Thứ ba 26/11/2024 06:49

Cần nâng cao công tác tuyên truyền trong phòng, chống đuối nước ở trẻ em

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là nội dung được thảo luận tại hội thảo "Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước ở trẻ em" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 15-12.         
can nang cao cong tac tuyen truyen trong phong chong duoi nuoc o tre em
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: Duy Linh)

Theo TS.BS Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tại Việt Nam, trong 10 năm qua, với sự phối hợp của các Bộ, ngành, đoàn thể và cộng đồng, số trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước đã giảm.

Nếu như năm 2010, cả nước có 3.300 trẻ em tử vong do đuối nước, thì vào năm 2019 con số này đã giảm còn 2.000.

Tuy nhiên, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em Việt Nam, trong số này trẻ em dưới 5 tuổi có tỉ suất tử vong do đuối nước cao nhất trong các độ tuổi.

Tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong do đuối nước rất cao, ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, hồ, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác).

Thực trạng này đòi hỏi cần tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em, nâng cao nhận thức của người lớn và trẻ em trong việc nhận diện các nguy cơ mất an toàn đối với trẻ, từ đó có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh, hạn chế tối đa các trường hợp tai nạn thương tích do đuối nước.

Trong giai đoạn vừa qua thì các Bộ, ngành đã triển khai các chiến dịch truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích (PCTNTT), đuối nước trẻ em (ĐNTE) ở Trung ương cũng như các địa phương đồng thời ban hành xây dựng các tờ rơi, poster, pano tuyên truyền về phòng chống đuối nước trẻ em.

Tất cả các hoạt động truyền thông này đã được in ấn, tuyên truyền rộng rãi ở cộng đồng. Ngoài ra, năm 2020 là năm mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cũng như thiên tai bão, lũ thì tuyên truyền cũng đã có những chuyển hướng tăng cường hơn nữa tuyên truyền trên môi trường mạng, các mạng xã hội.

Với các nỗ lực trong thời gian qua, tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm so với giai đoạn trước nhưng vẫn ở mức cao và vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em.

Theo TS.BS Vũ Thị Kim Hoa, nguyên nhân số lượng trẻ em đuối nước vẫn còn cao (khoảng 2000 trẻ em tử vong mỗi năm, đó vẫn là nguyên nhân hàng đầu tử vong do TNTT cũng như cao gấp 10 lần các quốc gia trên thế giới) là do: Trẻ em còn thiếu kỹ năng an toàn; sự xao nhãng, bất cẩn của cha mẹ; vấn đề về môi trường, vấn đề của cộng đồng, ở gia đình vẫn còn tiềm ẩn các nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em; việc dạy bơi ở các địa phương vẫn còn gặp khó khăn, thiếu bể bơi, thiếu các hướng dẫn viên; Việc chấp hành các chính sách pháp luật về an toàn tham gia giao thông đường thuỷ hay xây dựng nhà ở vẫn chưa tốt, vẫn còn nhiều nơi chưa có rào chắn, vẫn còn trường hợp khi tham gia giao thông đường thuỷ chưa mặc áo phao; Ngoài ra sự quan tâm và đầu tư nguồn lực của các cấp, một số địa phương trong việc triển khai công tác PCĐNTE vẫn còn hạn chế. Có một số địa phương quan tâm đầu tư tốt như Quảng Ninh, Hà Nội, TP HCM, Bình Dương…

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương để triển khai tốt công tác PCTNTT, ĐNTE thì nguồn kinh phí vẫn còn hạn hẹp. Một trong số những nguyên nhân quan trọng nhất chính là vấn đề nhận thức và hiểu biết chung về vấn đề phòng chống ĐNTE ở các cấp, các ngành, ở cộng đồng, đặc biệt của cha mẹ trẻ em vẫn còn thấp. Rất nhiều ca tử vong do đuối nước hầu hết là do trẻ em hay là do người lớn thiếu giám sát cũng như sự bất cẩn của người lớn, do trẻ em thiếu kiến thức.

Trong chia sẻ của bà Đoàn Thị Thu Huyền, giám đốc quốc gia tại Việt nam, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) về kinh nghiệm triển khai các can thiệp hiệu quả về phòng, chống ĐNTE cũng nêu rõ tầm quan trọng của việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, gia đình, cha mẹ và bản thân trẻ em trong phòng, chống TNTT và ĐNTE.

Theo bà Huyền, có những tai nạn hết sức hy hữu ở trẻ hoặc có những nguyên nhân hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu như người lớn có sự quan tâm hơn, cẩn trọng hơn và chính trẻ em có những kỹ năng an toàn hơn nữa và nhận thức được những nguy cơ của bản thân mình.

“Đó là điểm mà tại sao chương trình của chúng tôi, Bloomberg và tổ chức chữ thập đỏ hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam triển khai chương trình này, nó có thể cứu sống được hàng ngàn đứa trẻ nếu như chúng ta chung tay và có những hành động đúng đắn”, bà Huyền cho biết.

Theo bà Đoàn Thị Thu Huyền, GHAI hiện nay ưu tiên chia sẻ nguồn lực cho những khu vực khó khăn và những địa phương đang găp phải những vấn đề lớn nhất về an toàn và phòng chống ĐNTE mà không đi sâu vào các thành phố lớn là những nơi hiện nay có rất nhiều gia đình có điều kiện đưa con đến các lớp học bơi và kỹ năng sống.

Thời điểm tử vong cao nhất ở trẻ là giai đoạn từ tháng 4 đên tháng 6, như vậy không phải trẻ tử vong nhiều khi mưa bão mà đó là thời gian khi trẻ nghỉ hè, đó cũng là lí do cần phải tác động mạnh hơn công tác về truyền thông, công tác về giáo dục cho trẻ ngay khi kết thúc năm học của mình và phải kéo dài tới thời điểm tháng 9, 10 khi trẻ kết thúc nghỉ hè. Cũng theo bà Huyền, khi trẻ em không biết bơi sẽ gặp rất nhiều rủi ro, nguy cơ khi ở trong môi trường nước.

“Ở những tỉnh, huyện chúng tôi triển khai chương trình có tới 83% trẻ em đang và 95% trẻ em không biết bơi và tỉ lệ thấp hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình 30% hiện nay của cả nước. Tôi muốn nhấn mạnh điểm ký năng an toàn của trẻ phải liên quan đến vấn đề học bơi an toàn và đặc biệt kỹ năng sống sót, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đây là điểm mà trẻ em hiện nay rất thiếu”, bà Huyền nhấn mạnh.

Để phòng, chống TNTT trẻ em và ĐNTE, hội thảo cũng đã lắng nghe các ý kiến tham luận của các đại biểu, các ý kiến tham luận đều khẳng định công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trên báo chí, vận động, phổ biến kiến thức trong nhà trường đã đạt được các kết quả nhất định. Bên cạnh các kết quả đạt được thì các tham luận cũng chỉ ra rằng công tác tuyên truyền phòng chống ĐNTE trong thời gian qua đã được các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan thông tin tuyên truyền quan tâm, chỉ đạo, định hướng nhiều nội dung, nhiều vấn đề còn chung chung, thiếu trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là những vùng có nguy cơ cao thì chưa được quan tâm và ngay trong nhận thức của những người thông tin tuyên truyền vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Từ những bất cập đó đã có những ý kiến kiến nghị để nâng cao các giải pháp tuyên truyền phòng, chống đuối nước. Một trong những giải pháp mà được nhiều đại biểu đề cập đến là nâng cao vai trò của cấp uỷ, Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là người đứng đầu.

Nhiều ý kiến kiến nghị công tác tuyên truyền phải đổi mới về nội dung lẫn hình thức tuyên truyền, đặc biệt phải chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho những người làm công tác tuyên truyền, những kiến thức chuyên sâu về bơi cũng như kiến thức về bảo vệ an toàn cho trẻ em.

Nhiều ý kiến tham luận cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, đối với các cơ quan báo chí cần phải quan tâm hơn, chỉ đạo định hướng toàn diện, cũng cấp các thông tin cụ thể, kịp thời để làm cơ sở định hướng cho công tác tuyên truyền của toàn hệ thống.

can nang cao cong tac tuyen truyen trong phong chong duoi nuoc o tre em
Bà Đinh Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Duy Linh)

Phát biểu tổng kết hội thảo, bà Đinh Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan thông tin tuyên truyền, đặc biệt là Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí của Trung ương, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để góp phần giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Theo bà Mai, để làm tốt công tác tuyên truyền thì những người làm công tác tuyên truyền phải hiểu được nội dung, kiến thức chuyên sâu về phòng, chống đuối nước trẻ em. Bên cạnh đó, việc đổi mới nội dung công tác tuyên truyền là rất quan trọng.

“Nếu chúng ta chỉ nhận thức việc phòng, chống ĐNTE chỉ là những kiến thức đơn thuần thì chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ, ở đây không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền kiến thức, kỹ năng bơi cho trẻ em mà chúng ta cần phải tuyên truyền nhiều kiến thức khác để cho các em có nhiều kiến thức khác để bảo vệ an toàn trong hoạt động vui chơi, học tập của chính mình”, bà Mai nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương cúng cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tuyên truyền không chỉ dừng lại ở cấp uỷ để tuyên truyền về chủ trương, đường lối nhưng rõ ràng để giảm thiểu ĐNTE thì cần sự tham gia của rất nhiều ngành.

Cần nhấn mạnh vai trò của gia đình, cần tập trung biểu dương những tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền cũng như công tác phòng chống ĐNTE nhất là ở nững khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa để nhân rộng những mô hình trong công tác tuyên truyền. Những người làm công tác tuyên giáo phải nghiên cứu đặc thù của từng vùng, miền, địa phương để lựa chọn các hình thức tuyên truyền.

“Chúng ta có rất nhiều hình thức tuyên truyền mới, chúng ta có tuyên truyền trên mạng xã hội, zalo, facebook… không ai khác những người làm công tác tuyên truyền phải là những người đi đầu để truyền đạt những thông tin, thông điệp tới cộng đồng”, bà Mai nói.

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động