Cần những cơ chế đặc thù để gỡ ùn tắc đăng kiểm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCần những cơ chế đặc thù để gỡ ùn tắc đăng kiểm |
Doanh nghiệp vận tải, chủ cửa hàng ngồi “ngồi trên đống lửa” đợi đăng kiểm
Xe tải phải nằm chờ nhiều ngày để đăng kiểm khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí, mất doanh thu, trong khi lãi ngân hàng, lương nhân viên vẫn phải trả. Theo tính toán của doanh nghiệp, mỗi một đầu xe đăng kiểm cũng phải mất ít nhất một tuần mới xong như vậy đồng nghĩa với việc mất đi chi phí cơ hội cho mỗi xe như xe container khoảng 1 - 1,2 triệu/ngày. Không những thiệt hại về kinh tế mà nguy cơ nhiều doanh nghiệp sẽ bị chủ hàng kiện hợp đồng kinh tế vì chậm giao hàng.
Ông Trần Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Delta, chủ sở hữu hơn 150 đầu xe tải thùng và xe container chuyên vận tải hàng hóa chia sẻ: Thời điểm này, hàng chục xe của doanh nghiệp đến kỳ kiểm định nay vẫn phải chờ đợi đăng kiểm. Trong đó tôi có xe hai tầng kiểm định gần một tuần nay chưa xong, ước tính chi phí cơ hội tổn thất khoảng 4 triệu đồng/ngày nhưng do không vận hành được thì chúng tôi phải thuê 2 con xe khác tổn thất đấy phải nhân lên 2 lần.
Tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm Hà Nội vẫn gia tăng do thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực đăng kiểm viên. Nhiều chủ phương tiện phải xếp hàng chờ đợi nhiều ngày mới đến lượt đăng kiểm, thậm chí phải đi xa, sang các tỉnh lân cận để xếp hàng chờ đăng kiểm.
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc Công ty vận tải logistic Tùng Bách (Hà Nội), đang có 50 xe container, xe đầu kéo chuyên vận tải hàng hóa bức xúc nói: Hiện doanh nghiệp đang rất khó khăn trong việc điều tiết nhân sự đưa xe đi đăng kiểm, chúng tôi đang phải bố trí 10 nhân viên thay nhau đưa xe sắp đến hạn kiểm định đi sửa chữa, bảo dưỡng và tìm nơi đăng kiểm. Họ phải đưa xe đến trạm đăng kiểm từ tối hôm trước, ôm chăn lên xe ngủ chờ đến sáng xếp hàng.
Mỗi xe cũng phải cả tuần mới vào được đăng kiểm. Khi đến lượt kiểm định, nếu xe bị phát hiện lỗi thì phải đưa về sửa chữa, sau đó quay lại xếp hàng từ đầu. Doanh nghiệp tôi có 20 xe container phải đăng kiểm. Cứ dừng hoạt động một tuần, mỗi xe mất doanh thu 25-30 triệu đồng, trong khi các chi phí cố định gần chục triệu đồng vẫn phải trả.
Nếu tình hình hoạt động của các trạm đăng kiểm tiếp tục diễn biến xấu hơn thì việc bị gián đoạn là điều khó tránh khỏi và sẽ để lại những hậu quả rất lớn đối với các hoạt động vận tải và nền kinh tế.
Mấy ngày qua, ông Bùi Văn Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Vitranimex, như "ngồi trên đống lửa" vì có gần 100 xe container, xe tải đến hạn đăng kiểm trong tháng 3. Nếu hết hạn đăng kiểm, xe sẽ không thể lưu thông, thất thu hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, hàng loạt hợp đồng chở hàng xuất nhập khẩu, hàng tiêu dùng trên toàn quốc của doanh nghiệp có thể bị đình trệ, nguy cơ bị đối tác phạt hợp đồng hiện hữu.
"Nếu trong tháng tới đăng kiểm vẫn khó khăn thì có thể phải tăng giá cước vận tải vì chi phí phát sinh khá lớn. Khi nhiều doanh nghiệp tăng giá cước sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội", ông Long nêu quan điểm.
Nhìn nhận về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng: Tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm vẫn gia tăng do thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực đăng kiểm viên, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhiều xe tải phải nằm chờ nhiều ngày để đăng kiểm khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí, mất doanh thu, trong khi lãi ngân hàng, lương nhân viên vẫn phải trả. Nguy cơ nhiều doanh nghiệp sẽ bị chủ hàng kiện hợp đồng kinh tế vì chậm giao hàng là điều khó tránh khỏi.
“Nếu như các phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách không được đáp ứng một cách kịp thời thì nhu cầu vận chuyển vật tư nguyên liệu cho các nhà máy, các khu công nghiệp bị gián đoạn. Rồi vận chuyển hàng hóa để xuất khẩu đi các nước từ khu công nghiệp đến các cảng, rồi đến nơi tiêu dùng sẽ gián đoạn”, ông Quyền phân tích.
Câu chuyện ách tắc đăng kiểm không chỉ thiệt hại cho các chủ phương tiện mà ngày nay người dân đang sống và sinh hoạt trên các con phố có trạm đăng kiểm nhiều ngày nay rất bức xúc về tình trạng các xe ô tô xếp hàng dài cả km chắn hết mắt phố. Làm ảnh hưởng đến đời sống và các hộ kinh doanh trên mặt phố.
Chị Hoa - chủ một cửa hàng trên phố Sài Đồng, quân Long Biên, Hà Nội chia sẻ: "Nửa tháng nay gia đình tôi không kinh doanh được gì, mỗi ngày doanh thu chỉ bằng ¼ như ngày thường vì các phương tiện ô tô kín đặc trên mặt phố. Trong khi hàng tháng chúng tôi phải trả rất nhiều chi phí cho một cửa hàng từ tiền thuê mặt bằng, thuế, ngân hàng và các dịch vụ khác…như này ảnh hưởng thiệt hại vô cùng lớn đến đời sống của người dân trên con phố và người bán hàng như chúng tôi. Tôi mong muốn nhà nước có chính sách để các chủ phương tiện giải phóng khỏi ách tắc như này để trả lại giao thông của phố".
Người dân trên các con phố này cũng đồng cảm với các chủ phương tiện trước tình hình này nên họ gần như không sảy ra một hiện tượng xô sát nào, họ chỉ tế nhị để các vật dụng ngăn các xe để lấy lối đi vào nhà. Những con phố nhỏ giờ lại bị cả đoàn xe án ngữ làm ách tắc giao thông điều này rất đáng lo ngại những hiện tượng bất chợt như cháy nổ…xẩy ra trong con phố sẽ không có lối cho xe cứu hỏa, cứu thương đi vào.
Gỡ ùn tắc đăng kiểm... cần những cơ chế đặc thù
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết nhiều doanh nghiệp vận tải phản ánh tình trạng quá tải, ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động. Hiệp hội đề nghị các cơ quan có giải pháp tháo gỡ, không làm đình trệ sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có công văn số 2329 gửi Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân.
Trước mắt, trong thời gian xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2018. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết tình hình ùn tắc kiểm định xe ô tô hiện nay.
Cụ thể, tại Nghị định 139, Khoản 1 Điều 7 quy định “Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất 1 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao”, thì nay được áp dụng mới là: “Mỗi đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải bố trí 01 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra”.
Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị cho phép các đơn vị đăng kiểm đã bị đình chỉ hoạt động (thời hạn 1 tháng hoặc 3 tháng theo quy định tại Điều 10, Nghị định 139) được hoạt động trở lại nếu đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực theo quy định tại Nghị định 139.
Bổ sung nhân lực khẩn cấp cho ngành đăng kiểm, đề xuất cho phép sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các Trung tâm đăng kiểm. Các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng tại Nghị định số 116/2017 và các trang thiết bị, nhân lực đáp ứng QCVN 103:2019 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới) được phép hoạt động kiểm định xe ô tô.
Cuối cùng, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại