phản ánh kịp thời tình hình, kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phát hiện, bắt giữ hơn 26.500 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong năm 2023
Hà Nội: xử lý 507 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả trong tháng 3/2024
Hà Nội: đứng đầu cả nước về số vụ việc hàng giả, gian lận thương mại được kiểm tra, xử lý
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động